Vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL tiếp tục giảm diện tích trồng
Tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang - vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL, diện tích mía tiếp tục giảm sâu do người dân lo ngại gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Mặc dù vụ mía vừa qua, sau khi trừ chi phí, nông dân tỉnh Hậu Giang có thu nhập từ 20-22 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, ở vụ mía mới này diện tích trồng trong tỉnh lại tiếp tục sụt giảm do người dân lo ngại gặp khó khăn trong tiêu thụ. Tại huyện Phụng Hiệp, vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL diện tích mía tiếp tục giảm sâu.
Theo kế hoạch niên vụ mía 2022 này, huyện Phụng Hiệp xuống giống 3.000ha, giảm 1.700ha so với vụ mía trước. Tuy nhiên đến nay bà con trong huyện mới xuống giống được 2.400ha, đạt 80% kế hoạch. Mía được trồng nhiều tại các xã Tân Long, Phụng Hiệp, Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng và thị trấn Búng Tàu. Bà con chủ yếu trồng các giống mía chín sớm và chín trung bình như Roc 16, Roc13, Roc11, QĐ 11, Su phèn.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, nhiều khả năng năm nay diện tích mía sẽ không đạt kế hoạch đề ra, do hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn duy nhất 1 nhà máy đường của Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) hoạt động. Trên thực tế, nhà máy đường này giới hạn trong việc bao tiêu diện tích mía trên địa bàn tỉnh nên người dân lo ngại sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ mía.
“Diện tích mía sụt giảm có nguyên do sau công văn của Casuco, trong năm 2022 này, nhà máy đường chỉ bao tiêu khoảng 2.000ha toàn tỉnh Hậu Giang, trong đó diện tích của huyện Phụng Hiệp là khoảng 1.800ha. Với nội dung công văn này, bà con nông dân cũng đang cân nhắc kỹ, nếu như xuống giống nhiều quá, công ty không mua, không bao tiêu sẽ khiến người trồng mía gặp khó khăn, do vậy mà bà con rất hạn chế xuống giống”, ông Tuấn chia sẻ./.