Vững tin hội nhập, phát triển và vươn mình

Bước vào năm mới 2025, với tinh thần vững tin hội nhập và vững tâm tự cường, Việt Nam tự tin tiếp tục vượt những 'cơn gió ngược', tận dụng thành công cơ hội và vận hội mới được tạo ra từ nội lực cũng như từ không gian kết nối kinh tế toàn cầu.

Bước vào năm mới 2025, với tinh thần vững tin hội nhập và vững tâm tự cường, Việt Nam tự tin tiếp tục tận dụng thành công cơ hội và vận hội mới được tạo ra từ nội lực cũng như từ không gian kết nối kinh tế toàn cầu.

Vị thế và tiềm lực mới

“Việt Nam giờ đã bay cao cùng NVIDIA” - tờ Manila Times của Philippines đã dành lời ca ngợi đến Việt Nam khi đạt được hợp tác chiến lược với tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA vào đầu tháng 12/2024. Đây là một trong những bước phát triển mang tính đột phá đối với Việt Nam trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Việt Nam hiện có tiềm năng trở thành trung tâm đổi mới toàn cầu quy mô lớn, tờ báo của Philippines viết.

Năm 2024, kinh tế phục hồi ấn tượng, đánh dấu nhiều điểm sáng lạc quan cho tăng trưởng của Việt Nam. Bất chấp những biến động toàn cầu và ảnh hưởng nặng nề của siêu bão Yagi, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2024 đạt 7,09%, nâng quy mô GDP nền kinh tế lên mức 11.512 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 476 tỷ USD.

Trong cỗ xe “tam mã” đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng, điểm sáng nhất thuộc về xuất khẩu khi năm 2024 tăng gần 14,3% so với năm ngoái, xuất siêu tới 24,77 tỷ USD. Tính chung cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là điểm sáng, khi Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Nguồn vốn này tạo động lực cho nền kinh tế khi đầu tư tư nhân còn thấp, giải ngân đầu tư công chưa đạt như kế hoạch.

Trong năm 2024, Việt Nam là điểm đặt chân đến của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bán dẫn, bán lẻ,... đến năng lượng tái tạo. Nhiều tên tuổi lớn trong mảng công nghệ như NVIDIA, Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor,… cho biết đã có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Trong tháng 12/2024, NVIDIA chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI và trung tâm dữ liệu AI. NVIDIA cũng công bố thương vụ mua lại VinBrain, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Tập đoàn Vingroup.

Năm 2024, các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia tiếp tục được tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư, đặc biệt, hạ tầng giao thông, hạ tầng điện có được kết quả rất rõ nét. Điều đó được chứng minh qua đưa vào khai thác hơn 2.021 km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới; khánh thành Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); hay vận hành các dự án đường sắt trọng điểm, từ đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội đến tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên;...

Đặc biệt, vào kỳ họp tháng 11/2024, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, sơ bộ tổng vốn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, dự kiến hoàn thành năm 2035. Đây là dự án hạ tầng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho đất nước và sự lan tỏa kinh tế sang nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế vĩ mô cả năm vẫn đan xen những gam màu xám, những khó khăn nhất định, khi các doanh nghiệp tư nhân, lực lượng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, có phần ì ạch. Các “điểm nghẽn” về vốn, công nghệ và nhân lực chất lượng một lần nữa bị thách thức khi doanh nghiệp đối mặt khó khăn hậu đại dịch và bất ổn toàn cầu.

Mặc dù vậy, kinh tế năm 2024 đã thành công về đích với những con số rất ấn tượng, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, nhất là mục tiêu tăng trưởng, góp phần tạo thêm thế và lực mới cũng như cơ hội mới và kỳ vọng mới cho đất nước trong hành trình hội nhập để phát triển theo mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã hoạch định, không chỉ cho kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) mà cả cho chiến lược 10 năm (2021-2030).

Tiến vào kỷ nguyên mới

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ngày 1/12, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, kết quả kinh tế - xã hội bước đầu đã tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là: Đã đủ.

Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa.

Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới, theo Tổng Bí thư, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình. Tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh", nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế phát triển, thủ tục hành chính...

Cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.

Nhấn mạnh yêu cầu tinh gọn bộ máy, Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư nêu rõ mục tiêu của tinh gọn bộ máy là giúp bộ máy hoạt động trơn tru, ít người nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt chất lượng, hướng đến yêu cầu cao nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân. Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.

Việt Nam trong dòng chảy của thời đại

Đứng trước kỷ nguyên mới của dân tộc, Chủ tịch nước Lương Cường trong những chia sẻ Nhân dịp Năm mới 2025 với báo chí cũng nhấn mạnh, với thế và lực mới, đất nước ta có điều kiện để nâng tầm đóng góp, khẳng định vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhìn lại những chuyển biến phức tạp, sâu rộng ở khu vực và trên thế giới trong năm 2024 mới thấy rằng nền đối ngoại - ngoại giao Việt Nam đã góp phần mở ra cục diện đối ngoại mới, rộng mở, thuận lợi chưa từng có cho Việt Nam.

Năm 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia. Đồng thời, tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, thúc đẩy hợp tác thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Những nỗ lực này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực chiến lược.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam ngày càng khẳng định năng lực, vai trò và trách nhiệm của mình trong các vấn đề quốc tế. Trên các diễn đàn quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mekong, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20), Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Hội đồng liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (AIPA), Phong trào Không liên kết, Pháp ngữ, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực.

