'Vùng xanh' Sông Hinh
Cả hệ thống chính trị huyện Sông Hinh vào cuộc, quan tâm đến tuyến đầu và người dân ở khu cách ly y tế cộng đồng, khu phong tỏa giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ảnh: NHẬT HUY
Huyện Sông Hinh là nơi có nhiều đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống, chiếm 48% dân số ở địa phương này. Khi dịch COVID-19 xuất hiện ở buôn làng, nhiều người lo ngại bởi tập quán quần cư cùng điều kiện sinh sống của người Ê Đê sẽ khiến việc truy vết, quản lý gặp khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay địa phương này đã là “vùng xanh” của tỉnh.
Theo chân ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Trol, chúng tôi đi thăm buôn Ly, buôn Bầu. Đây là nơi xuất hiện các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên trên địa bàn. Điều dễ dàng nhận thấy hiện nay là buôn làng đã bình yên trở lại và ý thức chấp hành các biện pháp chống dịch của người dân rất tốt.
Nỗ lực ở Ea Trol
Rời Ea Trol trên tuyến đường bê tông với những ngôi nhà sàn san sát nhau, chúng tôi bất chợt nhìn thấy hình ảnh Ma Khương (buôn Ly) đang hướng dẫn đứa con gái 4 tuổi đeo khẩu trang trước khi ra đường nô đùa với đám bạn. Chúng tôi hiểu rằng, Ea Trol đã thay đổi và đồng bào dân tộc Ê Đê đã ý thức được các biện pháp phòng chống dịch…
Xã Ea Trol từng được xem là tâm dịch COVID-19, nhưng nhiều ngày qua, nơi này không xuất hiện thêm ca nhiễm mới. Ea Trol có 1.100 hộ với khoảng 4.300 khẩu, 95% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Có những hộ nhiều thế hệ cùng sống trong nhà sàn không có vách ngăn giữa các phòng; dùng chung các vật dụng sinh hoạt hàng ngày... Đời sống của họ gắn liền với ruộng rẫy, con bò, con gà và theo phong tục, mỗi khi có đám cúng truyền thống thì đồng bào tập trung rất đông người. Đó là điều lo ngại của những người làm công tác quản lý tại Ea Trol, khi dịch COVID-19 xâm nhập xã này.
Ngày 30/6, Ea Trol xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên của xã và cũng là đầu tiên trên địa bàn Sông Hinh. Đó là trường hợp bà H.T.Q (buôn Ly). Những ngày sau, các ca nhiễm liên tục tăng cao và đỉnh điểm lên đến 22 ca tại buôn Ly và buôn Bầu. Theo Chủ tịch UBND xã Ea Trol Nguyễn Văn Tấn, khi đó, địa phương tức tốc thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 và phong tỏa toàn bộ các hộ dân ở hai buôn với 1.500 nhân khẩu. “Không chần chừ, chúng tôi xác định những việc cần làm lúc ấy là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đảm bảo an sinh cho người dân. Theo đó, cơ quan chức năng đến từng nhà, từng đám rẫy để giải thích cho đồng bào hiểu được sự nguy hiểm của COVID-19 và giúp họ tuân thủ các biện pháp 5k”, ông Tấn cho biết.
Cuộc sống của người Ê Đê gắn liền với con bò, ruộng rẫy. Nếu buộc họ phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, các cơ quan chức năng phải giải được bài toán: đảm bảo lương thực tại chỗ, hơn 1.500 con bò được chăm sóc, ruộng rẫy có người chăm nom. Và với nỗ lực không biết mệt mỏi, những cách làm hay dựa trên điều kiện thực tế đã được áp dụng thành công, khi cơ quan chức năng huy động từ nguồn xã hội hóa hơn 1.000 cuộn rơm; lực lượng tại chỗ cũng đảm bảo ổn định việc làm nông nghiệp cho các hộ có người nhiễm COVID-19 hoặc hộ thuộc diện phải cách ly.
Những ngày dịch bùng phát mạnh, 32 công chức, viên chức cùng với lực lượng chức năng đã bám trụ 24/24 tại UBND xã Ea Trol để thực hiện các kế hoạch đề ra trên tinh thần đoàn kết, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều thời điểm, số người tuyến đầu thuộc diện nghi nhiễm cao bắt buộc phải cách ly theo quy định, lực lượng chỉ còn 15 người. Nhưng ai cũng tự nhủ phải hoàn thành nhiệm vụ để sớm đưa cuộc sống bình an trở lại với buôn làng.
