Vùng đất mở cửa một vương triều

An Khê-cửa ngõ và là vùng kinh tế quan trọng phía Đông Gia Lai chính là châu thổ đầu tiên của sông Ba, dòng sông dài nhất của miền Trung phát nguồn từ hệ núi Ngọc Rô (tỉnh Kon Tum) rồi chảy qua Gia Lai, Phú Yên để đổ ra Biển Đông. Nằm cận thượng nguồn của sông Ba, châu thổ này là vùng đất được cư dân miền xuôi đến mở đất lập làng từ hàng trăm năm trước, mở ra việc sống chung và giao thương với cư dân bản địa sớm nhất Bắc Tây Nguyên. Chính nhờ vậy mà Tây Sơn Tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã chọn vùng đất này làm căn cứ buổi đầu cho cuộc dấy nghĩa mở ra vương triều Tây Sơn với trang sử chống ngoại xâm hiển hách của dân tộc. Dòng sông mở Kbang là thị trấn đầu tiên nằm bên sông Ba, cách những buôn làng của người Mơ Nâm, Bahnar nơi đầu nguồn trên cả trăm cây số. Thị trấn Kbang cách thị xã An Khê 30 km, tôi phải qua lại nhiều lần để nhận ra tính độc đáo của một châu thổ cao nguyên dọc dài từ xã Nghĩa An (huyện Kbang) đến khỏi phố thị An Khê. Những ruộng đồng, nương bãi, gò đồi thoáng rộng hai bên sông, đâu cũng thắm màu xanh. Che chắn chung quanh là những hệ núi trập trùng. Những làng mạc hai bên đường hay ẩn dưới vườn cây của người Bahnar, người Kinh thảy đều tươi sức sống. Trải mình qua những lũng sâu, vực thẳm, giữa trùng điệp núi rừng ở đoạn thượng nguồn, đến An Khê, sông Ba đã mang vào hình vóc của một con sông lớn. Cầu Sông Ba trên quốc lộ 19 ở thị xã An Khê là cây cầu kiên cố đầu tiên mà người Pháp xây dựng ở đoạn sông Ba cận thượng nguồn này. Cây cầu dài nằm giữa hai đầu phố xá rộng lớn đã làm đẹp cho cảnh quan đô thị An Khê và đối lại, phố xá cũng làm cho cây cầu giữa châu thổ lồng lộng này thêm nét duyên dáng, trữ tình. Sớm mai, đi trên cầu Sông Ba nhìn những người Bahnar cưỡi xe, mang gùi từ các ngả đường đổ đến phố chợ hay đến rẫy nương sẽ nhận ra sự phát triển của đô thị cửa ngõ này có sự góp vào đáng kể của cộng đồng cư dân bản địa. Từ cầu Sông Ba nhìn ra bốn phía thấy dòng sông như một cửa mở cho mạch sống của một vùng cao nguyên rộng lớn, ba

Một cánh cửa mở khác của An Khê là con đèo dài xấp xỉ 10 cây số-đèo An Khê. Nối cao nguyên An Khê với đồng bằng, với vùng hạ nguồn của châu thổ sông Côn (tỉnh Bình Định), đèo An Khê uốn lượn theo những sườn núi nằm trong sơn hệ kéo dài như một trường thành phía tả ngạn sông Ba, con đèo cũng là thắng cảnh hùng vĩ của vùng đất An Khê. Từ đỉnh đèo đổ về hướng Tây, có thể nhìn trọn cả một vùng cảnh quan khoáng đạt của châu thổ An Khê, nhất là vẻ khang trang, bề thế của một đô thị cao nguyên hiện đại.

Con đường di dân

Đâu là những con đường, những lối đi đưa cư dân miền xuôi tiên khởi đến An Khê khai vỡ đất đai, tạo dựng làng xóm, mở ra sự cộng cư, giao thương với cư dân bản địa? Và đâu là lớp di dân khai mở mối giềng này? “Tôi đã tìm hiểu qua các cụ già, qua các trang gia phả trong vùng nên được biết những cư dân sớm nhất đến vùng An Khê-tức gồm cả vùng Kbang bây giờ-thì đều là những người ở tỉnh Nghệ An. Họ đến đây trước thời Tây Sơn, tức là trước năm 1770 khá lâu”-Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Bùi Văn Hiếu giải thích. Cũng các vị lão làng ở đây cho biết thêm rằng, vì muốn giữ lại tình tự quê cũ Nghệ An của mình, những cư dân lớp đầu đến đây đã lấy chữ An (từ tên Nghệ An) ghép sau chữ Cửu để đặt tên cho quê mới là Cửu An-họ mong cầu cuộc sống của mình ở đây luôn có được sự bình an bền vững. “Bởi vậy nên các cụ ở đây nói Cửu An là tên gọi sớm nhất của vùng đất An Khê này. Từ tên gọi Cửu An buổi đầu, về sau khi đặt tên cho làng xã mới được lập thêm trong vùng người ta đều giữ lại chữ An, như là Nghĩa An, Thành An, Tú An, Song An, Phú An… và mới nhất là Xuân An”-vẫn theo lời của người chủ tịch trẻ.

