Vững chắc niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam'.

Với ngôn từ giản dị, dễ hiểu, với những luận cứ lý luận khoa học và thực tiễn sâu sắc, xác thực, bài viết của Tổng Bí thư đã có sức truyền cảm, lan tỏa mạnh mẽ, củng cố vững chắc niềm tin của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân vào con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII; náo nức đón chờ “Ngày hội toàn dân”, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, để thực hiện quyền làm chủ của mình, bài viết của Tổng Bí thư như một nguồn cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Những lý giải sâu sắc, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn của bài viết, đã củng cố, khắc sâu thêm niềm tin vào con đường Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng thời, đó cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai còn đang mơ hồ trong nhận thức chính trị, những ai còn lầm đường, lạc lối quay đầu trở lại khi còn chưa muộn.

Bài viết đã chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ, khẳng định ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường duy nhất đúng đắn, “là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng đánh giá rất cao vai trò lịch sử của giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Năm 1848, trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, các ông đã viết: “Giai cấp tư sản đã đóng vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”. Song các ông cũng dự báo và chứng minh cho dự báo của mình: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và sự thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(1).

Bởi lịch sử phát triển của CNTB là lịch sử áp bức, bóc lột, bất công, với những tội ác chồng chất và những cuộc chiến tranh đẫm máu, nó không thể là lời giải đáp cho xã hội tương lai của loài người, cho khát vọng tự do của nhân loại. Vì thế, tất yếu nó phải được thay thế bằng một xã hội tốt đẹp hơn - xã hội XHCN, một xã hội mà trong đó “sự phát triển tự do của mỗi cá nhân là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(2). Đó cũng là mục tiêu, khát vọng mà nhân dân Việt Nam hướng tới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước đã nắm vững nhu cầu lịch sử của dân tộc, khát vọng của nhân dân, bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình, kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi, Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(3). Từ đây cách mạng Việt Nam đã tìm ra con đường phát triển mang tính đặc thù - đó là con đường quá độ từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, bỏ qua chế độ TBCN, đi lên CNXH.

Sau hơn 35 năm đổi mới, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đời sống của hơn 90 triệu người dân ngày càng được cải thiện. Mặc dù còn nhiều việc phải làm để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, song trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, tình hình chính trị - xã hội của đất nước vẫn luôn ổn định, nhân dân thực sự là người làm chủ đất nước, toàn dân đang được tận hưởng cuộc sống hòa bình, tự do. Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bài viết, là một minh chứng không ai có thể phủ nhận về tính đúng đắn của con đường XHCN mà chúng ta đã lựa chọn.

Thực tế thời gian gần đây, CNTB có sự phát triển mạnh mẽ do biết tự điều chỉnh và thích ứng, tuy nhiên điều đó không làm thay đổi bản chất của CNTB. Ngược lại, những điều chỉnh và phát triển đó không nằm ngoài quy luật khách quan của sự vận động và phát triển lịch sử xã hội như C.Mác đã khẳng định: “Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”(4). Chính sự phát triển của CNTB với nền sản xuất lớn; với khoa học công nghệ ngày càng hiện đại; với sự phát triển xã hội hóa sản xuất đang làm “nẩy mầm” những nhân tố của CNXH.

Trong xã hội tư bản hiện đại, xuất hiện chế độ hợp tác, công ty cổ phần, nhà nước đóng vai trò điều tiết quản lý về vốn, người lao động tham gia quản lí xí nghiệp ở mức độ khác nhau, sự rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, lao động trí óc với lao động chân tay, tính dân chủ và xã hội của nhà nước tăng lên… tất cả những cái đó chính là sự chuẩn bị điều kiện vật chất cho CNXH.

Sự đổ vỡ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu có làm cho phong trào XHCN thế giới bị tổn thất nghiêm trọng nhưng nó không đồng nghĩa với sự sụp đổ của CNXH với tính cách là một hình thái kinh tế - xã hội mà loài người đang vươn tới. Thành tựu và kinh nghiệm của CNXH hiện thực trong cải cách, đổi mới tiếp tục cổ vũ chúng ta kiên trì và sáng tạo trên con đường xây dựng CNXH.

Chính vì vậy, sự chuyển hướng theo con đường TBCN, như một số kẻ đang rêu rao, sẽ không được sự ủng hộ của hơn 90 triệu người dân Việt Nam, bởi nó không đáp ứng được những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân như Tổng Bí thư đã khái quát: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người... Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội... Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn... Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai... Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân...”.

Đó thực sự là những thông điệp có sức truyền cảm, lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, thôi thúc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước - khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh. Với những thông điệp ấy từ Tổng Bí thư, chắc chắn chúng ta sẽ phát huy được tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực, tạo nên nội lực mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nắm bắt, tận dụng tốt mọi thuận lợi, thời cơ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng CNXH ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

-------------------

(1). C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.613.

(2). C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.628.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30.

(4). C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.21.

Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thủy (Học viện Chính trị CAND)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/vung-chac-niem-tin-vao-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-642024/