Vùng cao Quảng Bình đối mặt hạn hán, thiếu nước sinh hoạt

Nhiều xã miền núi của huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đang đối diện nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước tưới tiêu khi nắng nóng kéo dài. Huyện Tuyên Hóa được xem là nơi có nhiệt độ cao nhất ở tỉnh Quảng Bình, cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân đang bị đảo lộn

Nắng gắt, những cơn gió phơn Tây Nam càng khiến cho vùng cao Tuyên Hóa thêm oi ả. Nhiều nơi vẫn chưa có công trình nước sạch tập trung, một số xã có công trình cấp nước nhưng xuống cấp, hư hỏng ngưng hoạt động nhiều năm nay. Người dân phải tự khoan giếng để lấy nước nhưng nguồn nước vẫn rất ít ỏi, không đảm bảo sinh hoạt.

Xã Sơn Hóa là xã tiếp giáp thị trấn Đồng Lê nhưng đến nay chưa có công trình nước sạch sinh hoạt. Người dân chủ yếu sử dụng nước giếng đào, giếng khoan nhưng nguồn nước đã cạn. Giếng đào của gia đình bà Nguyễn Thị Sang ở thôn Bắc Sơn nằm bên cạnh khe nước.

“Giếng đào rồi lát đá ở phía dưới rồi lấy nước từ khe, nước cũng không được sạch lắm. Nhưng điều kiện bây giờ đang khó khăn, muôn khoan 1 cái giếng nhưng lại chưa có tiền, thôi đành uống tạm nguồn nước này. Giờ nếu có điều kiện thì muốn khoan giếng nước để uống nước cho sạch sẽ”- Bà Sang mong muốn.

1 giếng đào cạnh khe suối nhưng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh

1 giếng đào cạnh khe suối nhưng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh

3-4 gia đình cùng sử dụng 1 chiếc giếng khoan, nước không đủ để sinh hoạt

3-4 gia đình cùng sử dụng 1 chiếc giếng khoan, nước không đủ để sinh hoạt

Về mùa khô hạn, nếu giếng đào cạn thì người dân dùng chung giếng khoan, mua nước bình để ăn, uống; còn tắm giặt, sinh hoạt thì sử dụng nước khe suối, nước sông Gianh. Ông Bùi Minh Cần, ở thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, trước đây, giếng đào luôn có nước để dùng, những năm gần đây, chưa đến mùa hè thì giếng đào cạn nước. 3 gia đình gần nhau góp vốn khoan giếng nhưng về mùa nắng hạn phải bơm rất lâu, rất nhiều lần mới đủ nước sinh hoạt. Nhà nào cũng mất hàng chục triệu đồng khoan giếng, có hộ phải khoan nhiều lần mới được, riêng gia đình ông Cần đã khoan đến cái giếng thứ 3 mới có nước. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng mùa này thì không thể canh tác, làm trang trại chăn nuôi lớn vì không có nước, mùa hè cây cối cháy khô, vụ Hè- Thu cũng không trồng lúa được, đành bỏ đất hoang. Ông Cần than thở:

“Mùa này hạn hán cho đến tháng 8, tháng 9 nên là chịu, không làm ruộng được. Mùa hè thì vấn đề nước sinh hoạt rất vất vả, nước tưới lại càng thiếu trầm trọng, ruộng mùa này thì để hoang. Nếu có dự án hoặc cấp trên hỗ trợ thì mong giúp đỡ cho người dân có nước sinh hoạt.”

Những giếng đào khô cạn vào mùa nắng nóng.

Những giếng đào khô cạn vào mùa nắng nóng.

Mùa nắng nóng, các khe suối đều cạn nước

Mùa nắng nóng, các khe suối đều cạn nước

Gần 1.200 hộ dân xã Sơn Hóa thì 80% số hộ đối diện nguy cơ thiếu nước sạch trong mùa nắng nóng. Nơi đây địa hình đồi dốc, dân cư thưa thớt. Khi xây dựng công trình nước sạch thì đường ống nối về các hộ dân rất dài, cần kinh phí lớn. Hiện khoảng 40 héc ta đất nông nghiệp sẽ phải bỏ hoang trong vụ Hè – Thu.