“Sự quan tâm động viên của các cấp lãnh đạo đã trấn an chúng tôi vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi. Khi tinh thần ổn định, chúng tôi làm tất cả mọi thứ, không ngại khó khăn”, chị Nguyễn Thị Diệu Linh, kế toán UBND xã Ea Trol tâm sự.
Đồng lòng cùng tuyến đầu
Từ ngày xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại xã Ea Trol đến nay, Sông Hinh đã khống chế thành công dịch bệnh, các ca nhiễm ngoài cộng đồng dừng ở con số 29. Số còn lại (6 ca) là các trường hợp lao động từ các tỉnh phía Nam về quê theo kế hoạch đón công dân của UBND tỉnh. Đây là nỗ lực lớn của hệ thống chính quyền, lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 của huyện. Một trong những yếu tố quan trọng giúp cho địa phương này thành công là ý thức và sự đồng lòng của người dân.
Tại bếp ăn xã Ea Trol, nơi được xem là nguồn sống của những người cách ly cộng đồng và lực lượng tuyến đầu trong những ngày đỉnh điểm dịch COVID-19, chúng tôi nhận thấy danh sách hàng loạt những nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm. Tại bếp ăn của xã Ea Bar, người dân đến tận nơi để gửi con cá, quả bí, con gà, con heo. Trong khi đó, tại bếp ăn của xã Ea Ly, nông dân chở từng bao gạo vừa mới xay đến hỗ trợ… “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, câu nói ấy của Bác lan tỏa mạnh mẽ ở huyện miền núi Sông Hinh.
“Nguồn lực do người dân hỗ trợ xuất phát từ tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết được xem là truyền thống của người Việt Nam. Việc xã Ea Bar đến nay chưa xuất hiện ca nhiễm cộng đồng nào, vai trò của người dân là rất lớn. Họ không những tuân thủ các biện pháp chúng tôi đề ra, mà còn tự giác đưa người thân của mình vào khu vực cách ly theo đúng quy định; họ cũng là người báo cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm về phòng chống dịch COVID-19”, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch xã Ea Bar cho biết.
Gia đình ông Đoàn Ngọc Ánh (buôn Trinh, xã Ea Bar) là một trong những hộ được biểu dương về ý thức chấp hành các biện pháp phòng, chống COVID-19. Khi cả xã đang gồng mình chống dịch, ông đã báo chính quyền và trực tiếp đưa con trai là Đoàn Trường Sinh (làm việc tại tỉnh Đồng Nai) đến khu cách ly của xã thực hiện các biện pháp phòng dịch. “Tôi hiểu được sự khó khăn của địa phương và sự phức tạp của dịch bệnh. Khi cháu về nhà dù có thể tự cách ly tại phòng, nhưng gia đình nhất quyết đưa cháu vào khu cách ly tập trung theo đúng quy định. Đó là việc làm cần thiết”, ông Ánh chia sẻ.
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, huyện đang tăng cường lấy mẫu xét nghiệm ở các điểm tập trung đông người, các đối tượng dễ lây nhiễm để sàng lọc; đồng thời phối hợp thực hiện tốt việc tiêm vắc xin. Hiện số người được tiêm vắc xin ở Sông Hinh đã gần 9.000. “Điều làm chúng tôi vui mừng là sự đồng lòng của người dân, qua đó góp công lớn trong việc đảm bảo hoạt động của khu cách ly y tế cộng đồng, giảm trường hợp nhiễm chéo, bùng phát dịch COVID-19 trên địa bàn huyện”, ông Dạn nói.
Đồng chí Bùi Thanh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Tôi đánh giá cao công tác tuyên truyền của Sông Hinh
Sông Hinh là địa bàn rất đặc thù, có nhiều đồng bào dân tộc anh em sinh sống. Ngoài các hình thức tuyên truyền thông qua báo, đài truyền hình, hệ thống phát thanh các cấp, tuyên truyền qua mạng xã hội, cán bộ cơ sở ở Sông Hinh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngại khó khăn, gian khổ, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đến từng hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con phòng, chống dịch. Những cách làm hiệu quả này đã nhanh chóng giúp người dân ở các buôn làng hiểu và thực hiện, hạn chế được tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, để đến thời điểm này, Sông Hinh là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/263241/-vung-xanh--song-hinh.html