Vững đôi cánh chắc tương lai (kỳ 1)

Chương trình hành động 19-CTr/TU ngày 23/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định hệ thống đô thị của tỉnh phát triển trên 3 trục chính, gồm trục đông - tây, trục bắc - nam phía Tây và trục đô thị biển. Phú Yên từ 9 đô thị hiện hữu tăng lên 13 đô thị vào năm 2025 và 18 đô thị vào năm 2030. Các đô thị liên kết với nhau thành mạng lưới gắn với các tuyến quốc lộ 1, 25, 29, 19C và tuyến đường bộ ven biển.

TP Tuy Hòa đang đẩy mạnh khai thác các hoạt động thể thao biển. Ảnh: MINH DUYÊN

TP Tuy Hòa đang đẩy mạnh khai thác các hoạt động thể thao biển. Ảnh: MINH DUYÊN

KỲ 1: Động lực phát triển kinh tế vùng, liên vùng

Chuỗi đô thị biển là trục động lực chính, chiếm trên 75% tiềm lực kinh tế của tỉnh. Hai trục đô thị còn lại có vai trò thúc đẩy đô thị hóa nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch trải nghiệm và kết nối các tỉnh Tây Nguyên.

Trục động lực kinh tế biển

Về Xuân Thịnh hôm nay, nắng và gió biển không che được niềm vui lấp lánh trong ánh mắt và nụ cười của ngư dân nơi đây. Ông Trần Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh cho hay: 6 tháng đầu năm 2024, địa phương xuất bán hơn 240 tấn tôm hùm thương phẩm và 6,7 tấn cá các loại, thu về 242 tỉ đồng, dẫn đầu cả nước.

Từ một xã thuần nông, Xuân Thịnh vươn lên mạnh mẽ trở thành vùng đất trù phú. Hiện xã này hoàn thành các tiêu chí, sẵn sàng lên phường trước năm 2025. Xuân Thịnh nói riêng, TX Sông Cầu nói chung đang khai thác tốt lợi thế đường bờ biển dài và vùng biển kín gió để phát triển nuôi trồng thủy hải sản, trở thành thủ phủ tôm hùm của tỉnh.

TX Sông Cầu - huyện Tuy An - TP Tuy Hòa - TX Đông Hòa là chuỗi đô thị biển liền kề, chạy dọc đường bờ biển dài 189km và bao trọn vùng biển của tỉnh. 4 địa phương này còn có tiềm năng về danh thắng, cảnh quan, tạo nên điểm nhấn của du lịch Phú Yên. Đó là vịnh Xuân Đài - điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam, gành Đá Đĩa - Danh thắng quốc gia đặc biệt, tháp Nghinh Phong - Cảnh quan đô thị châu Á và công trình du lịch thành phố hàng đầu thế giới, Mũi Điện - điểm đón bình minh đầu tiên trên đất liền của đất nước.

Tuyến đường ven biển nối liền chuỗi đô thị biển được hình thành sẽ góp thêm động lực vào khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên biển và vùng biển của tỉnh. Theo UBND tỉnh, hiện tuyến đường này đã hoàn thành 95,5/132,5km và đang tiếp tục hoàn thiện thêm 14,6km nối huyện Tuy An với TP Tuy Hòa.

Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Để tiếp nối vào tuyến đường bộ ven biển của tỉnh, thành phố triển khai Dự án đường Lê Duẩn nối dài giai đoạn 2, từ đây mở ra không gian du lịch TP Tuy Hòa với hệ thống cảnh quan kiến trúc ấn tượng, gồm tháp Nghinh Phong, công viên văn hóa đá, đài phun nước, công trình ba con sò, công viên biển, quảng trường 1 Tháng 4... Thành phố xây dựng các tuyến đường ngang kết nối đại lộ Hùng Vương với đường Lê Duẩn rồi đường Độc Lập, tạo quỹ đất vàng hình thành chuỗi nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp ở khu vực biển. Cùng với đó, tuyến phố đi bộ Phan Lưu Thanh đã đi vào hoạt động và khu vực bãi cát, mặt nước biển đang được khai thác cho các hoạt động thể thao biển và dịch vụ hậu cần, làm đa dạng thêm các hoạt động vui chơi, giải trí cho người dân, du khách khi đến Tuy Hòa nói riêng, Phú Yên nói chung. 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến Tuy Hòa đạt hơn 1,4 triệu lượt, tăng 14,2% so với cùng kỳ, cho doanh thu 2.650 tỉ đồng.

