Vững đôi cánh chắc tương lai (kỳ cuối)

KỲ CUỐI: Đô thị phát triển, vùng phụ cận thay đổi, người dân thụ hưởng

Các đô thị trọng điểm của tỉnh đang có sự thay đổi thấy rõ về kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống giao thông. Tiện ích đô thị được nâng lên giúp nâng cao đời sống người dân và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

ÔNG HỒ QUANG ĐỆ, BÍ THƯ THỊ ỦY SÔNG CẦU: Xây dựng Sông Cầu xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía Bắc của tỉnh

Thời gian qua, việc hoàn thiện hạ tầng đô thị đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ phát triển và là điều kiện quan trọng có tính quyết định cho việc hoàn thành mục tiêu nâng cấp TX Sông Cầu lên thành phố trong năm 2025.

Hiện nhiều tuyến đường trọng điểm như đường Trung Trinh - Vũng La, đường ven vịnh Xuân Đài, đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Thị Sáu, đường vào khu vực quan sát vịnh Xuân Đài, đường Hòa Hiệp - Phú Dương được đầu tư, chỉnh trang, mở rộng.

Hạ tầng thương mại, dịch vụ cũng được đầu tư với hơn 6.000 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ cùng 65 cơ sở lưu trú gồm hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ đạt chuẩn. Thị xã còn phối hợp thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp Nhà máy nước khu vực Đông Bắc Sông Cầu từ 900m3 lên 10.000m3/ngày đêm và Dự án Nhà máy nước Sông Cầu 2 - Tuy An với công suất 12.000m3/ngày đêm...

TX Sông Cầu cũng tích cực thu hút đầu tư du lịch với 16 dự án du lịch giai đoạn 2020-2025 đang được triển khai, trong đó có nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn. Thời gian tới, cao tốc Bắc - Nam hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ mở ra cơ hội, tạo thêm tiền đề cho thị xã phát triển.

Ban Chấp hành Đảng bộ TX Sông Cầu luôn bám sát mục tiêu trong Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là xây dựng, phát triển thị xã xứng tầm một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía Bắc của tỉnh. Sông Cầu phát triển theo hướng đô thị du lịch biển trên cơ sở khai thác các lợi thế đặc trưng của địa phương; phát triển kinh tế theo hướng phát huy lợi thế kinh tế biển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; trong phát triển văn hóa - xã hội chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng và các loại hình nghệ thuật tiêu biểu của cộng đồng dân cư gắn với phục vụ du lịch…

BÀ HỒ THỊ NHÂN, ĐẢNG VIÊN 50 NĂM TUỔI ĐẢNG Ở PHƯỜNG HÒA XUÂN TÂY, TX ĐÔNG HÒA: Tin tưởng vào sự bứt phá của đô thị Đông Hòa

Nam Bình 1 quê tôi trước chỉ là vùng sản xuất nông nghiệp. Từ khi Đông Hòa lên thị xã, cầu Bến Lớn qua sông Bàn Thạch hoàn thành kéo vùng sản xuất gần hơn với trung tâm thị xã. Khu phố Nam Bình 1 theo đó cũng ngày một nhộn nhịp, đời sống của người dân thay đổi thấy rõ. Nước máy kéo về tận nhà thay nước giếng đào; nhà cao tầng thay thế dần nhà mái tôn, nhà cấp bốn; hàng quán mở ra, dịch vụ phát triển phục vụ mọi mặt đời sống.

Khu đô thị Nam Bình cũng đã được quy hoạch giúp định hình nơi đây trong tương lai trở thành khu dân cư cao cấp với nhà mặt phố, nhà liền kề, nhà biệt thự cùng đầy đủ các công trình công cộng, văn hóa, giáo dục, công viên cây xanh, khu TDTT...

Đặc biệt, Khu đô thị Nam Bình liền kề với Khu đô thị mới Hòa Vinh với điểm nhấn là Trung tâm hành chính thị xã mở ra không gian phát triển sôi động cho trung tâm đô thị gồm quảng trường 1 Tháng 7, công viên Trường Thịnh, đài tưởng niệm liệt sĩ cùng không gian dịch vụ phía sau như nhà hàng, quán cà phê…

Đông Hòa xưa chỉ có đoạn quốc lộ 1 qua Hòa Vinh là sầm uất. Nay, quốc lộ 29 qua KCN Hòa Hiệp được chỉnh trang kết nối với khu trung tâm khiến không gian đô thị mở rộng ra. Đô thị Đông Hòa mang trong mình sức bật tương lai khi gần như nằm trọn trong KKT Nam Phú Yên, một trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Khi các dự án kêu gọi đầu tư được triển khai, đặc biệt là dự án về lọc hóa dầu sẽ tạo cú hích cho Đông Hòa bứt phá.

ÔNG LÊ VĂN THỨNG, NGUYÊN PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TN&MT, CHỦ TỊCH HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH: Sau 35 năm, vùng biển trở thành khu vực phát triển nhất tỉnh

Dọc khu vực biển từ cửa sông Đồng Nai tại thôn Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa) đến cửa Đà Nông của sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) là vùng bãi ngang của tỉnh. 5 năm sau khi tái lập tỉnh, nơi đây vẫn chủ yếu là rừng phi lao chạy dài. Đến nay, vùng này trở thành khu vực phát triển du lịch dịch vụ nhất tỉnh với nhiều tiềm năng thu hút đầu tư.

Điển hình, tại TP Tuy Hòa, từ quảng trường 1 Tháng 4 nhỏ hẹp, nay nơi đây không chỉ là không gian vui chơi, giải trí của người dân mà còn là nơi tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia, khu vực như Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 năm 2024, Hội chợ công thương khu vực Nam Trung Bộ - Phú Yên năm 2024…

Cùng với đó, hàng loạt công trình kiến trúc, không gian công cộng được hình thành kết nối với hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng như Apec, Sala, Rosa Alba...

ÔNG NGUYỄN KHOA KHANG, BÍ THƯ CHI BỘ PHÒNG QUẢN LÝ ĐÔ THỊ TP TUY HÒA: IOC Tuy Hòa góp phần nâng cao đời sống cư dân đô thị

Từ khi đi vào hoạt động (tháng 11/2022) đến nay, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Tuy Hòa (IOC) tiếp nhận gần 650 phản ảnh, kiến nghị của người dân về các vấn đề trật tự đô thị, ATGT, vi phạm trật tự xây dựng… Trong đó, IOC xử lý thành công đạt tỉ lệ trên 97% và trên 90% người dân hài lòng. IOC giúp các cơ quan quản lý xử lý các vấn đề đô thị nhanh hơn gấp 3-5 lần so với thời điểm chưa hoạt động.

Hiện, hệ thống camera giám sát toàn cảnh thành phố tích hợp thêm vào IOC, giúp tăng hiệu quả trong quản lý vi phạm giao thông, trật tự xây dựng đô thị. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động, IOC sẽ tích hợp thêm hệ thống quan trắc môi trường tại hồ điều hòa Hồ Sơn, nhà hỏa táng cũng như quản lý hệ thống chiếu sáng thông minh trên các tuyến đường…

Đảng viên Chi bộ Phòng Quản lý đô thị thành phố luôn bám sát nhiệm vụ được UBND thành phố và Thành ủy Tuy Hòa giao, tích cực góp phần cùng thành phố hoàn thành mục tiêu nâng tầm đô thị, hướng Tuy Hòa trở thành đô thị thông minh trung tâm cấp tỉnh.

CHỊ PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO, DU KHÁCH ĐẾN TỪ HÀ NỘI: Tuy Hòa hiện đại mà vẫn rất tự nhiên

Năm 2015, khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được công chiếu, tôi lập tức book vé tới Phú Yên. Từ Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa đến Đông Hòa rồi tới cả Sơn Hòa, Sông Hinh… nơi nơi đều có cảnh đẹp với không gian tự nhiên, hoang sơ, trong lành. Ngay cả trung tâm đô thị như Tuy Hòa cũng rất yên bình. Đường phố thưa bóng người, nhiều cây xanh. Con người nơi đây cũng bình dị, gần gũi.

Nhiều năm sau trở lại, tôi bị choáng ngợp bởi sự phát triển của mảnh đất này. Tuy Hòa với nhiều công trình kiến trúc đẹp như tháp Nghinh Phong, công viên Hồ Sơn…; đường phố tấp nập người, xe và các hoạt động công cộng; homestay, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Các dịch vụ hỗ trợ đi lại như taxi, xe điện, xe máy…, thanh toán bằng hình thức quét mã QR, mua đồ uống từ các máy tự động, cửa hàng ăn, uống… nhiều về số lượng lại được bố trí thuận lợi cho du khách.

Đặc biệt là dù phát triển, Tuy Hòa vẫn không mất đi nét tự nhiên xưa. Đường phố vẫn thanh bình với những cánh chim bồ câu, hàng phượng đỏ, muồng hoàng yến vàng rực trên những tuyến phố. Đô thị xanh mát với những hàng cây xanh, những công viên, tiểu công viên ở khắp nơi…

MINH DUYÊN (ghi)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/436/319851/vung-doi-canh-chac-tuong-lai-ky-cuoi.html