Vùng đất An Giang kiên cường, phát triển

An Giang là vùng đất được cư dân người Việt khai phá sau cùng ở Nam Bộ, nhưng sớm giữ vị trí xung yếu của ĐBSCL về phía Tây. Suốt hàng trăm năm ra sức khai phá vùng đất An Giang, bằng bàn tay và khối óc, bằng mồ hôi, nước mắt và cả xương máu, lưu dân đã biến miền đất hoang sơ thành đồng ruộng phì nhiêu, phố phường đông đúc, mở mang vùng đất biên giới Tây Nam mênh mông trở nên giàu đẹp.

Thăng trầm lịch sử

Theo Địa chí An Giang năm 2013, giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), tỉnh An Giang lúc đó gồm Long Xuyên và Châu Đốc, một phần của tỉnh Đồng Tháp ngày nay. Diện tích rất lớn, mà chỉ có khoảng nửa triệu dân. Vì vậy, dân cư rất thưa thớt cả trong vùng địch tạm chiếm và vùng giải phóng, ngoại trừ khu vực thành thị, tụ điểm dân cư lớn. Đến năm 1975, dân số đã tăng lên 1,36 triệu người. Tính từ năm 1945 - 1975, tỉnh An Giang trải qua 8 lần tách, nhập địa giới hành chính lớn, với nhiều tên gọi khác nhau, như: An Giang, Long Xuyên, Châu Đốc; Long Châu Tiền, Long Châu Hậu; Long Châu Hà, Long Châu Sa; Châu Hà; Long Châu Hà, Long Châu Tiền.

Ngày 20/12/1975, tỉnh An Giang được tái lập. Đảng bộ tỉnh bắt tay ngay vào củng cố, xây dựng chính quyền các cấp, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân, xây dựng lại quê hương trong điều kiện xuất phát điểm rất thấp. Tuy nhiên, hòa bình chưa được bao lâu, đêm 30/4/1977, tập đoàn phản động Pol-Pot đã mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta.

Ảnh: TRẦN KIM LUẬN

Ảnh: TRẦN KIM LUẬN

Tỉnh phải di dân để bố trí lại dân cư, kết hợp xây dựng vùng kinh tế mới. Gần 20.000 đồng bào vùng biên giới sơ tán về tuyến sau ổn định nơi ăn ở; đưa 55.000 đồng bào Khmer xuống định cư ở Hậu Giang, Minh Hải theo chỉ đạo của Trung ương. Một lần nữa, Đảng bộ An Giang đoàn kết trên dưới một lòng tiếp tục lãnh đạo Nhân dân làm tốt công tác hậu phương, đóng góp sức người cùng với cả nước chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc, giúp Nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng (7/1/1979).

Sau ngày giải phóng, Nhân dân trở về quê cũ, sửa sang và tạo dựng lại nhà cửa, ruộng vườn đã bị đạn bom tàn phá, nhất là ở vùng sâu, vùng giải phóng. Nhân dân ra sức đẩy mạnh sản xuất, đời sống được cải thiện dần, mức sống cao hơn trước. Các cánh đồng lúa được mở ra, mạng lưới thủy lợi đã được triển khai đào vét khắp cánh đồng, đem phù sa vào đồng ruộng và xổ phèn, làm cho đồng ruộng càng thêm phì nhiêu, lúa thóc đầy bồ. Tỉnh kết hợp việc mở mang thủy lợi và đê bao chống lũ dài 3.800km với việc bố trí lại dân cư. Gần 10.000 hộ ở rải rác trong vùng ngập lũ, 84 cụm dân cư và 35 tuyến dân cư được xây dựng, với chiều dài gần 100km, không còn phải lo cảnh chạy lụt hàng năm.

Bài học đoàn kết, sáng tạo

Đảng bộ An Giang luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Quán triệt bài học “lấy dân làm gốc”, cả hệ thống chính trị, với trách nhiệm chủ yếu của cán bộ chủ chốt các cấp, đã luôn kịp thời nắm bắt, giải quyết hiệu quả những nhận thức, tư tưởng “mới nảy sinh” để ổn định tư tưởng. Đại đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân An Giang yên tâm, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, thấy được triển vọng đi lên của địa phương, đất nước, tự nguyện chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và tham gia tích cực những chủ trương đổi mới, sáng tạo của địa phương.

Trong suốt quá trình đổi mới, An Giang vận dụng linh hoạt, sáng tạo hàng loạt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn của tỉnh trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đó là: Tăng cường hợp đồng 2 chiều ứng trước cho dân; Nhà nước mua hàng của dân theo giá hợp đồng; chủ trương “mua đúng, bán đúng”; xóa bỏ các trạm “ngăn sông cấm chợ”; chủ trương về tam nông (nông nghiệp, nông dân và nông thôn, còn gọi là “Tư tưởng tam nông”); Chương trình khai thác tứ giác Long Xuyên (năm 1988); Chương trình khuyến nông (năm 1989); Chương trình phát triển nông thôn (năm 1992); Chương trình khuyến công (năm 1996); Chương trình trồng và bảo vệ rừng; phát triển nghề nuôi và xuất khẩu cá tra, ba sa…; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (năm 2012)…

Kết quả, từ một tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực (sản lượng lúa 848.000 tấn năm 1986), đến có dư để xuất khẩu, đạt trên mức 2 triệu tấn lần đầu tiên vào năm 1996, trên mức 3 triệu tấn vào năm 2007 và hiện nay là trên 4 triệu tấn; là một trong những tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu cả nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia; đời sống Nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Những thành tựu đạt được của tỉnh thời gian qua là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục đổi mới, phát triển trong những năm tới; góp phần vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cả nước trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

“Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, phức tạp, cán bộ, đảng viên vẫn kiên tâm công tác, học tập gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chúng ta nhìn thẳng vào thực tế, để đấu tranh, xây dựng, phát huy truyền thống cách mạng của Đảng, đóng góp vào việc giáo dục lý tưởng cộng sản, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ; tri ân công lao, giữ gìn thành quả, kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Chúng ta cùng nhìn vào tương lai, để lạc quan, tin tưởng, nguyện son sắt thủy chung với dân, với Đảng; góp phần xây dựng chi, đảng bộ cơ sở, An Giang trong sạch vững mạnh, tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu” - ông Huỳnh Phú Hữu (Hội Văn học - Nghệ thuật TP. Châu Đốc) bày tỏ trong bài viết “Ý Đảng hợp lòng dân”.

Truyền thống đoàn kết của Đảng bộ và Nhân dân An Giang đã được hun đúc, phát huy mạnh mẽ hàng trăm năm nay. Tình hình mới đang và sẽ đặt ra cho An Giang nhiều cơ hội và thách thức mới, nhiệm vụ mới mẻ. Thế nhưng, nhất định chúng ta sẽ tạo lập thêm nhiều kỳ tích, đột phá chiến lược, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình, viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương An Giang!

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/vung-dat-an-giang-kien-cuong-phat-trien-a418924.html