Vườn dâu tằm trên đất Tân Trụ
Sau 20 năm gắn bó với công việc văn phòng, chị Dương Thị Yến Ngọc (SN 1978, ngụ ấp 3, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) quyết định dừng lại để theo đuổi ước mơ trồng dâu tằm trên chính mảnh đất quê hương.
Dâu tằm là loại cây quen thuộc, được biết đến với nhiều công dụng như làm đẹp da, chế biến thành thực phẩm, nước uống có lợi cho hệ tiêu hóa, chữa chứng mất ngủ, đau nhức xương khớp. Nhận thấy việc kinh doanh cây dâu tằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực, có thể ổn định thu nhập cho gia đình, tháng 5/2021, chị Ngọc bắt đầu canh tác 7.000m2 đất, trong đó có 3.000m2 thuê và nhân giống các gốc cây dâu tằm.
Từ số vốn ban đầu hơn 300 triệu đồng, hiện khu vườn của chị có khoảng 200 gốc dâu tằm. Đây là mô hình trồng dâu tằm đầu tiên ở huyện Tân Trụ. Sau 6 tháng chăm sóc, giờ đây, vườn dâu tằm của chị Ngọc cho năng suất cao với 3 vụ thu hoạch mỗi năm. Trung bình mỗi vụ, chị thu hoạch 300-400kg dâu, bán giá 45.000 đồng/kg.
“Trồng dâu tằm không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần tưới nước và bón phân đều đặn. Mỗi kilôgam dâu tằm, tôi tốn 10.000-12.000 đồng tiền công hái trái, còn công dọn vườn khoảng 30.000 đồng/giờ. Tôi có 3 nhân công hái dâu tằm thường xuyên nhưng vào cao điểm thu hoạch sẽ thuê khoảng 3 người nữa để kịp tiến độ” - chị Ngọc chia sẻ.
Mỗi ngày, từ 6 đến 17 giờ, chị Ngọc sẽ đến thăm vườn, tưới nước, bón phân, tỉa cành cho cây. Chị cũng thường xuyên kiểm tra các cây dâu tằm để kịp thời xử lý nếu bị nhiễm bệnh, tránh lây cho nhiều cây khác. Khoảng thời gian đầu khởi nghiệp, chị không khỏi bỡ ngỡ và gặp khó khăn trong tìm kiếm đầu ra cho dâu tằm.
Nhờ nỗ lực, tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người, vườn dâu tằm cho nhiều trái to, mọng nước, màu sắc đẹp mắt, chua ngọt vừa phải. Chị cũng áp dụng kỹ thuật xử lý cho rụng lá già để cây đậu trái nhiều và tạo tán. Để thuận tiện trong việc chăm sóc cây, trong vườn, chị tạo 5 rãnh chứa nước, trồng thêm lục bình để làm phân bón. Chị còn ứng dụng công nghệ cao khi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm.
Bên cạnh dâu tằm, chị Ngọc còn trồng thêm 70 cây táo Thái. Táo sau 6 tháng trồng đã cho trái, mang lại một khoản thu nhập nhỏ cho gia đình. Chị Ngọc tâm sự: “Trước đây, làm việc ở cơ quan, tôi thường xuyên bận rộn, ít có thời gian dành cho gia đình. Giờ trồng dâu tằm, tôi có thể tự do sắp xếp công việc, vừa làm, vừa chăm sóc các con và cha mẹ”.
Không dừng lại ở mô hình hiện tại, chị Ngọc còn ấp ủ nhiều dự định cho tương lai. Chị dự kiến trong năm 2024 sẽ đầu tư nhà lưới để sản xuất nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vuon-dau-tam-tren-dat-tan-tru-a176383.html