Vùng quê cách mạng Hiền Thành

Xã Hiền Thành nằm ngay bờ Bắc sông Bến Hải là tên gọi mới sau khi sáp nhập đơn vị hành chính từ 2 xã Vĩnh Hiền và Vĩnh Thành. Đây là vùng quê cách mạng nổi tiếng của huyện Vĩnh Linh.

Dâng hoa, dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hiền Thành -Ảnh: TÚ LINH

Dâng hoa, dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hiền Thành -Ảnh: TÚ LINH

Từ cầu Hiền Lương nhìn sang phía bờ Bắc sông Bến Hải, có thể cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê cách mạng Hiền Thành. Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, xã Hiền Thành đã đứng dậy từ hoang tàn, đổ nát của chiến tranh cùng khát vọng cháy bỏng xây dựng lại cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Chủ tịch UBND xã Hiền Thành Lê Đức Kiêm dẫn chúng tôi đến dâng hoa, dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã, nơi có gần 500 người con của đất nước đang yên nghỉ, trong đó có 349 liệt sĩ là con em của xã. Toàn bộ xã có 72 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 1 mẹ còn sống; 154 thương binh. Bà Nguyễn Thị Em (95 tuổi) ở thôn Tân Trường, xã Hiền Thành đưa bàn tay mân mê kỷ vật là chiếc túi vải đựng hành trang của người con trai Lê Tích Hùng đã qua đời vì bom Mỹ lúc mới tròn 7 tuổi.

Câu chuyện đau thương này vẫn còn in đậm trong lòng bà. Hôm ấy là ngày 27/9/1967, chuyến xe chở 40 học sinh xã Vĩnh Hiền (nay là xã Hiền Thành) rời Vĩnh Linh, khi đến địa phận thôn Mỹ Trung, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, thì trúng bom Mỹ.

Trên xe có 40 học sinh từ 7 đến 8 tuổi cùng 2 thầy giáo và 2 người lính lái xe thì có đến 39 học sinh, 1 thầy giáo và 2 người lính ra đi. Bà Nguyễn Thị Em nhận ra thi thể con mình nhờ cái túi được bà may vội bằng miếng vải cắt ra từ hai ống tay áo cũ sờn, có thêu chữ Hùng, tên người con trai của bà.

Gần 60 năm sau sự kiện ấy, chiếc túi vải bà luôn được bà Em gìn giữ cẩn thận, xem như khúc ruột của mình. Để đất nước đi đến ngày hòa bình, thống nhất, sau năm 1975 dòng họ Lê Tích của chồng bà Em ở Tân Trường, xã Hiền Thành chỉ còn lại 3 gia đình nhưng có đến 17 liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang. Máu của họ đã hòa vào lòng đất, góp phần làm nên một Hiền Thành sáng ngời trên mảnh đất lũy thép.

Trồng hồ tiêu giúp nhiều gia đình ở Hiền Thành có thu nhập cao -Ảnh: TÚ LINH

Trồng hồ tiêu giúp nhiều gia đình ở Hiền Thành có thu nhập cao -Ảnh: TÚ LINH

Người dân xã Hiền Thành luôn biết vượt qua nỗi đau, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trở thành làng quê đáng sống. Chủ tịch UBND xã Hiền Thành Lê Đức Kiêm phác thảo về sức sống mới ở vùng quê cách mạng trong quá trình hội nhập và phát triển. Xã Hiền Thành đã chọn đúng lĩnh vực để đầu tư, khai thác thế mạnh kinh tế là phát triển nông nghiệp và dịch vụ. Trung bình mỗi năm, tổng doanh thu nông nghiệp mang về từ các mô hình trồng cây hồ tiêu, cao su; chăn nuôi tôm, lợn đạt hơn 200 tỉ đồng.

Hồ tiêu được xác định là cây trồng chủ lực của xã với diện tích hơn 184 ha, tập trung ở các thôn Tân Trường, Thái Mỹ, Liêm Công Tây...Người dân mạnh dạn áp dụng quy trình chăm sóc hồ tiêu khoa học, phù hợp nên mang lại giá trị kinh tế cao. Năm nay hồ tiêu được mùa, đạt năng suất và giá bán cao nên nông dân phấn khởi, có gia đình vụ vừa qua thu hoạch 3 tấn tiêu khô, bán gần 500 triệu đồng.

Cùng với hồ tiêu, cao su là một trong hai loại cây trồng chủ lực ở xã Hiền Thành giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy nền kinh tế xã Hiền Thành phát triển. Hiện toàn xã có 346 ha cao su cho thu hoạch.

Gia đình anh Đinh Văn Kiên ở thôn Tân Trại có 2 ha cao su đang cho khai thác mủ hơn 10 năm nay. Trung bình mỗi ngày cạo mủ anh bán thu về khoảng 2 triệu đồng. Mỗi tháng bình quân anh cạo mủ được 15 ngày, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Số tiền này giúp gia đình anh Kiên có cuộc sống khá sung túc.

Nhiều năm qua, cây cao su đã giúp người dân Hiền Thành làm giàu. Nhờ năng động, dám nghỉ, dám làm, nông dân của xã đã chuyển đổi trồng cao su từ sớm, đúng thời điểm giá mủ cao su được giá nên hiệu quả kinh tế cao.

Xã Hiền Thành xác định để nhiều người dân có thêm cơ hội làm giàu bên cạnh nông nghiệp thì dịch vụ-du lịch là thế mạnh cần được chú trọng đầu tư phát triển, nhất là khai thác phát triển du lịch phía bờ Bắc sông Bến Hải. Đoạn sông Bến Hải chảy qua xã Hiền Thành dài 4 km, tạo nên một “mặt tiền” đắc địa phục vụ du lịch mà không nơi nào có được, trong đó vị trí “tiền tiêu” là làng Hiền Lương.

Xã Hiền Thành đang có chủ trương kêu gọi đầu tư làng Hiền Lương trở thành khu du lịch với mô hình homestay để đón du khách khắp nơi đến ở lại trải nghiệm làng quê bên bờ giới tuyến. Rất nhiều du khách đến thăm chia sẻ muốn ở lại với dân làng để ngắm sông Bến Hải vào mỗi buổi sáng chiều; tìm hiểu phong tục văn hóa, lịch sử của vùng đất nổi tiếng; nghe bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” được người dân Quảng Trị cất lên. Họ muốn được nghe kể câu chuyện những năm chiến tranh, như chuyện mẹ Ngô Thị Diệm ở làng Hiền Lương lặng lẽ ngồi may cờ để giữ cho cột cờ Hiền Lương không lúc nào vắng bóng lá cờ Tổ quốc.

Những câu chuyện thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước càng khiến nhiều người mong muốn một lần được đến ở lại với Hiền Lương để trải nghiệm.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/vung-que-cach-mang-hien-thanh-187670.htm