Vùng đất thiêng liêng của Bengali Baba

Một số nơi trên Trái Đất dường như nuôi dưỡng những người mang ngọn lửa tâm từ bi trong trái tim, như một ngọn núi mà cánh cửa của giải thoát chỉ có thể mở ra bằng ngọn lửa nội tâm phát xuất từ tấm lòng chân thành...

"Xé da tôi, uống máu tôi, ăn thịt tôi, nhai tủy tôi, liếm não tôi, kết thúc dấu chấm của tôi."

(Trong ngữ cảnh Phật giáo, câu này có thể được diễn đạt lại như sau: "Xé bỏ thân ngã, cắt đứt mọi chấp ngã, tiêu trừ tâm tham ái, đoạn diệt mọi khổ đau, đạt đến vô ngã, là nơi kết thúc của vòng sinh tử."

Trong ngữ cảnh này, "dấu chấm" có thể được hiểu là sự chấm dứt của ngã (cái tôi) và vòng luân hồi sinh tử (samsara), nơi không còn sự phân biệt, không còn khổ đau và không còn chấp trước vào bản ngã.

Thực hành Phật giáo nhằm đạt được sự giải thoát và giác ngộ, nơi mà mọi hình thức của "cái tôi" đều bị diệt trừ.)

Trong không gian tĩnh lặng, phảng phất làn sương khói thuốc, tại căn phòng khách sạn nơi chúng tôi lưu trú trong chuyến hành hương đến vùng núi Sikkim, tôi, người bạn đời của tôi và hai người bạn khác nữa, cùng nhau lắng nghe câu chuyện của ông Baba-ji.

Chúng tôi tập trung lắng nghe Baba-ji và ghi chép lại những lời giảng của ông về cách làm sao để đạt được sự chứng ngộ tính thể chân thật tự thân của ông.

Ảnh: https://www.buddhistdoor.net/

Ảnh: https://www.buddhistdoor.net/

Baba-ji với lòng tin vững mạnh không thể lay chuyển, đã ban tặng ánh sáng của lòng từ bi vô biên cho những đệ tử thân yêu, mà Ngài gọi là 'Ma', tức Mẹ Lớn, Nữ Thần, hiện thân của bản tính vô sắc, Người đã sinh ra tất cả sự sống, hiện diện trong mọi chúng sinh. Ngài đã thể hiện tình yêu bao la của mình qua sự hiện hữu của Ngài, một tình yêu hoàn toàn tự nhiên và thuần khiết, không phân biệt.

Mặc dù Ngài luôn vui vẻ, đùa giỡn, nhưng cốt lõi là Ngài chỉ trích sự nghiêm túc của chúng ta, chỉ ra sự thiếu sót trong những nỗ lực hiểu rõ giáo lý qua sự phân tích trí thức và ghi chép chi tiết. Ngài trực tiếp hỏi chúng ta: Các con có cảm nhận được tình yêu đó không? Các con có nhận ra ngọn lửa thiêng của Sahaj (Thiền Chân Như) hay không? Các con có thể hoàn toàn buông bỏ để đón nhận sự đam mê và sự giác ngộ của guru (1) (Thầy Tổ) hay không?

Sự hùng biện của Baba-ji đã quyến rũ tâm trí chúng tôi, đồng thời mời gọi chúng tôi từ bỏ mọi sự chấp trước để hòa nhập vào Trí tuệ tối thượng và Tỉnh thức chân thật.

Ngài khuyến khích chúng tôi vượt qua trí thức thông thường để tiến vào cảnh giới của Chính Niệm và Tính Không, sử dụng các cửa ngõ của giác quan để tiếp cận thực tại vô hình bên trong chúng ta, một không gian không có hình tướng, không có sự phân biệt, không có thời gian, không có mục đích. Đó là một nghịch lý, nơi tâm và trái tim phải hòa quyện trong một sự nhận thức vô ngã, vượt ngoài sự phân biệt.

