Vững tin theo con đường của Bác

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc được phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Suốt cuộc đời, Người luôn làm việc với mục tiêu nhất quán là vì nước, vì dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Noi gương và vững tin theo con đường, mục tiêu mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay ra sức xây dựng đất nước, chăm lo đời sống, hạnh phúc của người dân. Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2023), Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến về nội dung này.

Đại tá PHAN VĂN CHIẾN, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 (Quân khu 2):

Chung tay cùng địa phương chăm lo đời sống đồng bào

Đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo nước ngoài sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Thực hiện mong muốn của Người và bằng trách nhiệm của người lính, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 đã chung tay cùng chính quyền địa phương làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng ở Khu kinh tế trọng điểm huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Người dân trong khu vực chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì... đời sống kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Để triển khai hiệu quả các đề án, mô hình phát triển kinh tế, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 xác định phải hiểu tập quán, nhu cầu của đồng bào, làm cho bà con thấy rõ cái lợi được hưởng, việc tốt nên làm thì mới vận động được bà con tin và làm theo. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã lăn lộn bám nắm cơ sở và dành nhiều tình cảm, thời gian, công sức cùng cơ sở vật chất giúp đỡ bà con phát triển chăn nuôi, sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình. Trước khi lập dự án cấp cây, con giống, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ về thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết; phối hợp với địa phương thẩm định, đánh giá từng hộ nghèo, có khả năng chăn nuôi mới được cấp. Đất vùng này rất màu mỡ, cây cỏ quanh năm xanh tốt nên có nguồn thức ăn dồi dào cho trâu, bò, dê... Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã dành 2,6 tỷ đồng mua bò, dê, ngan, gà giống cấp cho các hộ dân vùng dự án; nghiên cứu và hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng cây dược liệu Atiso, cây đương quy... Nhờ vậy mà nhiều gia đình đã xóa được nghèo, trở thành hộ khá. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 còn tuyên truyền, đẩy lùi nhiều hủ tục, xây dựng nhiều dự án phát triển kinh tế, giao thông, giáo dục, y tế. Nhờ đó mà kinh tế của người dân vùng biên đã và đang có nhiều khởi sắc, góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

 Các em học sinh chăm chú nghe hướng dẫn viên Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) giới thiệu về khu di tích và cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Ảnh: HỒ LÀI

Các em học sinh chăm chú nghe hướng dẫn viên Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) giới thiệu về khu di tích và cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Ảnh: HỒ LÀI

Đồng chí NGUYỄN QUANG LỘC, Chủ tịch UBND xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An:

Xây dựng quê hương Kim Liên hiện đại, giàu bản sắc

Phát huy niềm tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Liên luôn đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đạt được nhiều kết quả. Nổi bật nhất là xã Kim Liên đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022. Để có được những thành quả đó, UBND xã đã cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy, nghị quyết của HĐND xã bằng các chương trình, đề án sát đúng thực tiễn, trọng tâm là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xã Kim Liên mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen để cung cấp nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ sen, tạo việc làm cho bà con kết hợp với phát triển du lịch, làm đẹp cảnh quan. Chúng tôi chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn đồng bộ, hiện đại nhưng vẫn phải giữ được nét đặc trưng làng quê yên bình. Xã Kim Liên cũng chú trọng phát triển các câu lạc bộ dân ca ví, giặm để phục vụ khách du lịch, xây dựng nét đẹp văn hóa người dân quê Bác một cách toàn diện.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Liên huy động tối đa nguồn lực, khơi dậy sự đồng lòng của nhân dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển thêm các dịch vụ du lịch, từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kim Liên quyết tâm giữ vững danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao các tiêu chí để xây dựng quê hương ngày một phát triển như sinh thời Bác Hồ từng căn dặn.

Đồng chí NGUYỄN VĂN TÂM, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk:

Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước

Trước đây, đời sống của người dân xã Cư Pui hết sức khó khăn và lạc hậu, do trình độ dân trí thấp, số người biết chữ rất ít; ốm đau không đưa đi bệnh viện mà ở nhà làm heo, bò cúng; sản xuất nông nghiệp chủ yếu là phát rẫy và chọc lỗ bỏ hạt, không biết làm ruộng nước, Nhà nước phải cấp gạo cứu đói thường xuyên cho bà con. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc là 100%. Cơ sở hạ tầng hầu như không có gì ngoài con đường đất là Tỉnh lộ 12 chạy ngang qua xã; trường học, trạm y tế được xây dựng bằng tranh tre.

Đến nay, xã Cư Pui đã có nhiều thay đổi và phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên đáng kể thông qua các chính sách, chương trình đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Toàn xã có 75,5km đường giao thông liên xã, liên thôn, buôn và giao thông nội vùng được bê tông hóa; 5 buôn có 100% đường giao thông bằng bê tông. 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện; trường học kiên cố, trong đó Trường Mầm non xã Cư Pui đạt chuẩn quốc gia. Trạm y tế đạt chuẩn với 3 bác sĩ và 7 cán bộ y tế làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế; 50% hộ có nhà ở ổn định; 11/13 buôn, thôn có nước sạch. Tuy nhiên, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, ngoài tận dụng tốt các nguồn lực được đầu tư, chương trình, đề án đối với vùng dân tộc và miền núi, chúng tôi cũng phát huy nội lực, tinh thần phấn đấu vươn lên của chính bà con, khắc phục suy nghĩ, thói quen trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Có như thế mới phát huy được hiệu quả và có tính bền vững.

Đồng chí TRẦN VIỆT TUẤN, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Cần Thơ:

Noi gương Bác Hồ bằng những việc làm thiết thực

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương, niềm tin tưởng và sự quan tâm sâu sắc. Đáp lại sự tin tưởng của Người, những năm qua, thế hệ trẻ TP Cần Thơ luôn hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, đóng góp sức trẻ tham gia phát triển kinh tế-xã hội. Kết quả thể hiện rõ nhất là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Chỉ riêng năm 2022, đoàn viên, thanh niên các cấp đã tiến hành sửa chữa, xây dựng 32 cầu giao thông nông thôn; sửa chữa, xây dựng 109,8km đường; thắp sáng 13km đường, làm mới 23km tuyến đường hoa thanh niên và trồng 115.620 cây xanh; trao tặng các công trình nước sạch, nhà vệ sinh thân thiện cho thiếu nhi; khánh thành, trao tặng 17 công trình “Vì đàn em thân yêu”; sửa chữa và xây dựng mới 18 ngôi nhà “Khăn quàng đỏ”; giới thiệu việc làm cho 29.315 thanh niên...

Thời gian qua, Thành đoàn Cần Thơ cũng triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phong trào thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp. Ngoài hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn, tập huấn khoa học-kỹ thuật, tổ chức tham quan, học tập những mô hình có hiệu quả, tổ chức đoàn còn kết nối đầu ra, hỗ trợ đưa sản phẩm của thanh niên lên sàn thương mại điện tử. Nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo, tháng 3-2022, Thành đoàn đã ký kết hợp tác chiến lược với Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo FUNDGO triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, từ kết nối thương mại hóa các ý tưởng, dự án có tính khả thi cao, đến việc dành cơ chế ưu tiên các mô hình khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, khơi dậy tinh thần lao động, sức sáng tạo của tuổi trẻ; đồng thời với sự nắm bắt, theo kịp xu thế của thế giới để vận dụng vào khai thác tài nguyên bản địa-sản phẩm mang tính đặc trưng, độc đáo, khác biệt của TP Cần Thơ.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/vung-tin-theo-con-duong-cua-bac-728589