Vững vàng hậu phương của người lính
Đến thăm gia đình đại tá Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Tham mưu phó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, số nhà 994, đường Điện Biên, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) chúng tôi được ông bà kể cho nghe về những khốc liệt, mất mát trong chiến tranh, nỗi nhọc nhằn, vất vả của người hậu phương... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Đến thăm gia đình đại tá Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Tham mưu phó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, số nhà 994, đường Điện Biên, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) chúng tôi được ông bà kể cho nghe về những khốc liệt, mất mát trong chiến tranh, nỗi nhọc nhằn, vất vả của người hậu phương... Năm 1971, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Văn Hạnh nhập ngũ. Tháng 6-1972, khi chiến sự tại chiến trường Quảng Trị ở vào giai đoạn khốc liệt nhất, ông được điều vào Mặt trận B5, Trung đoàn 27 Đoàn Triệu Hải. Cùng với đồng đội, ông kiên cường bám trụ chiến địa được mệnh danh là “cối xay thịt” trong suốt 3 năm. Tháng 3-1975, Trung đoàn 27 sáp nhập vào Quân đoàn 1, nhận nhiệm vụ tiến thẳng về Sài Gòn, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông Hạnh được ra Bắc về học tập tại Trường Sỹ quan Công an nhân dân vũ trang và tiếp tục tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc. Năm 1986, sau khi học lớp đào tạo ngắn hạn bảo vệ an ninh Quân đội ông được điều đi Cao Bằng xây dựng phương án bảo vệ an ninh khu vực Đồn Biên phòng Nậm Nhũng, thuộc huyện Hà Quảng. Cuối năm 1986, ông được điều về làm Trợ lý Bảo vệ an ninh, Trưởng ban hành chính rồi Phó tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh... Trong suốt thời gian binh nghiệp, việc nhà ông đều “nhờ cậy” cả vào bà Lê Thị Chính - người vợ cùng làng, cùng tuổi biết nhau từ khi tóc còn để chỏm. 17 tuổi, trước khi nhập ngũ, gia đình đã có cơi trầu dạm ngõ. Vào chiến trường Quảng Trị, nhận thức được sự khốc liệt của chiến tranh, ông Hạnh viết thư về gửi bà Chính, động viên người yêu… đi lấy chồng. Bức thư vẻn vẹn có mấy dòng. “Tôi viết, tình hình chiến trường rất ác liệt, đi chiến đấu thì không xác định ngày về. Đừng đợi. Viết xong tôi phải hành quân ngay nên cũng không biết gửi thư đi thế nào. Thấy có đoàn thanh niên xung phong làm nhiệm vụ đào đường đi qua, tôi thả thư xuống. Không ngờ, họ nhặt được gửi đi cho thật” - Ông Hạnh kể. Thư đến tay bà Chính, bà đọc xong chỉ biết lặng lẽ khóc. “Thật ra lúc ấy tôi cũng đã xác định là vợ ông ấy rồi. Dù thế nào tôi cũng sẽ chờ, nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, tôi sẽ ở vậy thờ chồng” - Bà Chính nói. Niềm vui vỡ òa khi ông Hạnh ra Bắc năm 1975, sau đó hai người chính thức lập gia đình. “Ngày đầu tiên về nhà chồng, tôi nhớ chân giường cưới của chúng tôi được kê bằng 6 hàng gạch” - Bà Chính kể. Chồng đi biền biệt, gia đình chồng nghèo lại đông anh em, bố mẹ già yếu, mọi gánh nặng dồn lên vai người vợ trẻ. Để chèo chống nhà cửa, nuôi hai em chồng ăn học, nuôi con, bà Chính “xoay” đủ nghề. Một mình nhận làm 7 sào ruộng, nuôi lợn, chạy chợ, làm hàng xáo. Vào mùa vụ, bà địu con trên lưng gánh lúa, đi cày. Năm 1983, bà một mình đem theo 2 con nhỏ về quê nội chồng ở Hưng Yên lập nghiệp, chăm lo phần hương hỏa cho dòng họ. Ngày đi làm, tối đến tranh thủ lúc con ngủ, bà thắp đèn vượt đất đắp nhà. Năm 1987, bà lại một mình lặn lội về Hà Nam xin đất làm nhà, chạy chợ, nuôi thêm lợn gà trang trải cuộc sống. Thời gian này, từ Hà Nam bà đạp xe xuống thành phố Nam Định vào chợ Rồng mua quần áo, nước mắm, mỳ chính… về bán lẻ. Đến năm 1990, ông bà chuyển hẳn về thành phố Nam Định. Ban đầu, ông được cấp 1 căn nhà cấp 4 với diện tích 14m2 nằm trong Trạm Thực phẩm tươi sống, xã Lộc Hòa để ở. Gia đình 5 người chen chúc trong căn nhà nhỏ. Để có tiền sinh hoạt, bà Chính xuống các chợ huyện mua tôm, cua, ốc về các chợ vỉa hè trên thành phố bán. Bà còn xin ruộng cấy, nhờ nhà người quen nuôi thêm con lợn, con gà. Lấy nhau vài chục năm, cho đến khi về hưu, thời gian vợ chồng ở bên nhau chưa đầy 1 năm, vì vậy việc nhà hầu như… xa lạ với ông. Bà Chính kể: “Có những năm bão lớn, gió thổi bay nóc nhà, tôi tủi thân ôm con ngồi khóc nức nở. Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ bà kêu ca, luôn động viên chồng hoàn thành nhiệm vụ, yên tâm công tác. Điều may mắn và hạnh phúc nhất của bà là ông trở về lành lặn, bình an. “Tôi vẫn nhớ rất rõ cảm xúc của mình vào những năm 1977-1978 khi hay tin đơn vị cơ động An Giang mà ông làm nhiệm vụ bị địch bao vây, mất liên lạc hoàn toàn. Đầu óc tôi như muốn nổ tung mỗi khi nghe thông tin về đơn vị của chồng. Tôi đã tính đến phương án lập ban thờ chồng. Trải qua những lần tưởng như “sinh ly tử biệt”, tôi nghĩ, mọi gian khổ, khó khăn còn lại đều không đáng kể. Quan trọng nhất vẫn là ông ấy đã về nhà” - Bà Chính nghẹn ngào.
Năm nay vợ chồng ông Hạnh cùng bước vào tuổi “thất thập”. Niềm vui hàng ngày của ông bà giờ thu gọn vào những đứa cháu ngày một khôn lớn, vài chậu lan hoa nở rung rinh 4 mùa. Những khi con cái, cháu chắt quây quần, ông bà lại kể những câu chuyện về một thời gian khó, chiến tranh khốc liệt để mọi người cảm nhận được ý nghĩa của sự no ấm, đủ đầy, hạnh phúc gia đình trong cuộc sống hôm nay./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân