Vùng đồng bào dân tộc thiểu số rộn ràng vào xuân
Mỗi năm xuân về Tết đến, đồng bào Khmer trong tỉnh Sóc Trăng cũng hòa chung trong không khí rộn ràng vui tươi đón Tết. Một năm trôi qua với không ít khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng sự hăng say lao động sản xuất đã giúp bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Không khí của ngày xuân đang tràn ngập trên khắp các nẻo đường và trong mỗi ngôi nhà của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh.
Đời sống đồng bào Khmer ngày thêm khấm khá
Trong buổi sáng mùa xuân, chúng tôi có dịp trở lại Tham Đôn - xã vừa được công nhận nông thôn mới nâng cao của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Toàn xã có trên 73% đồng bào Khmer sinh sống, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là người dân nơi đây có cuộc sống sung túc, ấm no. Điện, đường, trường, trạm và nước sạch đã được Nhà nước đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố, vững chắc, nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng, đồng bào Khmer sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước hợp vệ sinh.
Đi hết con đường lớn rẽ vào tuyến lộ đal của ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, chúng tôi tình cờ gặp ông Lâm Văn Phấn đang nhổ cỏ, tưới nước rẫy hẹ, ớt, dự kiến cho thu hoạch đúng vào dịp tết Nguyên đán này. Chuyện trò làm quen đôi câu, ông Lâm Văn Phấn tự hào cho biết: "Trước đây, gia đình tôi ít đất sản xuất, đông con nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với nỗ lực của bản thân, nay gia đình tôi có cuộc sống khá giả. Chỉ với 0,5ha chuyên canh cây màu, 1ha trồng lúa, chăn nuôi heo, nuôi thêm cá, mỗi năm gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình đa canh tổng hợp". Qua chia sẻ của ông Phấn và tìm hiểu cung cách làm ăn của đồng bào Khmer, chúng tôi biết thêm về cách nghĩ, nếp sinh hoạt của nông dân Khmer thay đổi rất nhiều so với trước đây.
Tạm chia tay với ông Phấn vào thời điểm quá buổi trưa, nắng nhạt vàng, chúng tôi tìm đến ông Trần Ương, ngụ ấp Bưng Long, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) - hộ được hưởng lợi từ các chương trình và đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường khang trang, ông Ương chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi làm nhiều nghề, nhưng cuộc sống nghèo khó cứ luôn đeo bám. Thấy được hoàn cảnh của gia đình tôi khó khăn, lại là người dân tộc thiểu số, ngân hàng chính sách xã hội, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển mô hình chăn nuôi bò lấy thịt. Không chỉ hỗ trợ tiền để mua con giống lúc ban đầu, tôi còn được ngành chức năng tập huấn, phổ biến kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào trong chăn nuôi. Đến nay, đàn bò của gia đình lúc nào cũng duy trì lên đến hơn chục con, mỗi năm tôi thu lãi bình quân trên 30 triệu đồng. Năm 2017, gia đình tôi được công nhận thoát nghèo. Qua nhiều năm tích cóp từ tiền nuôi bò thịt, làm nông nghiệp, tôi đã cất được căn nhà tường khang trang trị giá trên 300 triệu đồng”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú Lê Thanh Phương, chuyện những hộ nông dân Khmer cần cù, biết tính toán làm ăn, áp dụng những khoa học - kỹ thuật vào sản xuất không còn hiếm gặp. Trong đồng bào dân tộc, phần lớn nông dân Khmer đã vươn lên làm giàu với nhiều mô hình sản xuất căn cơ, bền vững, không còn trông chờ vào điều kiện tự nhiên và sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây. Những gia đình trồng hẹ, cà tím, dưa leo, đậu bắp, khoai lang xuất khẩu, nuôi tôm, nuôi bò thịt, bò để lấy sữa cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm đã rất phổ biến trong huyện. Đó thật sự là một thay đổi lớn trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số hôm nay.
“Sức bật” từ những chính sách dân tộc
Sau khi tái lập tỉnh (năm 1992), kinh tế - xã hội của tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Thời điểm đó, Sóc Trăng là tỉnh nghèo, có đông đồng bào dân tộc, đời sống đồng bào Khmer còn khó khăn, cơ sở vật chất, hạ tầng không đáp ứng được điều kiện phát triển đời sống người dân. Trước những khó khăn đó, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng cao, từng bước giảm nghèo bền vững. Hiện có khoảng 94 chính sách đặc thù hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn được thể chế qua 3 nghị định, 1 nghị quyết của Chính phủ và 90 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương như: Chương trình 30a, 135, các quyết định 134, 167, 74, 29… đã tập trung triển khai thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc. Các chương trình, chính sách, dự án của Trung ương, của tỉnh đầu tư vào vùng dân tộc được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai kịp thời, có hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đối tượng.
Từ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước nói trên, cùng với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận cao của nhân dân trong tỉnh Sóc Trăng, đến nay, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Các chính sách đầu tư đã có tác động rất lớn đến các mặt kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, phát huy được sức sáng tạo của người dân, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn vùng dân tộc, đời sống đồng bào dân tộc từng bước được cải thiện, nâng cao.
Đồng chí Lâm Sách - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh hỗ trợ và sự nỗ lực của địa phương đã góp phần làm thay đổi một cách toàn diện các địa bàn vùng đông đồng bào Khmer sinh sống. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; rà soát, kiến nghị Trung ương điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách đã có hoặc ban hành những chính sách mới để đáp ứng yêu cầu phát triển vùng dân tộc và nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới".
Trong những ngày xuân về, đồng bào Khmer trong tỉnh đều cảm thấy hân hoan trước sự “thay da, đổi thịt” từng ngày của quê hương. Bức tranh vùng đồng bào dân tộc hôm nay đã được điểm tô bởi những gam màu tươi mới, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngày càng ấm no, hạnh phúc.