Trong suốt mười ngày hành trình, Ngài đã dẫn dắt chúng tôi với lòng từ bi vô biên, dạy cho bốn người phương Tây đã vượt qua bao gian khó để đến nơi, tiếp tục hành hương đến các địa điểm thánh địa nơi các yogi (2) (Những người tu hành) xưa kia đã thực hành thiền định, trong đó có cả Padmasambhava (3) – bậc thầy vĩ đại của Phật giáo Tây Tạng.

Chúng tôi men theo những con đường gập ghềnh bên dòng sông hoang dã, cơ thể và tâm trí chúng tôi rung chuyển, như những sinh linh lạc lõng trong cơn động đất, khổ đau và sự giải thoát đan xen. Lái xe qua các thung lũng sâu và rừng rậm, chúng tôi dừng chân ở những tu viện lịch sử, đỉnh núi cao, và các thác nước với những hang động nơi các yogi cổ đại đã an trú, thiền định, trong đó có Padmasambhava, người đã khai sáng con đường Tịnh Độ.

Ngọn núi linh thiêng Kanchenjunga (4) hiện lên trong tâm tưởng chúng tôi với những truyền thuyết huyền bí về một vùng đất huyền bí, ẩn giấu giữa chân lý tuyệt đối và vô thường. Người ta nói rằng, ai đạt được vùng đất này sẽ được giải thoát vĩnh viễn khỏi mọi đau khổ, sống trong trạng thái samadhi vĩnh cửu, không còn bị vướng mắc trong vòng quay của Samsara (luân hồi). Trong trạng thái đó, tất cả mọi đau khổ của sinh tử đều bị vượt qua, và tâm trí thanh tịnh đạt được sự giải thoát vĩnh cửu.

Ảnh: https://www.buddhistdoor.net/

Ảnh: https://www.buddhistdoor.net/

Người dân bản địa của Sikkim (5), được gọi là Lepchas (6), tin rằng ngọn núi Kanchenjunga là nơi cư ngụ của các chư thần. Các thực hành tâm linh của họ hòa quyện với đất đai, sông ngòi, núi non và rừng rú, phản ánh sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên trong mối quan hệ tương tác và vô ngã.

Huyền thoại của Lepcha kể về Mayel Lyang, một vùng đất huyền bí ẩn giấu được mô tả như "Vùng đất hạnh phúc vĩnh cửu." Vùng đất này được cho là quê hương nguyên thủy của người Lepcha, do cặp đôi thần thánh Itbu-moo và Tashey-tong tạo ra, những nhân vật trung tâm trong truyền thuyết này, gắn liền với bản tính vô cùng của vũ trụ.

Những huyền thoại tương tự, như truyền thuyết Tây Tạng về Shangri-La, cũng đề cập đến những vùng đất huyền bí ẩn giấu trong dãy Himalaya, nơi mà giác ngộ và giải thoát có thể đạt được. Chúng tôi, bốn người hành hương, đã được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện này, khơi dậy trong chúng tôi động lực để tìm đến "Bengali Baba", người sống ở Kalimpong cùng với Shodashi Ma, bạn đời của Ngài.

Vùng đất thiêng liêng này không chỉ là một nơi vật chất, mà còn là một trạng thái tâm linh cần đạt được trong bản thể của chúng ta. Sự song hành này phản ánh hành trình của chúng tôi: một cuộc hành hương gian nan bên ngoài, song song với con đường tâm linh bên trong, dưới sự dẫn dắt của guru (Thầy Tổ), người bạn đời của Ngài và các đệ tử.

Baba-ji thường truyền đạt những câu đố sâu sắc, kết hợp với những tiếng cười tự nhiên, những lời tán dương "Ma" và những điệu nhảy tự phát khi Ngài chơi nhạc cụ ektara của mình.

Baba-ji trước đây là một Aghori sadhu, một tu sĩ thuộc Shaivism – một giáo phái thần bí với các thực hành cực đoan. Truyền thống Aghori nổi bật trong việc thách thức các chuẩn mực xã hội và thực hành phi nhị nguyên (7) (Advaita), không phân biệt giữa cái thanh tịnh và cái ô uế, giữa cái thiêng liêng và cái tục tĩu.

