Vùng kháng cự 1.160 có làm khó VN-Index trong tuần đáo hạn phái sinh?
Xu hướng thị trường trong tuần trước mang tới kỳ vọng đà hồi phục nối dài, tiếp tục chinh phục vùng kháng cự 1.160 - 1.165 điểm. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa có sự ủng hộ từ thanh khoản, nhất là khi phiên đáo hạn phái sinh gần kề.
Diễn biến tích cực của VN-Index trong tuần giao dịch 9-13/10 đã giúp thị trường chấm dứt chuỗi giảm liên tiếp 4 tuần. Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index tăng tổng cộng 26 điểm, tương đương mức tăng 2,3% so với tuần trước, tiến lên mốc 1.154,7 điểm.
Thử thách vùng kháng cự 1.160 – 1.165 điểm
Vì vậy, VN-Index tuần này được kỳ vọng tiếp đà vận động tích cực với mục tiêu là vùng kháng cự 1.160 – 1.165 (nơi có sự hội tụ của đường SMA 20 ngày) để mở ra cơ hội phục hồi dài hơi hơn. Dù vậy, những dấu hiệu gần đây cho thấy thị trường bắt đầu xuất hiện nhịp điều chỉnh mới.
Quan sát những phiên gần đây, các chuyên gia cho rằng chỉ số thường được kéo về cuối phiên với mức tăng khiêm tốn và cục bộ ở một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt và câu chuyện riêng. Có thể kể tới một số cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản khu công nghiệp với những thông tin hỗ trợ như giảm tiền thuê đất 30%, giá cho thuê năm 2023 tăng khoảng 10%..., đáng chú ý Viglacera (VGC) công bố kết quả kinh doanh tăng 66%.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dầu khí cũng bắt đầu có những thông tin kết quả kinh doanh tăng trưởng, đồng thời giá dầu neo cao khiến dòng tiền tìm đến đưa nhiều mã vượt đỉnh giá năm 2022 như PVD (PVDrilling), PVT (PVTrans), PVS (PTSC)…
Tuy nhiên, với việc dòng tiền vẫn chưa lan tỏa rộng cho thấy sự đồng thuận chưa cao. Hơn nữa, lực mua tuần qua chủ yếu đến từ nhóm cá nhân trong nước khi khối này mua ròng mạnh nhất thị trường với hơn 2.182 tỷ đồng. Sự gia tăng khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cá nhân thường mang hơi hướng giao dịch lướt sóng ngắn hạn, cho nên dòng tiền này rất khó duy trì lâu dài giúp chỉ số tăng bền vững. Trong khi đó, thị trường bắt đầu bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III với nhiều dự báo kém "sáng".
Ngoài ra, chỉ số chính bắt đầu gặp áp lực bán gia tăng trên diện rộng, bởi nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận bắt đầu lên cao, trong phiên chỉ số liên tục bị “ép” đỏ. Chẳng hạn trong phiên cuối tuần qua (13/10), có thời điểm chỉ số để mất 10 điểm trước khi hồi phục nhẹ vào cuối phiên.
Mặt khác, theo Chứng khoán Vietcap, nếu lực mua giá cao đủ mạnh sẽ giúp VN-Index duy trì đà tăng để vượt qua mốc 1.160 điểm và hướng lên kháng cự mạnh tiếp theo tại 1.165 điểm. Song, nếu nhìn nhận thực tế, thanh khoản thị trường đang dần “teo tóp”.
Thống kê cho thấy, thanh khoản trong tuần qua ở mức thấp, từ 13.000 - 15.000 tỷ đồng/phiên trên HoSE, trong khi giai đoạn giữa tháng 9/2023 có những phiên đạt 1 tỷ USD. Sự "tụt áp" về thanh khoản cùng với tâm lý thận trọng của giới đầu tư sau khi trải qua nhịp giảm khá sâu khiến diễn biến thị trường gần đây không có động lực hồi phục mạnh.
Sự suy yếu của dòng tiền còn thể hiện ở việc nhóm vốn hóa lớn ít biến động, dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, luân chuyển liên tục giữa các nhóm ngành. Trong khi đó, tuần này có phiên đáo hạn phái sinh (19/10). Thông thường, trong thời gian này, chỉ số VN30 thường biến động thất thường nhưng với việc dòng tiền kém và “thờ ơ” với cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn như hiện nay thì rất có thể rổ chỉ số này khó có sự biến động mạnh.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động quanh đường trung bình 20 phiên trong những phiên giao dịch tới. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn, cho nên chỉ số VN-Index chưa thể vượt hoàn toàn vùng kháng cự 1.160-1.165 điểm trong những phiên giao dịch tuần này”, Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo.
Phân hóa quanh mốc 1.160 điểm
Một số ý kiến nhận định, khi bước vào vùng cản 1.160 điểm, áp lực bán từ vùng giá cao sẽ được thúc đẩy và tạo nên sự giằng co cho thị trường. Hơn nữa, nếu mặt bằng thanh khoản không sớm cải thiện, nhiều khả năng VN-Index sẽ dao động đi ngang, phân hóa quanh mốc 1.160 điểm. Theo đó, bức tranh phân hóa rõ rệt sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, và cơ hội sẽ không dành chung cho tất cả.
“Thị trường tăng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào thanh khoản”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBank nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, Chứng khoán Sacombank (SBS), hiện tại vẫn chưa nhận thấy tín hiệu cải thiện của dòng tiền dù thanh khoản đã có dấu hiệu chạm đáy. Tâm lý thận trọng vẫn đang chiếm ưu thế sau khi thị trường vừa trải qua chuỗi ngày tiêu cực, sẽ cần thêm thời gian để thị trường trải qua giai đoạn tích lũy và bình ổn trở lại.
Theo SSI Research, điều kiện vẫn đang không phù hợp cho vị thế trading ngắn hạn, cũng như không thích hợp để đẩy tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Nhà đầu tư có thể xem xét tận dụng các nhịp phục hồi hiện có để cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro thị trường, hạ margin quyết liệt và tăng tỷ trọng cổ phiếu có kỳ vọng riêng, ít tính thị trường và giữ được nền giá trước đó.
Thời điểm hiện tại, kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp được xem như là "phao cứu sinh" với nhiều nhà đầu tư giữa "mùa giông bão", trong bối cảnh thị trường đón nhận nhiều thông tin tốt xấu đan xen và tâm lý nhà đầu tư còn lo ngại những biến động vĩ mô như tỷ giá tăng, lạm phát...
“Tạm thời dòng tiền sẽ có sự luân chuyển khá chậm rãi, có xu hướng chảy nhiều hơn vào các cổ phiếu cơ bản để đón đầu kết quả kinh doanh quý III, các cổ phiếu thị trường hoặc cổ phiếu mang tính đầu cơ sẽ không quá được quan tâm như giai đoạn trước”, ông Dương Hoàng Linh lưu ý.
Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên quan tâm đến những cổ phiếu điển hình thuộc nhóm ngành phân bón, hóa chất, cao su tự nhiên, dược phẩm, tài chính, vật liệu, cảng biển, dầu khí, công nghệ... Đây là những nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan. Một số mã cổ phiếu tiềm năng có thể kể đến BRR (Cao su Bà Rịa), DRC (Cao su Đà Nẵng), GMD (Gemadept), BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn), VNM (Vinamilk), VTP (Bưu chính Viettel), CTR (Công trình Viettel), PLX (Tập đoàn xăng dầu Việt Nam)...