Vững niềm tin vào tăng trưởng

GDP quý I thấp hơn kỳ vọng đang thách thức mục tiêu tăng trưởng. Dù vậy, PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế; TS. TÔ HOÀI NAM, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và ông ĐINH HỮU THẠNH, Tổng Giám đốc Bee Logistics tin rằng nếu hóa giải tốt các khó khăn và tận dụng tốt cơ hội, con số 6,5% vẫn ở trong tầm tay.

Điểm sáng nông nghiệp, du lịch, dịch vụ

- Tăng trưởng quý I chỉ đạt 3,32% phản ánh vấn đề gì của nền kinh tế?

Chuyên gia Kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Chuyên gia Kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Nhìn nhận khách quan, sụt giảm tăng trưởng bắt đầu từ cuối năm 2022. Từ tháng 10, nhiều lĩnh vực xuất nhập khẩu như dệt may, da giày đã không có đơn hàng. Sang tháng 11 - 12, nhiều doanh nghiệp phải giảm năng lực sản xuất, cho công nhân nghỉ việc không lương, giãn công nhân. Sang quý I.2023, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giảm, kể cả mặt hàng chủ lực của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) như điện thoại, điện tử màn hình máy tính cũng sụt giảm.

TS. Tô Hoài Nam: Tăng trưởng quý I thấp hơn mong đợi do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Khách quan là nhu cầu của thế giới giảm, không cách nào thay đổi đươc. Doanh nghiệp FDI đóng góp quan trọng vào GDP, thị trường tiêu thụ của họ lại phụ thuộc vào kinh tế thế giới. Bên cạnh đó khu vực công nghiệp, xây dựng sụt giảm vì giải ngân đầu tư công thấp, bất động sản tiếp tục khó khăn.

Về chủ quan, hiện nay doanh nghiệp cần nhất là vốn nhưng lãi suất cao, tiếp cận khó. Cải cách thủ tục hành chính cũng chưa được như mong đợi của doanh nghiệp, người dân.

- Kết quả này liệu có ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay không?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho là không đáng lo ngại! Bởi trong tháng 2 và tháng 3, giải quyết việc làm tăng tương đối mạnh. Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn còn những điểm sáng. Đó là sản xuất nông nghiệp ổn định, cơ hội xuất khẩu mở rộng khi thị trường Trung Quốc mở cửa toàn diện. Không chỉ nông nghiệp, các mặt hàng linh kiện phụ kiện cũng sẽ gia tăng mạnh mẽ, đây là điểm tương đối tốt.

Doanh nghiệp cũng chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, ứng phó với việc các thị trường truyền thống có sự sụt giảm. Một số doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp củng cố thị trường trong nước để có thể tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh.

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) TS. Tô Hoài Nam

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) TS. Tô Hoài Nam

TS. Tô Hoài Nam: Tôi cũng cho rằng nền kinh tế còn nhiều điểm tựa để tăng trưởng như khu vực nông nghiệp, du lịch và dịch vụ, bán lẻ... Các lĩnh vực này tăng trưởng giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống...

Tổng Giám đốc Bee Logistics Đinh Hữu Thạnh: Sự phục hồi và đóng góp lớn trong tỷ trọng kinh tế của khối ngành dịch vụ với hai cấu phần chính là du lịch và vận tải. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát và Trung Quốc đã mở cửa du lịch trở lại là cơ hội tốt cho ngành du lịch nước nhà. Một số dự báo gần đây cũng cho rằng các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ phục hồi từ nửa cuối năm, đem lại tín hiệu tích cực cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi và kiểm soát lạm phát.

"Khi cầu thế giới vướng thì ta phải tạo cầu"

- Chặng đường phía trước chúng ta phải đối diện với những thách thức nào?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là một thách thức lớn khi các động lực trụ cột đều đang đối mặt với trở ngại.

Thách thức chung là sự suy giảm và bất định gia tăng của nền kinh tế toàn cầu kéo theo những đe dọa về an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Cùng với đó là tác động kéo dài của Covid-19, các quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát tăng cao.