Đồ họa: VIỆT AN

Đồ họa: VIỆT AN

Thúc đẩy phát triển vùng trung du, miền núi

Buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) dập dìu tiếng cồng chiêng, tiếng trống cùng điệu múa truyền thống của các cô gái dân tộc Ê Đê. Bên nhà sàn, tiếng khung cửi gõ nhịp xe những sợi chỉ màu xanh đỏ dệt thành khăn, váy áo... Trước đây, phải vào mùa lễ hội hay nhà có con gái đi lấy chồng, người Ê Đê mới gác lại công việc sản xuất để dệt vải, múa hát. Khi buôn trở thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng, mở cửa đón khách du lịch thì nhịp điệu vui múa cùng tiếng khung cửi của người dân và cả du khách trải nghiệm cứ nhộn nhịp đêm ngày.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX Nông nghiệp du lịch cộng đồng buôn Lê Diêm cho biết: Nét văn hóa dân tộc độc đáo ở buôn Lê Diêm kết nối với không gian bờ hồ và rừng thông ngay trung tâm thị trấn tạo nên sức hút giữ chân du khách ghé Sông Hinh trong hành trình Phú Yên - Đắk Lắk. Tới Hai Riêng, du khách được kết nối với cảnh đẹp hoang sơ tại thác Jrai Tang (xã Ea Trol), thác H’Ly (xã Sông Hinh) và thưởng thức sầu riêng (xã Ea Bar) cùng nhiều món đặc sản của đồng bào nơi đây như heo đen, cơm lam… HTX liên kết với Mộc Miên Rocky Garden ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) hình thành tour du lịch độc đáo núi rừng - biển cả - đồng bằng. Du khách vừa được hòa mình vào văn hóa vùng đồng bằng ven biển miền Trung với bánh ít, bánh xèo và các hoạt động cấy lúa, ủ mắm cá cơm..., vừa được trải nghiệm sắc màu vùng đồng bào DTTS.

Quốc lộ 19C là tuyến huyết mạch kết nối các đô thị hiện hữu của trục bắc - nam phía Tây gồm Hai Riêng - Củng Sơn - La Hai. Nếu thị trấn Hai Riêng được ví là Đà Lạt thứ hai thì thị trấn La Hai được gọi là thị trấn ngã ba sông bởi nằm ở điểm giao giữa sông Kỳ Lộ và sông Cô. Cầu La Hai mới thay thế cầu đường sắt cũ đã mở ra không gian thoáng rộng, khang trang ngay cửa ngõ vào phố núi La Hai.

Từ thị trấn Củng Sơn theo quốc lộ 29 tới TX Đông Hòa hoặc theo quốc lộ 25 tới Phú Hòa, mở ra trục đô thị đông - tây gồm Đông Hòa - Tuy Hòa - Phú Thứ - Phú Hòa - Củng Sơn - Hai Riêng. Theo UBND huyện Tây Hòa, địa phương đã đầu tư gần 140 tỉ đồng hoàn thành tuyến đường nối quốc lộ 29 qua khu vực trung tâm hành chính huyện với các xã phía Nam, từ đây từng bước hoàn thiện thị trấn Phú Thứ theo tiêu chí đô thị loại IV cũng như góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa về phía Tây, tạo động lực phát triển KT-XH địa phương.

Hai trục đô thị đông - tây và bắc - nam phía Tây gắn với vùng trồng cây công nghiệp (sắn, mía...) và vùng lúa trù phú từ cánh đồng Tuy Hòa cùng 2 huyện nông thôn mới Tây Hòa, Phú Hòa; là cửa ngõ kết nối vùng Tây Nguyên.

Đẩy mạnh kết nối liên vùng

Từ năm 2022, TP Tuy Hòa ký kết hợp tác du lịch với TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông). “Từ đây, thương hiệu du lịch “Tuy Hòa - vẻ đẹp và hương vị đại dương xanh” đến được với núi rừng Tây Nguyên và mở ra cơ hội thu hút du khách, nhà đầu tư Tây Nguyên tới phố biển Tuy Hòa. Cùng với đó, tận dụng lợi thế tuyến quốc lộ 1 đi qua, TP Tuy Hòa duy trì mối quan hệ kết nghĩa với TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), nhằm tạo sự liên kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hòa vào nhịp phát triển chung của vùng duyên hải Nam Trung Bộ”, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Cao Đình Huy chia sẻ thêm.

Quốc lộ 19C, 29, 25 là 3 tuyến huyết mạch nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên. Không chỉ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch, tuyến đường này chính là cánh cửa mở ra cơ hội giao thương liên vùng. Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, địa phương đang xây dựng thương hiệu cho nông sản truyền thống và hình thành các vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mắc ca, cam, bưởi… Quốc lộ 29 cùng với đường Đông Trường Sơn chính là cửa ngõ giúp Sông Hinh tiêu thụ nông sản lên Tây Nguyên.

KỲ 2: Nâng tầm và mở rộng hệ thống đô thị

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/436/319782/vung-doi-canh-chac-tuong-lai-ky-1.html