Vững trụ cột an sinhBài 2: Mang đến sự tiện ích, hài lòng

Giải pháp then chốt để củng cố vững chắc trụ cột an sinh xã hội là tăng mới số người bước vào hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời giữ vững số người đã tham gia trên hệ thống. Hiểu rõ điều này, ngành BHXH Thủ đô tập trung mang đến sự tiện ích và hài lòng cho người dân, người lao động tham gia, thụ hưởng chính sách, giúp họ an tâm, tin tưởng ở trong 'lưới an sinh'.

Đưa những điều tưởng như không thể thành có thể

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, thời gian gần đây, ngành BHXH Thủ đô cùng các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung đưa những điều tưởng như không thể thành có thể trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Điển hình là việc tăng “phi mã” tỷ lệ đăng ký nhận lương hưu, chế độ trợ cấp BHXH hằng tháng qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chỉ sau một tháng, từ hơn 45% vào thời điểm cuối tháng 4-2024 tăng lên hơn 92% vào cuối tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, trên thực tế, công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng thụ hưởng chuyển đổi phương thức nhận tiền lương hằng tháng từ trực tiếp qua tài khoản đã triển khai nhiều năm qua, nhưng tốc độ gia tăng khá chậm vì nhiều lý do.

Thế nhưng, sau khi có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của hệ thống chính trị, sự tận tình, trách nhiệm của lực lượng cán bộ, nhân viên ngành BHXH, chiến sĩ Công an, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể ở cơ sở, thành phố Hà Nội đạt được những kết quả bất ngờ. Càng vui hơn, khi đối tượng thụ hưởng bày tỏ sự hài lòng. Ông Phương Văn Tưởng, trú tại xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) cho biết: “Từ tháng 7 tới, chúng tôi chỉ cần ở nhà chờ tiền lương chuyển về, tiện lợi biết bao”.

Hỗ trợ người dân làm thủ tục chuyển đổi phương thức nhận lương hưu qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Mỹ Đức

Hỗ trợ người dân làm thủ tục chuyển đổi phương thức nhận lương hưu qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Mỹ Đức

Ngoài nhân vật nêu trên, tất cả trường hợp không xảy ra sai sót về thông tin đã làm thủ tục chuyển đổi phương thức nhận lương hưu từ trực tiếp sang tài khoản cá nhân sẽ nhận đủ lương ngay trong ngày đầu tiên của kỳ chi trả từ tháng tới. Hoạt động này giúp các cơ quan chức năng và người dân tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí.

Cùng với hoạt động nhận lương hưu, nhiều thói quen giao dịch của người dân trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hiện đã thay đổi. Dễ nhận thấy, 100% người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp qua hình thức trực tuyến, thay vì đến nộp trực tiếp tại hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm.

Người tham gia bảo hiểm y tế biết cách sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử qua ứng dụng VssID - BHXH số hoặc qua thẻ căn cước công dân gắn chíp phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh. Đến tái khám tại Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 12-6 vừa qua, bà Lê Thị Hồng (66 tuổi), đến từ xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) cho hay: “Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử một vài lần sẽ quen và thấy rõ sự tiện ích. Người bệnh chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân là mọi vấn đề liên quan đều được giải quyết, không phải lo thẻ bị mờ, bị rách hoặc sai sót thông tin như trước đây”.

Chỉ cần đến bộ phận “một cửa” tại nơi cư trú, người dân Thủ đô có thể thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục liên thông lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ảnh: Trần Hưng

Chỉ cần đến bộ phận “một cửa” tại nơi cư trú, người dân Thủ đô có thể thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục liên thông lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ảnh: Trần Hưng

Càng ấn tượng hơn, khi nhiều người dân biết sử dụng thành thạo dịch vụ công trực tuyến để thực hiện cùng lúc nhiều giao dịch liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế. Dẫn chứng là, trong 5 tháng đầu năm 2024, thành phố Hà Nội có gần 123.000 trường hợp liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; gần 1.000 trường hợp liên thông đăng ký khai tử, trợ cấp mai táng phí...

“Chỉ cần đến bộ phận “một cửa” tại nơi cư trú là người dân chúng tôi được hỗ trợ làm nhiều thủ tục cùng lúc, giảm rất nhiều thủ tục phiền hà, lại tiết kiệm thời gian. Thuận tiện trăm bề”, bà Trần Thị Vân Thanh, trú tại thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) chia sẻ.

“Làm giàu” tài nguyên số, đơn giản hóa thủ tục

Để mang đến sự tiện ích, hài lòng cho người dân, doanh nghiệp tham gia, thụ hưởng chính sách an sinh, ngành BHXH Hà Nội tập trung vào hai giải pháp trọng tâm, đó là làm giàu nguồn tài nguyên số và đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính.

BHXH quận Hà Nội nâng cao chất lượng phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp đến thực hiện các giao dịch. Ảnh: Minh Vũ

BHXH quận Hà Nội nâng cao chất lượng phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp đến thực hiện các giao dịch. Ảnh: Minh Vũ

Theo đó, thời gian qua, toàn ngành tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả Đề án chuyển đổi số. Đến nay, các bên đã xác thực, đồng bộ, tích hợp thông tin của gần 7,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, góp phần tạo nguồn tài nguyên quý giá để 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn triển khai khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế điện tử.

Cũng từ kho dữ liệu liên thông trên môi trường số, ngành BHXH nói chung, BHXH thành phố Hà Nội nói riêng cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của ngành; đồng thời, cung cấp nhiều dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia...

Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, mà việc liên thông dữ liệu của ngành BHXH trên môi trường số còn giúp các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời một số hành vi lạm dụng, trục lợi các nguồn quỹ, hành vi lừa đảo người tham gia.

Về phía người dân, người lao động, khi thông tin, dữ liệu về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của họ có trên môi trường số, đồng nghĩa mỗi người trở thành “giám sát viên” theo dõi quá trình đóng, hưởng các chính sách của bản thân. Khi phát hiện những thông tin bất thường, người dân có thể chủ động liên hệ với các đơn vị liên quan để kiểm chứng thông tin.

Nhờ nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, nguồn tài nguyên số phong phú, chất lượng phục vụ của ngành ngày càng nâng lên. Những năm gần đây, chỉ số “mức độ hài lòng” của tổ chức, cá nhân đối với cơ quan BHXH trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 90%...

Về thủ tục hành chính, ngành chú trọng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục trên tất cả các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ. Các thủ tục liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều được niêm yết công khai tại trụ sở các cơ quan chức năng. Quy trình tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ và trả kết quả thực hiện theo cơ chế “một cửa” của ngành. Nhờ vậy, các thủ tục hành chính do ngành quản lý đã giảm từ 115 thủ tục vào năm 2014, xuống còn 25 thủ tục hiện nay. Thời gian thực hiện các thủ tục cũng giảm đáng kể. Đặc biệt, tất cả các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, hiện gần 100% đơn vị đã tham gia.

Ngoài những giải pháp đang thực thi, ngành BHXH từng bước ứng dụng sâu trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình thực hiện các chính sách. Điều này thiết thực góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm các nguồn quỹ an sinh được chi đúng người, đối tượng thụ hưởng, phát triển an toàn, bền vững.

(Còn nữa)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/vung-tru-cot-an-sinh-bai-2-mang-den-su-tien-ich-hai-long-669362.html