Vùng đệm U Minh Thượng vào xuân

Chúng tôi trở lại vùng đệm U Minh Thượng (Kiên Giang) vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, người dân tất bật thu hoạch lúa, tôm. Dưới những con kênh, từng xuồng chuối nối nhau đến điểm tập kết.

Những năm 1990, người dân có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh vào nhận đất tại vùng đệm U Minh Thượng thuộc xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng để phát triển kinh tế nông hộ, đến nay, đời sống người dân vùng đệm không ngừng được nâng lên.

VÙNG LÕM ĐỔI THAY

Năm 1992, ông Nguyễn Văn Phương (70 tuổi), ngụ ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc được chính quyền giao 4ha đất tại vùng đệm U Minh Thượng để canh tác. “Ngày trước nơi đây toàn lau, sậy, việc khai hoang tốn nhiều công sức. Tuy nhiên nhờ Nhà nước nạo vét kênh mà đất đai dần được rửa phèn, mặn, người dân sản xuất bắt đầu có hiệu quả”, ông Phương nhớ lại.

Còn ông Lý Văn Tình (64 tuổi), ngụ ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc kể: “Giao thông cách trở, từ đây ra chợ huyện An Minh, chợ huyện Vĩnh Thuận gần nửa ngày. Qua hơn 30 năm, tôi khẳng định người bám trụ lại vùng đệm này là người có ý chí rất mạnh mẽ”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, vùng đệm U Minh Thượng hiện có gần 2.400ha trồng chuối, 2.270ha trồng rau màu và gừng củ, 440ha trồng cây ăn trái, 450ha trồng khóm, riêng diện tích nuôi cá nước ngọt trên 3.000ha.

Đồng chí Nguyễn Việt Trung - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng cho biết qua nhiều năm, nhờ được Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đệm, nhất là việc xổ phèn, thoát úng trong mùa mưa, người dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường. “Vùng đệm U Minh Thượng tập trung phát triển mô hình đa canh tổng hợp như trồng rau màu, cây ăn trái kết hợp nuôi cá, mô hình lúa - cá. Gần 2.400ha trồng chuối xiêm tập trung ở xã An Minh Bắc và Minh Thuận là cây trồng chủ lực, cho thu nhập chủ yếu cho hàng ngàn hộ dân”, đồng chí Trung nói.

Nông dân xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) thu hoạch gừng.

Nông dân xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) thu hoạch gừng.

Ông Nguyễn Văn Phương trồng 4ha chuối xiêm, những năm chuối xiêm được giá, gia đình ông thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm. Hiện giá chuối xiêm dao động chỉ 3.000-4.000 đồng/nải, thu nhập hiện tại của ông Phương giảm hơn đôi chút. Tuy nhiên, từ việc tận dụng chuối trái, hoa chuối, thậm chí là lá chuối, cây chuối, năm 2021, ông Phương thu nhập khoảng 350 triệu đồng từ chuối xiêm.

VÙNG ĐỆM CHUYỂN MÌNH

Từ năm 2013, ông Tình tham gia Hợp tác xã Cây ăn trái Kinh 21. Ông Tình trồng giống xoài Đài Loan, vừa có năng suất cao, vừa không tốn chi phí thuốc trừ sâu, khi thu hoạch có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ông đầu tư hơn trăm triệu đồng tu sửa bờ bao, cải tạo 2ha đất để trồng xoài Đài Loan. Giữa năm 2019, vườn xoài cho trái vụ đầu, với giá bao tiêu từ 18.000-20.000 đồng/kg, ông thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng ông Tình cho biết gia đình vẫn có thu nhập khá từ xoài Đài Loan.

Chúng tôi đến nhà đồng chí Nguyễn Văn Sang - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Minh Kiên A, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng theo lịch hẹn trước của một đồng chí lãnh đạo xã. Dù có hẹn trước nhưng phải đợi khá lâu mới trò chuyện được với đồng chí Sang vì đồng chí bận ký hợp đồng với nông dân ở các xã Minh Thuận, An Minh Bắc để cung cấp rau ngò cho Tập đoàn Masan làm nguyên liệu sản xuất bột nêm.

Tiếp chuyện với chúng tôi, đồng chí Sang liên tiếp nhận các cuộc gọi từ thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kinh 10 đề nghị cung cấp giống khoai ngọt, ngò gai… để chuẩn bị vụ mới. Thành lập cuối năm 2018, nhờ liên kết có hiệu quả, nên 29/29 thành viên hợp tác xã đều có mức sống khá, nhiều hộ vươn lên khá, giàu…

Phần lớn tuyến đường chính quanh vùng đệm U Minh Thượng được nhựa hóa và bê tông hóa, ô tô và xe tải lớn có thể đi lại thuận tiện trong cả hai mùa mưa, nắng. Nhiều tuyến đường liên ấp vào sâu trong vùng đệm, đến trước nhà hộ dân cũng được bê tông hóa. Nhờ giao thông phát triển, 7 năm nay, anh Huỳnh Minh Lập (40 tuổi), ngụ ấp An Thoại, xã An Minh Bắc trở thành thương lái thu mua chuối, với thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, anh gom khoảng 20 chuyến xe chuối (loại 10 tấn/xe) đưa lên Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên để bán sang Campuchia hoặc lên TP. Hồ Chí Minh. “Giao thông thuận lợi, công việc thu mua chuối cũng nhàn đối với nông dân. Xe vào đến đầu kênh, chất hàng lên đầy thì đi, anh Lập nói.

Đang cho cá trê đồng ăn, anh Nguyễn Tấn Nhi (48 tuổi), ngụ ấp Minh Thoại khẳng định: “Cá đạt trọng lượng 5 con/kg rồi, khoảng 3 ngày nữa thương lái vào tận nhà mua với giá 120.000 đồng/kg. Với giá này, 1 tấn cá trê tôi thu lãi 50 triệu đồng. Giao thông thuận lợi, cá đồng chuẩn bị thu hoạch là thương lái mua ngay”.

Hạ tầng vùng đệm U Minh Thượng ngày càng hoàn thiện không chỉ giúp vùng đất này phát triển kinh tế - xã hội mà còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn, đó là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kiên Giang đối với vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đối với những người anh hùng bất khuất, trung kiên trong thời chiến.

Bài và ảnh: LÊ VINH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/vung-dem-u-minh-thuong-vao-xuan-7315.html