“Hầu hết người dân đều thiếu nước trong những tháng hè, thiếu nước sinh hoạt và thiếu nước tưới tiêu cho sản xuất. Trong tiêu chí xây dựng Nông thôn mới thì tiêu chí về nước sạch thì cực kỳ khó khăn, rất khó để đạt được tiêu chí này”- Ông Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hóa bộc bạch.

Huyện Tuyên Hóa là nơi có nhiệt độ cao nhất tỉnh Quảng Bình trong mùa hè. Huyện này có 4 xã chưa có công trình nước sạch tập trung gồm Sơn Hóa, Lê Hóa, Ngư Hóa và Thanh Thạch. Các xã còn lại cũng đối mặt hạn hán. Nằm sát sông Gianh nhưng mùa hạn nguồn nước bị xâm nhập mặn, không thể bơm lên để tưới tiêu, việc gieo trồng đành trông cậy vào nguồn nước từ “trời”.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình những biện pháp chống hạn hán và xâm nhập mặn đều thực hiện hàng năm nhưng không mấy hiệu quả:

“Hiện tượng thiếu nước cục bộ cũng thường xảy ra trên địa bàn, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng khuyến cáo bà con sử dụng nước hợp vệ sinh, sử dụng nước tiết kiệm trong thời điểm nắng nóng kéo dài. Tích nước tại các hồ để đảm bảo sản xuất vụ Hè- Thu, tuyên truyền bà con chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa thiếu nước sang các loại cây trồng khác.”

Không thể canh tác vụ Hè- Thu, không thể chuyển đổi cây trồng, đất nông nghiệp đành bỏ hoang

Không thể canh tác vụ Hè- Thu, không thể chuyển đổi cây trồng, đất nông nghiệp đành bỏ hoang

Những diện tích thiếu nước tưới được khuyến cáo chuyển đổi cây trồng phù hợp

Những diện tích thiếu nước tưới được khuyến cáo chuyển đổi cây trồng phù hợp

Huyện Tuyên Hóa đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình, các ngành khảo sát, đánh giá đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước sinh hoạt phù hợp cho các vùng chưa có nước sạch tập trung. Trước mắt, cần ưu tiên hỗ trợ kinh phí xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình nước sạch trên địa bàn để người dân có nước sử dụng. Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, ngành đã rà soát trữ lượng tất cả các hồ đập chứa nước trên địa bàn, tính toán kỹ các phương án nhằm đảm bảo nước tưới, nước sinh hoạt. Tuy nhiên, những thời điểm nắng nóng gay gắt có thể xảy ra tình trạng hạn cục bộ. Theo ông Mai Văn Minh, đối với các công trình nước sạch phục vụ người dân, rất cần sự đầu tư của Nhà nước và nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp; việc đầu tư các nhà máy có quy mô lớn cần đáp ứng phục vụ nhu cầu liên xã, không nên đầu tư manh mún, làm giảm hiệu quả sử dụng sau đầu tư.

“Nếu như nắng nóng gay gắt như hiện nay, trong sản xuất sẽ có hiện tượng hạn hán cục bộ xảy ra do khả năng tưới không kịp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các huyện rà soát lại các diện tích có nguy cơ hạn chuyển đổi sang các cây trồng cạn sử dụng ít nước. Về vấn đề ưu tiên hàng đầu vẫn là nước sinh hoạt cho người dân, thì theo tính toán tại các hồ đập ở các địa phương với trữ lượng nước đang có, vẫn hy vọng trong mùa hè không xảy ra thiếu nước sinh hoạt”- Ông Minh nói./.

Thanh Hiếu/VOV- Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vung-cao-quang-binh-doi-mat-han-han-thieu-nuoc-sinh-hoat-post1025289.vov