Vùng đất đỏ Bazan Gia Lai - Đổi thay nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách (Kỳ 3)
Tỉnh Gia Lai đang tiếp tục nỗ lực triển khai hiệu quả các chỉ thị và kết luận của Ban Bí thư về giảm nghèo bền vững. Việc ưu tiên nguồn lực cho tín dụng chính sách được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đóng vai trò là 'chìa khóa' then chốt để mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Kỳ 3: Tín dụng chính sách - "Chìa khóa" then chốt cho mục tiêu giảm nghèo
Ưu tiên nguồn lực, “rót” vốn tín dụng đến từng hộ nghèo
Trong nhiều năm qua, tỉnh Gia Lai đã chú trọng công tác tín dụng chính sách, đặc biệt là nâng cao vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, chỉ ra rằng tín dụng chính sách không chỉ là công cụ tài chính mà còn là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách, Gia Lai đang nỗ lực nâng cao nhận thức và quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách. Tỉnh cũng đã bố trí kịp thời nguồn tài chính, tích hợp các chương trình mục tiêu quốc gia vào quyết định đầu tư công và các dự án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 15% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện và tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành nghiên cứu và đề xuất các chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Theo ông Nguyễn Triều Quang, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Gia Lai, trong thời gian qua, Chi nhánh và các phòng giao dịch đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Mục tiêu là nâng cao vai trò quản lý vốn tín dụng, đặc biệt là hỗ trợ UBND tỉnh và các cấp huyện chuyển nguồn vốn ngân sách qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 87,8 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh chuyển 50 tỷ đồng và 17 huyện, thị xã, thành phố chuyển 37,8 tỷ đồng, với 10 đơn vị đã hoàn thành kế hoạch vốn.
Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai và 4 đơn vị cấp huyện đã chuyển nguồn vốn ngân sách ủy thác cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù, với tổng số tiền 6,3 tỷ đồng. Điều này đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn và tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này có thêm cơ hội làm lại cuộc đời, tái hòa nhập với cộng đồng.
Ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đánh giá: “Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn nhưng UBND tỉnh và các địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, ưu tiên chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ đó, hầu hết các nhiệm vụ và kế hoạch được giao đều đạt kết quả cao, góp phần tích cực vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Năm 2023, tổng nguồn vốn huy động cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó có 644 tỷ đồng vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình và 1.190 tỷ đồng vốn lồng ghép từ các chương trình. Riêng năm 2024, tổng nguồn vốn giải ngân cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt trên 177 tỷ đồng. Nguồn vốn dồi dào đã mang lại hiệu quả tích cực, cải thiện đời sống và thay đổi diện mạo cho các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Theo ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được thiết kế phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Tín dụng chính sách đã được triển khai đến 100% các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, chính nhờ hoạt động tín dụng chính sách giúp thúc đẩy tinh thần tự lực, tự chủ cho đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Các mục đích vay vốn đa dạng, thời gian vay linh hoạt, lãi suất điều chỉnh theo từng thời kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Nhờ triển khai đồng bộ và lồng ghép hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo với chính sách tín dụng ưu đãi, qua đó số hộ nghèo người dân tộc thiểu số đã giảm từ 34.387 hộ năm 2022 xuống còn 21.377 hộ vào năm 2024. Kết quả này càng khẳng định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp ưu việt của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bà Rcom Sa Duyên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Gia Lai, cho biết theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 dự kiến còn 4,05% vào cuối năm 2025, với mức giảm hộ nghèo chung là 2,02% và hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%. Để đạt mục tiêu này, tỉnh cam kết tiếp tục đẩy mạnh nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của nhân dân và tăng cường hỗ trợ các thông tin, chính sách cần thiết đến với người dân, đồng bào dân tộc thiểu số.
Với những nỗ lực không ngừng, Gia Lai đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, hướng tới một xã hội công bằng, phồn vinh và hạnh phúc hơn cho mọi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.