Trong quan niệm này, mọi thứ trong vũ trụ đều là sự biểu hiện của chân lý và thần thánh. Họ thiền định ở những khu hỏa táng, sử dụng tro cốt trong các nghi lễ và những vật dụng từ xương, chẳng hạn như kapalas (bát làm từ sọ người) và kangling (nhạc cụ làm từ xương đùi), để thể hiện sự bất khả phân ly với thế giới vật chất. Những thực hành này nhằm đạt được giác ngộ (moksha) ngay trong kiếp này, giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc của Samsara (vòng luân hồi sinh tử), tiến vào trạng thái tự tính rỗng không và thanh tịnh.

"Đối với những ai tìm kiếm sự thuần khiết, sống và chết là như nhau; trong tro tàn, chúng ta tìm thấy sự giải thoát; trong bóng tối, ánh sáng mở ra."-Một câu trích dẫn được lấy cảm hứng từ các nguyên tắc của triết lý Aghori.

Ảnh: https://www.buddhistdoor.net/

Ảnh: https://www.buddhistdoor.net/

Sau khi theo con đường của Thầy Tổ trên con đường Aghori, con đường của Baba-ji sau này trở nên nhẹ nhàng và an lạc hơn. Ngài đã chọn chiếc khăn nagpa màu trắng-đỏ, kết hợp với áo vest màu xanh, biểu trưng cho sự chuyển hóa từ những thực hành khổ hạnh đến một lối sống thanh tịnh, trong sự hài hòa giữa thế gian và tâm linh. Các nagpas, liên kết với trường phái Nyingma của Phật giáo Mật tông Tây Tạng, là những người theo con đường yogic không tu viện, được truyền bá bởi Padmasambhava, người đã khai sáng và làm thay đổi cảnh quan văn hóa, tinh thần của dãy Himalaya. Cũng như các Aghori, nagpas tham gia vào các thực hành huyền bí và thiền định, với mục tiêu chuyển hóa tâm thức và đạt được sự hiểu biết sâu sắc về phi nhị nguyên (Advaita), nhận thức rằng tất cả đều là một thể thống nhất.

Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ, họ có thể duy trì một gia đình và cuộc sống trong xã hội, kết hợp tâm linh với cuộc sống đời thường, thể hiện sự hòa nhập vô ngã giữa sự nghiệp tâm linh và cuộc sống xã hội.

Tôi đã bị mê hoặc bởi hành trình, tri thức và lòng tận tụy của Baba-ji. Ngài đã khiến tôi xúc động, thách thức những suy nghĩ chấp trước của mình.

Ngài đã kéo tôi ra khỏi dòng chảy vô minh của sự cống hiến mù quáng, bằng âm nhạc và khói thuốc, để tôi có thể nhìn thấy thực tại rõ ràng hơn, trải nghiệm đầy đủ Chân lý trong từng khoảnh khắc.

Một số người đã đầu hàng trước âm nhạc của Ngài, những người khác đã đầu hàng trước khói thuốc của Ngài, và một số khác nữa đã đầu hàng trước từng nốt nhạc trong tâm thức.

Baba-ji đã thuyết giảng cho chúng tôi tất cả mà không mong cầu gì đáp lại, chỉ đơn giản là mong sự hiện diện chân thành của chúng tôi. Tương tự, Shodashi Ma, trong sự tĩnh lặng của mình, đã gắn bó sâu sắc với tình yêu vô lượng dành cho thần thánh, thông qua việc thực hành yoga và những nghi lễ kéo dài hàng giờ. Sự hiện diện của bà là một biểu hiện của tình yêu vô biên dành cho tất cả sinh linh, và mỗi nơi bà gặp gỡ đều tràn ngập từ bi và trí tuệ.