Ở trong nước, khó khăn lớn nhất là việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Xuất nhập khẩu cũng vẫn còn khó khăn, một số ngành, xuất khẩu giảm sút do năng lực cạnh tranh giảm đi. Nếu không tự tổ chức lại, tái cấu trúc sẽ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, tăng trưởng tiêu dùng của nền kinh tế vẫn thấp so với những năm trước.

Ngoài ra, nội tại nền kinh tế cho thấy những bất cập về thị trường vốn, chứng khoán, tiền tệ với những điểm nghẽn và đứt gãy niềm tin. Gần đây có nhiều sự việc làm bộc lộ những yếu kém trong cơ chế chính sách và giám sát khu vực tài chính - ngân hàng làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Tổng Giám đốc Bee Logistics Đinh Hữu Thạnh: Như các chuyên gia đã phân tích, sự bất ổn của các nền kinh tế thế giới cùng chính sách tiền tệ thắt chặt khiến nhu cầu nhập khẩu, tiêu dùng của các quốc gia vốn là các thị trường truyền thống, là khách hàng lớn của Việt Nam suy giảm. Ví dụ Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc là các đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Sức cầu từ các quốc gia này suy giảm sẽ kéo theo sự sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo ra áp lực cạnh tranh bởi Việt Nam vốn có mặt hàng xuất khẩu tương đồng.

Về mặt đầu tư, rủi ro và căng thẳng địa chính trị vẫn ở mức cao có khả năng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20.3.2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ bằng 61,2% so với cùng kỳ, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2016.

Chúng ta từng kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến mới khi các nhà đầu tư dịch chuyển công xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng lợi thế của các FTA và né tránh những rào cản, căng thẳng với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận Trung Quốc vẫn là đại công xưởng của thế giới với nhiều lợi thế cạnh tranh vượt trội về thị trường, hiệu quả theo quy mô, kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics, mạng lưới công nghiệp hỗ trợ và nguồn cung lao động có kỹ năng mà các quốc gia mới nổi như Đông Nam Á, nơi được kỳ vọng có thể trở thành phương án thay thế Trung Quốc, không dễ dàng có được. Sự dịch chuyển có chăng cũng cần trải qua một lộ trình rất thận trọng của các nhà đầu tư chứ không thể trong ngắn hạn. Thẳng thắn mà nói, Việt Nam hiện mới chỉ là “vùng đệm” để xuất đi các nước với lợi ích thực sự mang lại cho thu nhập người dân và nền kinh tế không nhiều như mong đợi.

Về tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng bởi lạm phát, sức mua của các hộ gia đình xói mòn và lãi suất tăng ảnh hưởng tới đầu tư tư nhân, hoạt động của các doanh nghiệp nội địa.

Nguồn: ITN

- Để bảo đảm ổn định kinh tế, cần chú trọng vào những động lực tăng trưởng nào?

TS. Tô Hoài Nam: Theo tôi phải đẩy mạnh đầu tư công, nhanh chóng cơ cấu các phương án cụ thể cho bất động sản, xây dựng trở lại hoạt động an toàn hơn. Khi cầu thế giới vướng thì ta phải tạo cầu, đẩy mạnh đầu tư công. Xa hơn câu chuyện đầu tư công là thúc đẩy kinh tế số, công nghiệp chế biến chế tạo, đổi mới sáng tạo, tăng cường hàm lượng đó lên trong cơ cấu tạo thành giá trị sản xuất, hàng hóa. Phải phối hợp chính sách tài chính, tiền tệ nhịp nhàng và phù hợp để doanh nghiệp có nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh.

