Chỉ thị số 40: 'Kim chỉ nam' cho hoạt động tín dụng chính sách
Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã trở thành 'kim chỉ nam' cho hoạt động tín dụng chính sách. Qua đó, góp phần đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, các cấp, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân. Qua đó, tiếp sức để người dân vùng khó từng bước vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Nếu nói tín dụng chính sách như “cánh buồm đưa con thuyền an sinh ra khơi”, thì Chỉ thị số 40 được ví như “ngọn gió” đẩy con thuyền ấy đi nhanh, đúng hướng và hiệu quả hơn. Ngay sau khi Chỉ thị số 40 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và tổ chức chính trị - xã hội tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung chỉ thị. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò tín dụng chính sách xã hội, cũng như phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong chỉ đạo, giám sát nhằm đưa hoạt động tín dụng chính sách trở thành là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của từng địa phương, đơn vị.
Cùng với đó, ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện thường xuyên được kiện toàn, với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội. Hằng năm, ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH các cấp chỉ đạo NHCSXH phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội rà soát nhu cầu vay vốn của người dân, ưu tiên nguồn vốn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các xã vùng khó khăn, xã xây dựng nông thôn mới (NTM); triển khai tín dụng chính sách gắn với nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương.
Cao Lộc là một trong những huyện thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của huyện. Đến nay, tổng dư nợ 16 chương trình cho vay của huyện đạt 414 tỷ đồng với 5.293 hộ vay.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện cho biết: Hằng năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ đến với người dân, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa. Cùng đó, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách đối với các hộ vay; tổ chức họp định kỳ hằng quý để đánh giá kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện để nguồn vốn phát huy hiệu quả tốt nhất.
Một điểm nổi bật trong nội dung Chỉ thị số 40 là bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện. Theo đó, tại các xã đều tạo điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí địa điểm, điều kiện, thời gian làm việc cho NHCSXH cấp huyện thực hiện giao dịch. Hiện nay, toàn tỉnh có 200 điểm giao dịch đặt tại 200 trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn.
Bà Hoàng Thị Giang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình khẳng định: Thực hiện Chỉ thị số 40, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực phối hợp với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, các đoàn thể xã tuyên truyền về các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ. Đồng thời, triển khai lồng ghép các chương trình tín dụng chính sách gắn với kế hoạch phát triển kinh tế của xã như giảm nghèo, xây dựng NTM. Nhờ vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách ở xã không những tăng trưởng nhanh, mà hiệu quả của đồng vốn vay cũng phát huy tác dụng, hỗ trợ các hộ nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất. Hiện tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn xã đạt trên 17,7 tỷ đồng với 253 hộ vay.
Tạo động lực để người dân vươn lên
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt trên 4.900 tỷ đồng, với 87.600 lượt hộ vay.
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng như hoạt động của NHCSXH. Thông qua đó, nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai rộng khắp, tiếp sức cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Tìm hiểu thực tế về hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi tại xã An Sơn, huyện Văn Quan, chúng tôi đến tham quan mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình anh Hoàng Văn Hóa, thôn Bình Đãng A. Đang nhanh tay sửa máy nông nghiệp cho khách, anh Hóa chia sẻ: Trước đây, điều kiện kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, bản thân tôi đã trải qua nhiều nghề nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2018, được cán bộ Hội Nông dân xã tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi đã vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để mở cửa hàng kinh doanh sửa chữa máy nông nghiệp và chăm sóc rừng hồi. Năm 2022, tôi trả xong nợ ngân hàng và tiếp tục làm hồ sơ vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng keo, na và mở rộng diện tích rừng hồi. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng, cuộc sống gia đình được nâng cao.
Không chỉ gia đình anh Hóa, sau 10 năm triển khai Chỉ thị 40, nhiều hộ dân tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội để có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt, sản xuất…
Cụ thể, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, doanh số cho vay đạt 14.009,3 tỷ đồng, với 511.142 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã được vay vốn để phát triển sản xuất. Nguồn vốn đã giúp 71.820 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 23.995 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 2.910 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đầu tư xây dựng được 145.995 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng được 9.551 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách...
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân đã phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 6,02% (năm 2013 là 18%); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng (tăng 35 triệu đồng so với năm 2013); toàn tỉnh có 98/181 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 24 xã NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu;…
Qua thực tiễn cho thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã tạo nên sức mạnh tổng hợp xuyên suốt đến tận cơ sở. Qua đó, giúp cho việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực không chỉ về quy mô, nguồn lực mà chất lượng tín dụng chính sách ngày càng tăng, mà hơn thế là sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị được tăng cường.
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ban đại diện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách, không để trường hợp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn mà không được vay vốn. Cùng đó, gắn tín dụng chính sách xã hội với phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội không chỉ tiếp sức người dân vươn lên phát triển kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn tỉnh. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tin tưởng rằng thời gian tới, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả rõ nét hơn nữa, góp phần xây dựng Lạng Sơn ngày một giàu đẹp, văn minh.