Vững ''tay hòm chìa khóa''
Nền tảng và giá trị cốt lõi của mỗi gia đình dĩ nhiên là tình yêu thương. Song, một điều không thể phủ nhận là vấn đề kinh tế cũng tác động không nhỏ đến hạnh phúc gia đình.
Từ vụ tranh chấp, chia tài sản lên đến hàng ngàn tỷ đồng của vợ chồng sở hữu một thương hiệu lớn trong nước, vấn đề tiền bạc trong hôn nhân được dư luận quan tâm và thảo luận: Có nhiều tiền liệu đã hạnh phúc? Làm gì để gia đình ngày càng ấm no, sung túc, tiến bộ? Làm thế nào để gia đình thực sự là điểm tựa vững vàng cả tinh thần lẫn vật chất đối với từng thành viên trong mỗi gia đình… Đáp án chung chính là tình yêu thương gắn liền với trách nhiệm xây dựng kinh tế gia đình của mỗi người.
* Khi vợ chồng cùng chung chí hướng
Phó giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức Nguyễn Công Bình:
Minh bạch trong chi tiêu
Trên thực tế, các vấn đề về tài chính là chủ đề thường xảy ra mâu thuẫn đối với các gia đình hiện nay. Do đó, việc minh bạch trong quản lý chi tiêu là điều vô cùng cần thiết.
Chị M.T.T.T. (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho rằng điều quý nhất trong hôn nhân của vợ chồng chị đến thời điểm này chính là vợ chồng chị đã cùng nhau tự lập, vượt qua khó khăn để xây dựng hạnh phúc.
Nhớ lại hành trình 9 năm cùng nhau bắt đầu cuộc sống riêng, mua nhà, rồi 3 con lần lượt ra đời, chị T.T. không khỏi bồi hồi. “Căng thẳng nhất là khi tôi ngưng hẳn công việc ở một trường học để chuyên tâm chăm sóc con nhỏ. Thời điểm này, thu nhập trong gia đình tôi giảm đi đáng kể, trong khi chi phí phát sinh lại thêm nhiều. Trụ cột kinh tế gia đình chủ yếu dồn lên vai chồng, thu nhập ổn định trong doanh nghiệp. Nhưng cũng từ trong khó khăn, vợ chồng tôi đã động viên nhiều hơn, cùng bàn kế hoạch chi tiêu tiết kiệm”.
Đến nay, vợ chồng chị T.T. đã có nhà riêng, con nhỏ nhất của anh chị cũng đã 6 tháng tuổi. Chia sẻ mục tiêu vững vàng về kinh tế để lo lắng cho các con có một tương lai tốt hơn, chị T.T cho biết trong thời gian này chị quán xuyến việc nội trợ, chăm con nhỏ chu đáo để chồng yên tâm công việc. Ngoài ra chị còn tranh thủ thời gian bán hàng online để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Chồng chị T.T., sau 8 giờ làm việc trong doanh nghiệp, tối về tiếp tục “tăng ca”, giúp vợ “ship” (giao) hàng.
Ông bà xưa có câu “Đồng vợ đồng chồng tát Biển Đông cũng cạn”. Trước mục tiêu chung xây dựng tổ ấm gia đình, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho mỗi thành viên, nếu mỗi cặp vợ chồng luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ người bạn đời và các con thì hành trình ấy chắc chắn có thêm nhiều động lực và ý nghĩa.
* Lên kế hoạch chi tiêu trong gia đình
Xã hội ngày càng phát triển, từ những người trước ngưỡng cửa hôn nhân đến cả trẻ em, càng cần được giáo dục về tiền và trang bị kỹ năng quản lý về tài chính. Từ đó góp phần hình thành những thói quen tốt, giúp những người trẻ có cách ứng xử đúng đắn về tiền, sống có trách nhiệm về tài chính với chính bản thân mình, gia đình và xã hội.
Trong một bài viết đăng trên facebook cá nhân, TS.Lê Thẩm Dương, chuyên gia - diễn giả kinh tế cho rằng bất kể thu nhập hằng tháng của bạn là bao nhiêu, hãy chia nó thành 5 khoản chi nhỏ khác nhau. Có thể phân theo mức độ và mục đích như sau: 30% chi phí sinh hoạt, 20% giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ cá nhân, 15% học hỏi, 10% du lịch và 25% đầu tư.
Trên thực tế, mỗi gia đình có những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên chắc chắn không có công thức cụ thể trong hoạch định chi tiêu, xây dựng kinh tế cho từng gia đình. Kinh nghiệm cá nhân hơn 20 năm là “tay hòm chìa khóa” trong gia đình, chị Trần Thu Hà (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Bất cứ cặp vợ chồng nào khi bước vào tạo lập cuộc sống gia đình, xây dựng mái ấm riêng đều phải tính toán, lên kế hoạch chi tiêu một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện, túi tiền của mình. Đối với người vợ, ngoài cân nhắc các khoản thu - chi của gia đình, thì điều quan trọng là chia sẻ với chồng các kế hoạch đó để tạo sự thấu hiểu, thống nhất”.
Theo chị Thu Hà, các chi tiêu cần cụ thể, có thể chia ra các kế hoạch chi tiêu ngắn hạn gồm các khoản chi hằng tháng như: ăn uống, mua sắm, học phí; kế hoạch dài hạn là các khoản đầu tư cho tương lai các con, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Chi tiêu hợp lý - tiết kiệm là một thói quen tốt, không chỉ có lợi cho kinh tế gia đình mà còn tác động tích cực đến lối sống của các con. Chị Thu Hà chia sẻ: “Để tiết kiệm trở thành nếp sống trong gia đình, vợ chồng tôi phải gương mẫu thực hành rồi giáo dục con từ bé những việc nhỏ, thiết thân như: tiết kiệm nước dùng, điện sinh hoạt, thức ăn, sau đó chỉ dạy con cách chi tiêu như thế nào hợp lý… Tôi cho rằng thói quen tiết kiệm phù hợp với “lối sống xanh”, lối sống hiện đại ngày nay”.
Theo Phó giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức Nguyễn Công Bình, việc quản lý chi tiêu trong gia đình là rất cần thiết, là một phần tất yếu của gia đình. Quản lý chi tiêu tốt sẽ giúp cho gia đình có một kế hoạch tài chính linh động và hợp lý hơn, đặc biệt là các gia đình trẻ hiện nay.