Tình yêu và sự an lạc của bà không chỉ giới hạn trong lời nói, mà hòa vào trong chính niệm và hành động trong từng khoảnh khắc.

Tôi ngồi tại bàn làm việc ở Brazil, nhưng những kỷ niệm về những trải nghiệm trong chuyến hành hương đó vẫn còn sống động trong tâm trí tôi, giống như một giấc mơ, như một chiều không gian khác, một kiếp sống khác. Tuy nhiên, chúng không phải là những ảo tưởng. Những người tu hành này vẫn đang sống trong cùng một thế giới với tôi, và họ luôn nhắc nhở tôi rằng trái tim tôi cũng có thể chạm vào tình yêu vô biên và trí tuệ giác ngộ mà họ đã thể hiện.

Chúng tôi đã cân nhắc việc mời Baba-ji đến phương Tây, để Ngài có thể chia sẻ trí tuệ quý báu của mình và mở rộng tấm lòng đối với những người phương Tây đang khát khao tìm kiếm hạnh phúc chân thật, tự do và sự sáng suốt qua những bài thơ thiền định của những bậc giác ngộ. Nhưng chúng tôi không thể hình dung sẽ thế nào khi Baba-ji, với mái tóc bện, trang phục nagpa, và chiếc cốc sọ, có thể giảng dạy ở một nơi như New York City.

Liệu chúng ta có sẵn sàng từ bỏ những ràng buộc của tâm thức và cái nhìn cố hữu về thế giới xung quanh, để nhìn thấy sự thật trong chính bản thể của Ngài, như Ngài thực sự là không?

Hay liệu Ngài sẽ chỉ trở thành một hình ảnh kỳ lạ, một đối tượng để chụp ảnh tự sướng và làm trò tiêu khiển trên các mạng xã hội?

Liệu sự nổi tiếng và tôn vinh ở phương Tây có thể làm hoen ố con đường thiền định của Ngài, dù Ngài không bao giờ tìm kiếm thù lao hay sự khen ngợi, mà chỉ chia sẻ những gì thiêng liêng và vô điều kiện?

Tôi đã tin rằng chính vùng đất thiêng liêng của Ngài, ngôi nhà của Ngài với cảnh quan đặc trưng và những con đường đầy thử thách, là phần không thể thiếu trong hành trình giác ngộ của chúng tôi. Một vùng đất thiêng liêng không phải vì vùng đất đó được phủ đầy vàng son, mà vì sự ngưỡng mộ của chúng tôi về trí tuệ của Ngài, để gặp gỡ và học hỏi từ Ngài, đã mở ra những cánh cửa tâm linh vô hình của Sikkim, nơi là nguồn gốc của vô số huyền thoại thiêng liêng, như là con đường dẫn đến giác ngộ mà chúng tôi đang theo đuổi.

Ảnh: https://www.buddhistdoor.net/

Ảnh: https://www.buddhistdoor.net/

Một số nơi trên Trái Đất dường như nuôi dưỡng những người mang ngọn lửa tâm từ bi trong trái tim, như một ngọn núi mà cánh cửa của giải thoát chỉ có thể mở ra bằng ngọn lửa nội tâm phát xuất từ tấm lòng chân thành.

Nếu không có ngọn lửa tỉnh thức trong tâm, người ta chỉ có thể đứng trước cánh cổng giải thoát mà không bao giờ bước qua.

Từ góc độ này, Shangri-La có thể thực sự là một nơi, nhưng chìa khóa để vào đó chính là ngọn lửa vô hình của sự giác ngộ. Dãy Himalaya, nơi chứa đựng thánh địa và những vị giữ lửa tâm linh, chính là nơi mà người hành giả sẽ tìm thấy bản chất của chính mình.

Điều gì sẽ xảy ra với những người giữ ngọn lửa tâm linh trong một môi trường như New York? Khi suy ngẫm về vấn đề này, tôi nhận ra ý nghĩa sâu sắc của cuộc hành hương và sự quan trọng của việc đến những nơi thánh địa, như việc những tín đồ hành hương Tây Tạng đến núi Kailash, ngọn núi thiêng liêng nhất đối với người Phật tử và người Hindu.