Ngoại giao kinh tế, kinh tế đối ngoại phát triển mạnh mẽ, góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, cũng như thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin đối ngoại… đã làm đậm nét và lan tỏa thêm hình ảnh một Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Khát vọng mới, nhiệm vụ mới

Nghị quyết số 158/2024/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đặt mục tiêu tăng GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%. Nghị quyết đề ra 15 nhóm giải pháp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó, tập trung tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Đáng nói, các định hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa có tính kế thừa, nhưng đồng thời có những điểm mới cần nhấn mạnh. Năm 2024, Nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu, nhiệm vụ là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, sau đó mới đến các giải pháp khác.

Năm 2025, Quốc hội quyết nghị tập trung giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn; đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Quan điểm này tiếp tục được kế thừa tại Công điện 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Như vậy, tiếp tục nhấn mạnh đến ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; đồng thời nhấn mạnh đến giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn.

Sự dịch chuyển chính sách cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị về việc tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện doanh nghiệp kinh doanh trong môi trường minh bạch và bình đẳng, hướng đến giai đoạn phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và chất lượng hơn của kinh tế Việt Nam khởi nguồn từ những nguồn lực nội sinh.

Đột phá từ nội lực

Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, so với kỳ khảo sát hồi tháng 4/2023, số doanh nghiệp có đánh giá tích cực/rất tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay tăng gấp 5 lần; doanh nghiệp dự kiến mở rộng mạnh quy mô tăng 2,5 lần, mở rộng vừa quy mô tăng 2,7 lần. Điều đó cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đang dần được phục hồi.

Tuy nhiên, cũng tại khảo sát với gần 900 doanh nghiệp của Ban IV, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều thách thức, dẫn tới phải lên những kịch bản ít sáng sủa nhất trong thời gian tới. Do đó, cần kiến tạo môi trường thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân, vì đây là “nội lực” của nền kinh tế, có khả năng vươn lên, giành vị thế dẫn dắt, có vai trò quyết định đến việc nâng cao năng suất lao động và đưa Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Ban IV nhấn mạnh.

Thực tế, loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được Chính phủ hoàn thiện, đề xuất trong năm 2025. Như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% đến hết tháng 6/2025; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp; các giải pháp khắc phục vướng mắc trong quản lý thị trường bất động sản, giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ…

Song, sự đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2025 mang một tâm thế rất khác, không chỉ dừng lại ở các cơ chế, chính sách kiến tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng - thuận lợi, mà còn là quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị, dẫn dắt bởi sự lớn mạnh, hùng cường của doanh nghiệp Việt.

Theo đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế. Đây là giải pháp đột phá của đột phá. Thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn nhưng tháo gỡ được thì sẽ trở thành đột phá của đột phá. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhấn mạnh khi chia sẻ quan điểm với Mekong ASEAN về những yêu cầu trong cải cách môi trường kinh doanh.

Đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ, tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế pháp luật vừa để giải quyết những vấn đề cấp bách mới nảy sinh, những yêu cầu phát triển lâu dài về kinh tế, xã hội trong thực tiễn chính là một trong những điều kiện quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để đạt mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới, trở thành quốc gia phát triển năm 2045.

Sức bật từ “sức mạnh mềm”

Sự ưu tiên cải cách thể chế, theo ông Phan Đức Hiếu, không chỉ là nền tảng về thể chế kinh tế thị trường, mà còn là thể chế về văn hóa, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Những cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp mang tính đột phá, vượt trội để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, trọng điểm của quốc gia như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, netzero, đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân và các lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo… là điều kiện tiên quyết kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.

Đặc biệt, khi đất nước bước vào thời kỳ mới, đồng thời, đối diện với những thách thức bên ngoài, rất cần những động lực mạnh mẽ, nhất là nguồn lực nội sinh, sức mạnh tinh thần và ý chí của toàn xã hội để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, giải quyết những thách thức của thời đại. Với tư cách là động lực của sự phát triển, văn hóa đã và đang tham gia điều tiết và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nhiều phương diện, theo hướng nhân văn, thúc đẩy ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế.

Văn hóa cũng góp phần tạo dựng môi trường lành mạnh để kinh tế phát triển. Ở đó, con người có điều kiện và cơ hội để phát huy năng lực sáng tạo, chủ động tham gia tích cực vào đời sống kinh tế. Đồng thời, môi trường văn hóa lành mạnh sẽ là mảnh đất màu mỡ để bắt nhịp với dòng chảy kinh tế thế giới, bắt đà với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Khái niệm mà chúng tôi tạm gọi là “mạch nguồn văn hóa - nguồn lực nội sinh cho phát triển”, chú trọng phản ánh yếu tố văn hóa như là một trong những điểm tựa cho phát triển kinh tế - xã hội, kỳ vọng kiến tạo không gian tăng trưởng rộng rãi hơn, nguồn lực đồng bộ hơn, để Việt Nam tự tin tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tận dụng thành công cơ hội và vận hội mới, vươn mình phát triển nhanh và bền vững.

KIỀU CHINH

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vung-tin-hoi-nhap-phat-trien-va-vuon-minh-37752.html