Vùng cao Bình Định ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Định phấn đấu, giảm bình quân 2-3% mỗi năm số cặp tảo hôn và duy trì không phát sinh kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT An Lão, tỉnh Bình Định có 2 cấp học với đa số học sinh là người Ba Na, H’rê. Ngày 5/4/2024, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT An Lão ra mắt Câu lạc bộ “Thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại trường này.

Ra mắt Câu lạc Bộ thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống Trường THCS bán trú Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.

Ra mắt Câu lạc Bộ thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống Trường THCS bán trú Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.

Câu lạc bộ này thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh. Các em học sinh còn được được phổ biến các quy định xử phạt đối với hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tác hại của tảo hôn ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống; tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Đinh Thị Bảo Thi, học sinh lớp 9A2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT An Lão cảm thấy những điều câu lạc bộ đem đến cho các bạn thật bổ ích và thiết thực: “Trên trường thầy cô đã tuyên truyền về tảo hôn cho chúng em rồi sau đó em tiếp tục tuyên truyền cho những bạn khác biết về tảo hôn. Qua việc tuyên truyền này, chúng em cùng nhau thực hiện tốt, không vi phạm”.

Nhiều xã ở huyện miền núi An Lão có cách làm hay nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tại xã An Hưng, mỗi thôn, bản trong quy ước, hương ước đều đưa nội dung quy định cụ thể xử lý các vi phạm liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay ngăn chặn nạn tảo hôn.

“Người có uy tín chúng tôi luôn bám sát thực tế và nắm từng hộ dân để cùng với ngành, đoàn thể của thôn đi tuyên truyền. Nếu phát hiện gia đình nào có người muốn tảo hôn là chúng tôi đến trực tiếp để tuyên truyền tận nhà, dứt khoát không cho tổ chức tảo hôn. Các ngày sinh hoạt thôn, sinh hoạt các ban ngành, các buổi đó chúng tôi cũng lồng ghép tuyên truyền cho thấm”, ông Đinh Văn Ranh ở thôn 4, xã An Hưng cho biết.

Lồng ghép về tuyên truyền phòng chống tảo hôn trong các cuộc họp thôn xã Vĩnh Hòa, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Lồng ghép về tuyên truyền phòng chống tảo hôn trong các cuộc họp thôn xã Vĩnh Hòa, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề hôn nhân và sinh sản để tránh tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Việc tuyên truyền phải bằng hành động cụ thể, thiết thực, đúng đối tượng và phương pháp tuyên truyền phải mềm dẻo, linh hoạt.

“Đối với Phòng Dân tộc phải phối hợp với huyện đoàn An Lão, UBND các xã, thị trấn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Đặc biệt ở 3 trường nội trú và 2 trường bán trú của huyện. Tập trung vào tuyên truyền cho lứa tuổi học sinh trong độ tuổi dẫn đến vấn đề bỏ học tảo hôn. Chính vì vậy trong năm qua không có trường hợp tảo hôn”, ông Phạm Minh Tâm, Trưởng phòng Dân tộc huyện An Lão cho hay.

Huyện miền núi Vân Canh có số trường hợp tảo hôn cao nhất tỉnh Bình Định. Nguyên nhân tảo hôn là các em nhận thức chưa đầy đủ về kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, sự thiếu hiểu biết về pháp luật; thiếu trách nhiệm của gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh cho biết, huyện đã phân công cán bộ Phòng Dân tộc và các xã thường xuyên đứng chân từng thôn, làng vận động các gia đình ký cam kết không để xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Việc phối hợp giữa trường học và gia đình được đặc biệt quan tâm.

“Mặc dù tuyên truyền rất nhiều,các ban ngành vào cuộc nhưng tình trạng tảo hôn vẫn còn. Hiện nay, biện pháp tuyên truyền chủ yếu, nhận thức của đồng bào mà đặc biệt là các em mới lớn chưa nhận thức đầy đủ tác hại của việc tảo hôn cho nên đến khi xảy ra rồi thì sau này ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc sức khỏe cho con cái, ảnh hưởng kinh tế gia đình và hệ lụy xã hội. Huyện cũng đã yêu cầu các ngành và địa phương, trường học tuyên truyền làm sao để nâng cao nhận thức cho bà con, đặc biệt đối tượng cần tuyên truyền là nhóm trẻ”, ông Việt nói.

Ban Dân tộc tỉnh Bình Định tập huấn công tác tuyên truyền chống tảo hôn ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ban Dân tộc tỉnh Bình Định tập huấn công tác tuyên truyền chống tảo hôn ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Bình Định phấn đấu, giảm bình quân 2-3% mỗi năm số cặp tảo hôn và duy trì không phát sinh kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao.

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị đã yêu cầu các huyện phối hợp với các trường học trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, thông tin và giáo dục cho học sinh hiểu biết hơn về sức khỏe sinh sản, nhận thức đúng về hôn nhân gia đình, trang bị kỹ năng sống, các biện pháp phòng tránh tảo hôn cho các em.

“Việc tuyên truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng nằm trong tiểu dự án 2 của dự án 9, chương trình 1719. Ban Dân tộc tỉnh cũng đã có xây dựng kế hoạch đầu năm và phân bổ kinh phí cho các huyện để cùng nhau tuyên truyền. Ngoài tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh cũng thành lập câu lạc bộ ra mắt câu lạc nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; xây dựng pano áp phích tuyên truyền ở một số làng, một số xã mà có tỷ lệ tảo hôn cao”, ông Đinh Văn Lung cho biết thêm.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vung-cao-binh-dinh-ngan-chan-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-post1104946.vov