'Vùng xám' sau khi Phần Lan khởi động gia nhập NATO là gì?
Phần Lan và Thụy Điển có thể đối mặt với các rủi ro trong giai đoạn 'vùng xám' - tính từ lúc nộp đơn xin gia nhập NATO đến thời điểm chính thức tham gia.
Hôm 15/5, tổng thống và thủ tướng Phần Lan chính thức tuyên bố sẽ nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gọi đây là quyết định mang tính lịch sử. Cùng ngày, đảng cầm quyền Thụy Điển tuyên bố ủng hộ chính phủ nước này có động thái tương tự.
Gia nhập NATO đồng nghĩa Thụy Điển và Phần Lan sẽ được bảo vệ bởi cam kết phòng thủ tập thể theo điều 5 của NATO.
Tuy nhiên, điều khiến hai nước lo ngại là giai đoạn trước khi họ trở thành thành viên chính thức của NATO, hay còn gọi là "vùng xám", đặc biệt là khi Nga từng nhiều lần cảnh báo về “những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng” nếu hai quốc gia Bắc Âu xin gia nhập NATO.
Trước những lo lắng đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm 14/5 cho biết các bộ trưởng thành viên NATO thống nhất không nên có “vùng xám” giữa khoảng thời gian Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn và chính thức tham gia, Reuters đưa tin.
Vùng xám là gì?
Bà Baerbock nhắc đến khái niệm này trong một tuyên bố về khả năng phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển, nếu hai nước này quyết định xin gia nhập NATO. "Chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh cho họ. Không thể có một giai đoạn chuyển tiếp, một vùng xám, khi mà tình trạng của họ không rõ ràng", bà nói.
Vùng xám mà bà Baerbock đang đề cập là thời gian phê chuẩn tư cách thành viên NATO, từ khi các nước nộp đơn đến thời điểm chính thức gia nhập.
Giai đoạn này thông thường có thể kéo dài tới một năm.
Trong khoảng thời gian đó, Phần Lan và Thụy Điển sẽ không có đảm bảo an ninh theo điều 5 của hiệp ước, đảm bảo rằng một cuộc tấn công vào một thành viên NATO là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.
Trước đó, trong bài phỏng vấn với Foreign Policy, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto khẳng định nước này phải sẵn sàng đối mặt với “vùng xám”.
“Trên thực tế, vùng xám sẽ tồn tại cho đến khi quốc gia thành viên NATO cuối cùng chấp thuận Phần Lan là thành viên. Chúng tôi cần quyết định phê chuẩn thỏa thuận thành viên của 30 quốc gia”, ông Haavisto cho biết.
Phần Lan và Thụy Điển làm gì khi chờ được kết nạp vào NATO?
“Trong khoảng thời gian đó, tất nhiên chúng tôi nhất định phải tiếp tục bảo vệ tổ quốc và duy trì lực lượng của mình”, ngoại trưởng Phần Lan cho biết.
Cùng với nước láng giềng Thụy Điển, Phần Lan đã nhận được sự đảm bảo công khai từ Tổng thư ký Jens Stoltenberg rằng cánh cửa liên minh vẫn rộng mở, cũng như sự ủng hộ của nhiều thành viên bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Phần Lan luôn cố gắng tránh xa vùng xám", cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb khẳng định. Tuy nhiên, ông tin rằng Phần Lan có khả năng chống chọi với các thách thức quân sự trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, ông Henri Vanhanen, cố vấn chính sách đối ngoại của đảng Liên minh quốc gia Phần Lan cho biết: “Giai đoạn trước khi chúng tôi trở thành thành viên chính thức của NATO, điều 5 không được áp dụng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể cải thiện an ninh khu vực theo những cách khác".
"Có thể có các tuyên bố chính trị, trao đổi thông tin, tăng cường hợp tác quốc phòng qua các cuộc tập trận ở Biển Baltic chẳng hạn”, ông nói.
Trong giai đoạn "vùng xám", Phần Lan và Thụy Điển cũng chuẩn bị để đối phó với các cuộc tấn công trên không gian mạng, theo Financial Times.
NATO sẽ làm gì trong quá trình xét duyệt?
Phó tổng thư ký NATO Mircea Geoana hôm 15/5 cho biết liên minh quân sự có thể nhanh chóng kết nạp Thụy Điển và Phần Lan.
Cuối tuần qua, các ngoại trưởng từ 30 quốc gia thành viên NATO đã tổ chức hai ngày đàm phán tại Berlin, tập trung vào đơn đăng ký tư cách thành viên của hai quốc gia Bắc Âu.
Các đồng minh cũng đã thảo luận về vấn đề đảm bảo an ninh tạm thời cho Thụy Điển và Phần Lan, khi họ dự kiến đối mặt với sự trả đũa từ Moscow.
Nhằm trấn an Phần Lan và Thụy Điển về giai đoạn chuyển tiếp nhạy cảm, NATO và Mỹ đã thể hiện cam kết đảm bảo an ninh cho hai nước.
Hôm 15/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sẽ xem xét việc cung cấp các đảm bảo an ninh cho Phần Lan và Thụy Điển trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ khi họ nộp đơn xin gia nhập.
"Phần Lan và Thụy Điển lo ngại về giai đoạn chuyển tiếp, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh quá trình đó", tổng thư ký NATO nói. "Chúng tôi sẽ xem xét các cách để đảm bảo an ninh, bao gồm cả việc tăng cường sự hiện diện của NATO trong khu vực", ông nói thêm.
Trước đó, vào ngày 5/5, Nhà Trắng tuyên bố có thể giải quyết mọi mối quan ngại về an ninh cho Thụy Điển và Phần Lan nếu hai nước này nộp đơn gia nhập NATO.
"Chúng tôi tự tin có thể tìm ra cách giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào của hai quốc gia trong khoảng thời gian từ lúc nộp đơn vào NATO đến khi chính thức trở thành thành viên của liên minh”, phát ngôn viên của Nhà Trắng Jen Psaki nói trong một cuộc họp báo.
Bên cạnh đó, Đức hôm 15/5 cũng tuyên bố sẽ đảm bảo an ninh cho Thụy Điển và Phần Lan trong quá trình họ chờ gia nhập NATO.