Những người này không chỉ đơn thuần đi bộ mà thực hiện hành trình lạy trong suốt nhiều tháng, như một cách để tích lũy công đức. Liệu công đức có giống nhau nếu họ chỉ đi bộ hoặc cưỡi ngựa?

Có lẽ ngọn lửa nhiệt huyết trong tâm thức phải được thắp lên trước khi đến được nơi thánh thiện, và nó được thắp sáng qua nỗ lực vật chất và tinh thần. Như Baba-ji đã dạy: năm giác quan là những cánh cửa tâm linh dẫn đến hạnh phúc vĩnh hằng, nơi mà tâm thức được tỉnh thức và tự giải thoát khỏi vòng luân hồi.

Dù là qua hành hương, kỷ luật yoga, các nghi lễ thờ phụng, hay công việc tình nguyện, việc tham gia vào các hoạt động này sẽ thắp lên ngọn lửa có thể mở ra cánh cửa giải thoát. Khi một người hành hương đạt được ngọn núi thiêng Kailash sau những nỗ lực gian khổ, hoặc khi một yogi chân chính đạt được hạnh phúc qua nhiều năm thực hành tummo hoặc kundalini kiên trì, chính ngọn lửa trong tâm sẽ mở ra cánh cửa của giác ngộ.

Nếu Baba-ji đến New York, biểu tượng của trí tuệ nguyên thủy của Đất sẽ bị mất đi, vì bản chất xa xôi của những nơi thiêng liêng như vậy nhắc nhở chúng ta rằng trước bất kỳ gặp gỡ nào, chúng ta phải tìm kiếm chìa khóa ngay trong chính mình. Baba-ji có thể chỉ cho chúng ta con đường, nhưng Ngài không thể tự mình mở cửa cho chúng ta.

Khi trở về nhà, xa khỏi nơi kỳ diệu đó, ý định của tôi là giữ ngọn lửa chính niệm sống mãi, trở thành người giữ ngọn lửa tâm linh, khao khát Từ Bi vô điều kiện và kháng cự lại những tham ái tạm thời, những cám dỗ thế gian có thể làm tắt ngọn lửa giác ngộ trong tâm thức. Khi ngọn lửa cháy sáng trong tâm, nó có thể mang lại hạnh phúc hoặc sự đau khổ, nhưng chúng ta không nên né tránh nỗi đau của một trái tim khao khát giác ngộ. Sứ mệnh của tôi là con đường tu học mà tôi phải đi cho đến khi tôi đạt được giải thoát hoàn toàn. Vì đam mê mà thế giới này bị ràng buộc; cũng vì đam mê mà nó được giải thoát. Nhưng những kẻ dị giáo không biết đến thực hành này, vì họ chỉ chuyển từ sự tồn tại này sang sự tồn tại khác mà không bao giờ tìm được bản thể thật sự của mình.

Chú thích

(1) "Guru" là một từ tiếng Phạn, trong đó "gu" nghĩa là "bóng tối" và "ru" nghĩa là "người xua tan"; do đó, "guru" được hiểu là "người xua tan bóng tối" của sự vô minh. Trong các truyền thống Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo và đạo Sikh, guru là người thầy tinh thần, người hướng dẫn học trò trên con đường tâm linh, giúp họ đạt được sự giác ngộ và hiểu biết sâu sắc. Trong tiếng Anh hiện đại, "guru" còn được dùng để chỉ một chuyên gia hoặc người có kiến thức sâu rộng trong một lĩnh vực cụ thể, người mà người khác tìm đến để xin lời khuyên hoặc học hỏi.

(2) "Yogi" là thuật ngữ xuất phát từ tiếng Phạn, dùng để chỉ những người thực hành yoga – một phương pháp luyện tập kết hợp giữa thể chất, tâm trí và tinh thần. Đối với nữ giới, thuật ngữ tương ứng là "yogini". Trong truyền thống Ấn Độ giáo, Phật giáo và Kỳ Na giáo, yogi không chỉ là người luyện tập các tư thế yoga mà còn theo đuổi lối sống và triết lý yoga, nhằm đạt được sự hợp nhất giữa cá nhân và vũ trụ. Ngày nay, thuật ngữ "yogi" được sử dụng rộng rãi để chỉ những người tập yoga, bất kể giới tính, đặc biệt là những người duy trì việc luyện tập đều đặn và tích cực. Để trở thành một yogi thực thụ, không chỉ cần luyện tập các tư thế yoga mà còn phải áp dụng các nguyên tắc sống của yoga vào cuộc sống hàng ngày, bao gồm việc duy trì lối sống lành mạnh, thực hành thiền định và phát triển tinh thần.

(3) Padmasambhava, còn được biết đến với tên gọi Liên Hoa Sinh hay Guru Rinpoche, là một đại sư Ấn Độ sống vào thế kỷ thứ 8. Ngài được tôn kính như "Phật thứ hai" và là người truyền bá Phật giáo sang Tây Tạng, sáng lập tông phái Ninh-mã, một trong bốn tông phái lớn của Phật giáo Tây Tạng. Theo truyền thuyết, Padmasambhava được sinh ra một cách kỳ diệu từ một bông hoa sen và được gọi là "Liên Hoa Sinh". Ngài được biết đến với khả năng sử dụng thần thông, nhiếp phục ma quái và thiên tai, góp phần quan trọng trong việc truyền bá và củng cố Phật giáo tại Tây Tạng.

(4) Núi Kanchenjunga, với độ cao 8.586 mét, là ngọn núi cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Everest và K2. Nằm ở phần phía đông của dãy Himalaya, Kanchenjunga tọa lạc trên biên giới giữa bang Sikkim của Ấn Độ và miền đông Nepal. Tên gọi "Kanchenjunga" xuất phát từ tiếng Tây Tạng, có nghĩa là "Năm kho báu của tuyết", ám chỉ năm đỉnh núi chính của khối núi này, mỗi đỉnh được cho là tượng trưng cho năm kho báu: vàng, bạc, đá quý, ngũ cốc và kinh sách thiêng liêng.

(5) Sikkim là một tiểu bang nhỏ nằm ở phía đông bắc Ấn Độ, giáp với Nepal, Tây Tạng (Trung Quốc) và Bhutan. Đây là tiểu bang duy nhất của Ấn Độ có biên giới chung với ba quốc gia khác. Sikkim nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, gồm dãy Himalaya, các đỉnh núi cao, hồ nước trong vắt, và những thung lũng xanh mát.

(6) Lepcha là một cộng đồng dân tộc bản địa sống chủ yếu ở vùng Đông Bắc Ấn Độ, đặc biệt là ở tiểu bang Sikkim, cũng như ở Nepal và Bhutan. Họ có một nền văn hóa và ngôn ngữ riêng biệt, và các truyền thuyết, thần thoại của họ cũng rất phong phú, phản ánh mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên và tôn giáo của họ. Một trong những thần thoại nổi bật của Lepcha làtruyền thuyết về sự sáng tạo và mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, đặc biệt là sự tôn kính đối với các dãy núi, sông, và các sinh vật tự nhiên.

(7) Trong Phật giáo, phi nhị nguyên hay Advaita có thể hiểu là sự nhận thức rằng tất cả mọi thứ đều là vô ngã và vô thường, không có sự phân biệt thực sự giữa các đối tượng hay hiện tượng trong vũ trụ. Mục tiêu là đạt được giác ngộ và giải thoát từ sự vô minh và khổ đau trong cuộc sống.

Chuyển ngữ: Liên Tịnh

Nguồn: https://www.buddhistdoor.net/features/in-the-sacred-lands-of-the-bengali-baba/

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/vung-dat-linh-thieng-sikkim-cua-bengali-baba.html