Vùng cao Đà Bắc vượt khó, nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, ngành Giáo dục huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) từng bước vượt khó mạnh mẽ, đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi có 29/47 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, tất cả các trường tiểu học đều đạt chuẩn. Điều này đã và đang tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của giáo dục vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của Hòa Bình.

Học sinh tại các xóm Săng Bờ, xóm Nưa, xóm Tham, xóm Lau Bai... thường phải dậy từ 5 giờ và bắt đầu hành trình bằng thuyền để đến trường vì khoảng cách di chuyển rất xa.

Học sinh tại các xóm Săng Bờ, xóm Nưa, xóm Tham, xóm Lau Bai... thường phải dậy từ 5 giờ và bắt đầu hành trình bằng thuyền để đến trường vì khoảng cách di chuyển rất xa.

Vượt khó

Đà Bắc là huyện miền núi với địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi và sông, suối chia cắt. Nhiều xã, thôn, xóm không thuận tiện về giao thông, đặc biệt trong mùa mưa lũ, khi sạt lở đất và ngập lụt thường xuyên xảy ra, làm gián đoạn việc học tập và công tác của giáo viên.

Nhiều năm qua, huyện Đà Bắc và ngành Giáo dục Hòa Bình đã nỗ lực kiên cố hóa trường lớp nhưng vẫn còn những cơ sở vật chất trường học xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Là huyện có nhiều xã bám hồ, việc đi học của học sinh rất khó khăn, khi các em phải di chuyển bằng thuyền. Những ngày mưa dông, bão, lũ hay sương mù... đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của học sinh nơi đây. Cùng với đó, nhiều trường học ở các xã đặc biệt khó khăn thiếu máy tính, thư viện, thiết bị dạy học cần thiết. Thiên tai lũ lụt và sạt lở thường xuyên gây thiệt hại cho cơ sở vật chất trường học.

Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, Lường Văn Thi cho biết, mặc dù còn khó khăn nhưng UBND huyện đã phân bổ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên cho các trường nằm trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh về đạo đức, lối sống và kỹ năng sống, huyện Đà Bắc đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục tạo, điều kiện tốt hơn cho quá trình học tập, tạo cho học sinh niềm hứng khởi đến trường. Nhiều năm qua, chính quyền tỉnh cũng như ngành giáo dục đã đặc biệt quan tâm chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đà Bắc như: Vầy Nưa, Tiền Phong, Nánh Nghê...

Phòng máy tính mói và khang trang tại điểm Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tiền Phong.

Phòng máy tính mói và khang trang tại điểm Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tiền Phong.

Thầy Nguyễn Danh Định, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Vầy Nưa chia sẻ, những năm qua, nhà trường đã được đầu tư xây dựng cơ sở trường học, đầu tư bàn ghế đúng quy chuẩn, kết nối internet và lắp đặt phòng máy tính nhằm phục vụ công tác giảng dạy, giúp học sinh tiếp cận với công nghệ thông tin và mở rộng kiến thức. Ngành Giáo dục huyện Đà Bắc cũng từng bước bổ sung giáo viên và cải thiện cơ sở vật chất tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa. tiếp tục đẩy mạnh giáo dục STEM, ngoại ngữ và kỹ năng sống cho học sinh…

Bà Trịnh Thị Nguyệt Hoa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc cho biết, toàn huyện có 90 giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 6 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trong năm học 2023-2024, toàn huyện có 138 học sinh giỏi cấp huyện, 22 học sinh đoạt giải cấp tỉnh, và 99,57% học sinh lớp 9 được xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở.

Đến nay, ngành Giáo dục huyện Đà Bắc đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2. Đây là kết quả đáng tự hào, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh địa hình hiểm trở, giao thông cách trở và tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn, khiến việc tiếp cận giáo dục không hề dễ dàng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng là một điểm sáng. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Đà Bắc có 29/47 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, tất cả các trường tiểu học đều đạt chuẩn, một minh chứng cho sự ưu tiên đầu tư vào giáo dục cơ sở.

Linh hoạt huy động, lồng ghép nguồn lực

Để đạt được những kết quả này, ngành Giáo dục huyện đã linh hoạt huy động và lồng ghép các nguồn lực đầu tư. Nhiều dự án lớn như: Dự án phát triển nông thôn đa mục tiêu (trị giá trên 35 tỷ đồng); chương trình kiên cố hóa trường lớp (trên 76 tỷ đồng)... cùng các nguồn vốn từ ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia đã được triển khai hiệu quả.

Hiện nay, 100% trường học trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc được trang bị máy vi tính, tất cả các điểm trường bị ảnh hưởng bởi thiên tai đều có phòng học kiên cố, không còn cảnh học sinh phải học trong phòng tạm hay lều bạt.

Điểm trường Trường PTHDTBT THCS Tiền Phong bên dòng sông Đà thuộc xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Điểm trường Trường PTHDTBT THCS Tiền Phong bên dòng sông Đà thuộc xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Thành tựu vượt khó còn được thể hiện qua những tấm gương cá nhân xuất sắc như: Cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc, giáo viên Trường Trung học Cơ sở thị trấn Đà Bắc, trong năm học 2023-2024, đạt giải Nhất hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, đồng thời phụ trách đội tuyển Hóa học với 9 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện.

Những học sinh của trường như Nguyễn Quỳnh Anh và Phí Hà Chi cũng ghi dấu ấn khi thi đỗ lớp 10 chuyên Anh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình) với điểm 10 môn tiếng Anh, bất chấp điều kiện học tập hạn chế, không có máy tính hay điện thoại thông minh.

Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi chia sẻ, những thành tựu đạt được trong thời gian qua là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của ngành Giáo dục huyện trong việc vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh Hòa Bình, sự đồng lòng của đội ngũ giáo viên và nhân dân, ngành Giáo dục huyện Đà Bắc hứa hẹn sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Lưu Trọng Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/vung-cao-da-bac-vuot-kho-nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-20250417181035514.htm