Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ phải tự tin đi lên
Ngày 27-8, tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 11).
Thủ tướng cũng đã dự hội nghị xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển".
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, 14 tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, 4 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội; đại diện nhiều tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là hội nghị "3 trong 1" nhằm triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất, văn hóa, con người trong vùng; công bố chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11; xúc tiến đầu tư cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh với diện tích hơn 95.000 km2 (chiếm 28,74% diện tích cả nước), dân số gần 13 triệu người (13% dân số cả nước), đóng góp 8,54% GDP cả nước.
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết chương trình hành động của Chính phủ đã xác định các mục tiêu, 21 chỉ tiêu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của vùng đến năm 2030. Trong đó, một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng là: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8%-9%; quy mô kinh tế vùng đến năm 2030 đạt 2,1 triệu tỉ đồng; GRDP bình quân của người dân đạt khoảng 140 triệu đồng/năm... Bên cạnh đó, hình thành 5 cực tăng trưởng trong vùng, bao gồm Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn. Phấn đấu đến năm 2045, vùng có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm địa phương phát triển khá.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những tiềm năng lớn của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Đó là tiềm năng kinh tế biên mậu, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN; giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản với gần 2,2 triệu ha đất nông nghiệp, diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước; tiềm năng du lịch đặc sắc… "Cả vùng và các địa phương trong vùng phải có sự tự tin đi lên, tự lực, tự cường phát triển" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương tích cực triển khai xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng xã hội, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên kết vùng, kết nối cảng biển, sân bay, các cửa khẩu quốc tế chính; hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng.
Thủ tướng ghi nhận kết quả thu hút đầu tư tại hội nghị. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư "đã cam kết thì phải làm bằng được", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "chân thành, trách nhiệm", nhằm đưa vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển.