Vững vàng làng nghề mộc truyền thống ở Tân Phú

Trải qua thăng trầm của thời gian, với phương châm vừa làm nghề, vừa truyền dạy nghề cho con cháu, đến nay, nghề mộc ở thôn Bàn Mạch, xã Tân Phú, huyện Vĩnh Tường không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Vừa qua, UBND tỉnh đã Quyết định công nhận danh hiệu làng nghề mộc truyền thống thôn Bàn Mạch. Đây không chỉ là sự ghi nhận, khẳng định thương hiệu sản phẩm làng nghề mà còn là “đòn bẩy” để người làm nghề đầu tư, phát triển bền vững, gìn giữ nét văn hóa của quê hương.

Phát triển nghề mộc ngay tại địa phương, gia đình ông Bùi Diễn Hậu, xã Tân Phú (Vĩnh Tường) thu lãi 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 10 lao động. Ảnh: Thế Hùng

Phát triển nghề mộc ngay tại địa phương, gia đình ông Bùi Diễn Hậu, xã Tân Phú (Vĩnh Tường) thu lãi 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 10 lao động. Ảnh: Thế Hùng

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây, cuộc sống của người dân thôn Bàn Mạch gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn do thu nhập dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.

Để cải thiện cuộc sống, từ thời xa xưa, người dân đã làm thêm một số nghề phụ có tính truyền thống và lưu truyền tới ngày nay như nghề mộc, nghề bán thuốc cam (thầy lang).

Hiện nay, thôn Bàn Mạch có 231 hộ; trong đó, 151 hộ làm nghề mộc với gần 400 lao động tham gia sản xuất, thu nhập bình quân đạt 84 triệu đồng/lao động/năm. Sản phẩm làng nghề mộc thôn Bàn Mạch rất phong phú, đa dạng như sập, tủ chè, hoành phi-câu đối, án gian, tranh gỗ, cuốn thư, giường, tủ, cửa, bàn ghế...

Là một trong những hộ duy trì và phát triển nghề mộc lâu năm tại thôn Bàn Mạch, ông Bùi Diễn Hậu cho biết: Cũng như những làng nghề truyền thống khác, nghề mộc thôn Bàn Mạch được duy trì và phát triển theo hình thức cha truyền con nối.

Những năm 1945 trở về trước, trong làng có khoảng 10 hộ với 15 lao động làm nghề mộc tại địa phương như đục chạm trổ, đóng tủ chè, án gian, trường quấn, giường, bàn ghế, còn lại người dân chủ yếu đi làm nghề mộc thuê tại các địa phương khác trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Từ năm 1990 đến nay, điều kiện KT- XH phát triển, nhu cầu sử dụng đồ gỗ tăng cao, người dân thôn Bàn Mạch đã đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm; từ đó tạo nên nét đặc trưng riêng của làng nghề, thu hút nhiều khách hàng đến đặt mua.

Với 350 m2 nhà xưởng chuyên sản xuất, lắp ráp đồ gỗ nội thất, hiện nay, gia đình ông Hậu đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 10 lao động, thu lãi gần 300 triệu đồng/năm.

Xác định phát triển làng nghề là mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế của thôn Bàn Mạch, thời gian qua, xã Tân Phú thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho hộ làm nghề.

Đồng thời, tạo mọi điều kiện về đất đai, thủ tục vay vốn để các hộ đầu tư máy móc, ứng dụng KHCN, mở rộng quy mô sản xuất.

Những năm gần đây, một số hộ đã được đi thi tay nghề giỏi và đạt giải trong các cuộc thi trên địa bàn tỉnh như anh Đỗ Quang Thuyết đạt giải khuyến khích nghề mộc mỹ nghệ năm 2013, anh Bùi Diễn Hà đạt giải Ba nghề mộc mỹ thuật năm 2019.

Năm 2020, doanh thu từ nghề mộc, chế biến gỗ trên địa bàn xã đạt 34 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế từ làng nghề đã và đang góp phần đổi thay trên vùng quê Tân Phú, tiến tới xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương.

Đặc biệt, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Vĩnh Phúc” đối với làng nghề mộc thôn Bàn Mạch.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Phạm Minh Chính cho biết: Việc công nhận làng nghề truyền thống không chỉ ghi nhận những đóng góp, khẳng định thương hiệu, giá trị sản phẩm làng nghề mà còn là cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, là động lực thúc đẩy người làm nghề đầu tư, phát triển bền vững, đặc biệt lưu giữ bản sắc văn hóa của địa phương.

Trước cơ chế thị trường, sự phát triển đa dạng hóa của các sản phẩm, ngành nghề, thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo điều kiện tối đa để các hộ làm nghề nâng cao chất lượng sản phẩm, kết hợp chặt chẽ giữa cổ truyền và công nghệ tiên tiến để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, có sức cạnh tranh cao góp phần nâng cao thu nhập, phát triển KT- XH của địa phương.

Bên cạnh đó, mong muốn các cấp, các ngành chức năng sớm quy hoạch khu sản xuất tập trung góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72161/vung-vang-lang-nghe-moc-truyen-thong-o-tan-phu.html