Vùng Đông Nam Bộ: Hợp lực đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông kết nối

Tại hội nghị Vùng Đông Nam bộ lần thứ 4 vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, trong đó có Dự án Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đang gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn cát san lấp khiến dự án chưa thể đạt tiến độ đề ra. Đối với Bình Dương đã cơ bản đạt được tiến độ dự án theo yêu cầu, tỉnh cũng đang nỗ lực để giải phóng mặt bằng khu vực đường dẫn cầu Bình Gởi để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Triển khai quyết liệt

Lãnh đạo các địa phương đã có báo cáo khái quát về công tác phối hợp, nhất là tiến độ thực hiện các dự án kết nối vùng, tiềm năng phát triển thương mại, du lịch, phát triển giao thông bộ, thủy trên lưu vực sông Đồng Nai, đồng thời đề xuất định hướng quy hoạch sông Sài Gòn, hợp tác phòng, chống khai thác cát trái phép… Các đại biểu cũng nêu định hướng kết nối đường sắt giữa các địa phương trong vùng, cần phát triển tuyến metro kết nối bên cạnh các tuyến đường vành đai, cao tốc để tạo thêm động lực phát triển.

Gói thầu xây lắp 4 thi công cầu Bình Gởi thuộc Dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương hiện đạt khoảng 20% khối lượng, bảo đảm tiến độ đề ra. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng tầm nhìn xa hơn bên cạnh các tuyến cao tốc kết nối vùng cần có quy hoạch tuyến đường sắt, tuyến metro để tạo thêm động lực phát triển, giao thương, nhất là phát triển được những tour du lịch với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách.

Đơn vị thi công cầu Bình Gởi, dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đang tập trung phương tiện, nhân lực để bảo đảm tiến độ công trình

Trong khi đó, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, khẳng định đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là dự án đang được người dân, chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn kỳ vọng. Cùng với đó tuyến đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối từ ga Sóng Thần qua Bình Dương về Cửa khẩu Hoa Lư cũng sẽ là những dự án trọng điểm để kết nối phát triển, không riêng cho tỉnh Bình Phước mà còn cho cả Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Tỉnh Bình Phước đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng để các dự án có thể triển khai đúng tiến độ trong thời gian tới.

Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) vừa có văn bản yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch kết cấu hạ tầng đối với đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh.Theo Bộ GT-VT, hiện các tỉnh, thành phố như TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đang triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đầu tư do các địa phương đề xuất hiện chưa có sự thống nhất, đồng bộ về quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cao tốc cũng như đường song hành trong giai đoạn phân kỳ đầu tư. Bộ GT-VT yêu cầu trong quá trình lập quy hoạch cần xác định cụ thể các đoạn tuyến giữ nguyên theo quy hoạch chi tiết trước đây, các đoạn tuyến dự kiến điều chỉnh cục bộ; rà soát việc thỏa thuận khớp nối hướng tuyến giữa các dự án thành phần; đánh giá tổng thể phương án hướng tuyến đã được các địa phương nghiên cứu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chia sẻ một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và công tác phối hợp xây dựng hạ tầng giao thông với các địa phương. Cụ thể, ngay trong quý I-2024, các dự án giao thông liên kết vùng được tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, toàn diện. “Tính đến nay, Bình Dương dự kiến bố trí hơn 33.036 tỷ đồng cho các dự án Vành đai 3, Vành đai 4 và Cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Tỉnh cũng đã nhiều lần thống nhất với các địa phương giáp ranh về các điểm kết nối giao thông, đồng thời góp ý trực tiếp trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh. Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố rà soát, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các địa phương trong vùng, sớm hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm đồng bộ với các định hướng chung; đồng thời nghiên cứu, bổ sung quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn, sông Đồng Nai”, ông Võ Văn Minh chia sẻ.

Chú trọng phát triển logistics

Nhấn mạnh về tính cạnh tranh sản phẩm, trong đó chi phí Logistics là một trong những vấn đề “nóng”, chiếm khoảng 20- 25% chi phí khiến giảm đi lợi thế cạnh tranh, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho rằng kinh tế Vùng Đông Nam bộ thời gian tới cần phải chú trọng, tập trung phát triển hệ thống Logistics đủ khả năng đáp ứng cho toàn vùng. Từ đó sẽ góp phần giảm chi phí, giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp để sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường.

Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng dài 47,96km, nhánh từ Tam Lập (Phú Giáo) đến huyện Đồng Phú (Bình Phước) 12,2km đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2024

Về vấn đề này, ông Võ Văn Minh cho biết Bình Dương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics nghiên cứu, ứng dụng và xây dựng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, 4, hướng đến mức độ 5 (logistics điện tử) trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 206,82km. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,7km; Đồng Nai dài 45,6km; Bình Dương 47,45km; TP.Hồ Chí Minh 17,3km và Long An 78,3km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 105.964 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2026.

Tại hội nghị, ông Võ Văn Minh cũng đã nêu một số kiến nghị, đề xuất nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp, qua đó bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của vùng. Cụ thể, đối với dự án Vành đai 3, tỉnh đang khẩn trương lập, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh bổ sung các nhánh nút giao Tân Vạn và cầu song hành tại cầu Bình Gởi bắc qua sông Sài Gòn thuộc dự án thành phần 5. Sau khi hoàn thiện phương án, kiến nghị UBND TP.Hồ Chí Minh thống nhất, trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đối với dự án Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm có văn bản thống nhất với UBND tỉnh Bình Dương về vị trí khớp nối cầu Thủ Biên. Đối với dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, kiến nghị UBND TP.Hồ Chí Minh sớm triển khai 1,65km đường dẫn cao tốc trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh nhằm khai thác đồng bộ với tuyến cao tốc. Đồng thời, kiến nghị tỉnh Bình Phước sớm triển khai đầu tư đoạn 7,1km qua địa bàn, đồng bộ với đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dự kiến khởi công vào tháng 9-2024. UBND TP.Hồ Chí Minh cần sớm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1 nhằm sớm nâng cao hiệu quả khai thác vận tải đường thủy trên sông Sài Gòn.

MINH DUY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/vung-dong-nam-bo-hop-luc-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-giao-thong-ket-noi-a318314.html