Đối với vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, nhỏ và vừa, vướng mắc chủ yếu là trong khâu thực thi các chính sách ở địa phương, cơ sở. Theo tôi, chính quyền địa phương nên thành lập tổ công tác hỗ trợ cho khu vực doanh nhỏ và vừa trong tỉnh. Lãnh đạo tỉnh phải là đứng đầu tổ công tác, khi có vướng mắc thì chỉ đạo các sở, ngành để có hướng giải quyết ngay cho doanh nghiệp.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Các bộ, ngành các địa phương cần tập trung, chú trọng giải ngân vốn đầu tư công. Gỉai ngân được khối lượng lớn sẽ là động lực thúc đẩy ngành nghề có liên quan và toàn bộ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là động lực tăng trưởng nhiều năm qua của nền kinh tế. Một là, nắn lại thị trường truyền thống, người ta cần, mình thay đổi gì? Hai là mở rộng thị trường xuất khẩu mới, đòi hỏi sự vào cuộc của Bộ Công thương, đại sứ quán, doanh nghiệp lớn và sớm tận dụng các cơ hội. Về phía các doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc, xem xét lại mình, đừng để mất tính cạnh tranh và quan tâm hơn thị trường trong nước với 100 triệu dân...

Nếu chúng ta giải quyết được những vấn đề đã nêu thì GDP có thể đạt 6,8 - 7,4%.

Tổng Giám đốc Bee Logistics Đinh Hữu Thạnh: Chúng ta nên tập trung nguồn lực cho xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng.

Về thúc đẩy xuất khẩu, bên cạnh các thị trường truyền thống, cần chủ động đa dạng hóa, linh hoạt mở rộng sang các thị trường khác như Mỹ Latin, Bắc Âu, Đông Âu, châu Phi… và mở rộng các mặt hàng, ngoài các mặt hàng chủ lực như may mặc, điện tử, nội thất… Cần tăng cường năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản vốn đang còn hạn chế năng lực xuất khẩu trong khi tiềm lực sản xuất trong nước lớn. Các cơ quan xúc tiến thương mại cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp lớn toàn cầu để tăng cường năng lực xuất khẩu.

Về mảng đầu tư, Chính phủ nên tiếp tục các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, giảm rào cản gia nhập của vốn FDI đặc biệt trong các ngành công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn. Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét xóa bỏ các rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận vốn và lãi suất ngân hàng, chi phí đầu vào với các kênh huy động vốn đa dạng như các loại hình định chế tài chính trung gian mới cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đang thiếu đơn hàng và khả năng hấp thụ vốn bị suy giảm.

Bên cạnh đó, tập trung vào các dịch vụ có thể thúc đẩy tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực khác như chế tạo chế biến. Có thể xem xét tới xuất khẩu dịch vụ logistics như một hướng đi mới bên cạnh việc tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics trong nước. Ngoài ra, việc đầu tư ra nước ngoài hay đưa người Việt Nam ra làm việc cho các doanh nghiệp Việt ở nước ngoài cũng cần được hỗ trợ nhiều hơn bằng cách tiếp tục đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch các thủ tục, tiến tới thực hiện số hóa quy trình cắt giảm 100% giấy tờ cứng.

-Trong bối cảnh nhiều thách thức đang hiện hữu, vai trò của Quốc hội và Chính phủ cần được thể hiện như thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế?

TS. Tô Hoài Nam: Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục duy trì nếp “làm hết việc chứ không làm hết giờ”. Có thể họp bất thường khi cần thiết để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Quốc hội cần thường xuyên lắng nghe tiếng nói của cử tri, qua đó chỉ ra những nội dung, vấn đề mà Chính phủ cần đặc biệt lưu tâm, xử lý.

Tổng Giám đốc Bee LogisticsĐinh Hữu Thạnh: Quốc hội và Chính phủ cần nâng cao hơn nữa vai trò hoàn thiện khung pháp lý, nhất là pháp luật về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh, ưu tiên những lĩnh vực có dư địa và tiềm năng lớn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hiện tại như hỗ trợ tín dụng, cắt giảm thuế, phí, thúc đẩy giao thương quốc tế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cho các công trình trọng điểm, đặc biệt là các công trình giao thông, logistics để khơi thông dòng chảy hàng hóa.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Sự đồng hành của Quốc hội và Chính phủ là hết sức quan trọng. Quốc hội và Chính phủ cần có những chỉ đạo kiên quyết giải quyết nút thắt của nền kinh tế, từ đầu tư công hay những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

Hạnh Nhung thực hiện

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/vung-niem-tin-vao-tang-truong-i326113/