Cách An Khê chừng 6 cây số về hướng Bắc, Cửu An có lẽ là “bến đỗ” đầu tiên của những lớp cư dân tiên khởi khi họ từ lối đi chính dọc sông Côn (Bình Định) đến đoạn cuối thuộc huyện Vĩnh Thạnh, vượt qua Dốc Ván, rồi đến đây. Thật lý thú, con đường đến châu thổ-cao nguyên An Khê qua ngã Dốc Ván có thể là lộ trình lâu dài nhất của nhiều lớp cư dân miền xuôi đến đây mở đất, định cư hay khách thương đến mua bán. Các tư liệu điền dã về Tây Sơn Tam kiệt cho thấy đoạn sông Côn từ bến Trường Trầu ở làng Kiên Mỹ-đất nhau rốn của Tây Sơn Tam kiệt (thuộc vùng Tây Sơn hạ đạo) đến vùng cuối của huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) là phần đường ghe, rồi kết nối với phần đường bộ ở đoạn cuối để tới Cửu An-bến đỗ đầu tiên. Sự giao thương giữa hai miền xuôi-ngược có từ trước thời Tây Sơn Tam kiệt dấy nghĩa, khoảng năm 1770 về trước, đã diễn ra ngay ở Cửu An và vùng phụ cận, một phần ở tại bến Trường Trầu do vị chủ thương thống lĩnh là Nguyễn Nhạc, mà mặt hàng miền cao đưa xuống đáng nói là lá trầu.

Một tư liệu đáng tin cậy để cho rằng lớp cư dân tiên khởi đến Cửu An/An Khê theo ngã Dốc Ván-Cửu An được linh mục Nguyễn Hoàng Sơn ở Giáo phận Kon Tum dẫn ra từ con đường truyền giáo của các giáo sĩ Công giáo. Theo linh mục Sơn: “Đến thời kỳ 1849-1865, các giáo sĩ từ nhà thờ Công giáo Gò Thị (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã men theo lối đi dọc sông Côn đến vùng Vĩnh Thạnh rồi vượt Dốc Ván (thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) để đến Cửu An. Trạm Gò ở Cửu An là điểm dừng chân của các vị thừa sai khi họ vượt qua Dốc Ván. Rồi từ Cửu An họ men theo các làng Bahnar dọc sông Ba đi lần đến bốn điểm truyền giáo rải rác ở các vùng nay thuộc TP. Kon Tum”. Cũng theo linh mục Sơn, mãi đến thời kỳ 1870-1930, lộ trình Gò Thị-Dốc Ván-Cửu An vẫn là lối đi của các nhà truyền giáo, chỉ có khác là từ điểm dừng ở Cửu An họ không ngược theo sông Ba mà tẻ về hướng Nam rồi lên Mang Yang, Đak Đoa để đến Kon Tum theo ngã quốc lộ 19 bây giờ. Nói chung, Cửu An, sông Ba là những tên gọi gần gũi với các nhà truyền giáo suốt gần một thế kỷ. Điều này được thể hiện trên các bản đồ lộ trình truyền giáo được lưu lại của giáo hội Công giáo. Như vậy, có lẽ không mấy người trong lớp di dân tiên khởi đến An Khê đi theo hướng đèo Mang (tức đèo An Khê ngày nay).

Khá lý thú khi đối chiếu về thời điểm mở đất của những lớp cư dân miền xuôi sớm đến vùng An Khê với di dân miền xuôi đến khai khẩn ở vùng Phú Túc của huyện Krông Pa-cửa ngõ phía Đông Nam của Gia Lai, cũng kề bên sông Ba, là nơi chỉ cách TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) chừng 80 cây số, tương tự khoảng cách giữa An Khê và TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). “Năm 1960, mình còn nhớ rất rõ, ở xã Phú Cần gần bên thị trấn Phú Túc chỉ có 3 hộ người Kinh đến ở”-già làng, nghệ nhân Kơ Ô Bhung (80 tuổi, ở buôn Gôm Gốp, xã Ia Rmok) cho biết.

Vùng đất mở của con nước sông Ba, của đại ngàn hùng vĩ

Công cuộc khai khẩn của những lớp cư dân tiên khởi đầy lao nhọc, sáng tạo. Không chỉ cho cuộc sống của mình nơi vùng đất mới, họ đã mở ra mối kết giao thuận thảo với cư dân bản địa-chủ yếu là người Bahnar, một dân tộc giàu bản sắc văn hóa, trọng tín nghĩa, cần cù, gan góc.

Lịch sử được khởi dẫn từ những xuất phát điểm nhiều khi thật khó ngờ với một vùng đất, một con người, một tập thể. Tây Sơn Tam kiệt-những vị anh hùng cái thế, bằng nhãn quan sách lược tài tình của mình đã gầy dựng, vun đắp được thế trận lòng dân, biết vận dụng sức mạnh tổng hợp dân tộc cho cuộc khởi nghĩa, ở đây đặc biệt là mối đoàn kết Kinh-Thượng. Và căn cứ, bản doanh, hậu cần buổi đầu cho đại sự chính là Tây Sơn Thượng đạo. Khu căn cứ trải dài suốt địa vực An Khê-hơn 60 cây số từ Kbang đến Kông Chro ngày nay với chuỗi di tích liên hoàn còn lại như là đô lỵ khởi thủy của vương triều Tây Sơn, một triều đại tuy không dài nhưng đã làm rạng danh dân tộc bằng những chiến tích lẫy lừng khiến kẻ xâm lược phải kinh ngạc, thán phục!

HUỲNH VĂN MỸ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12525/202201/vung-dat-mo-cua-mot-vuong-trieu-5764749/