Vườn đỏ mất mùa vì nắng hạn

Khách du lịch đến tham quan vườn đỏ xã Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa) nhưng thất vọng vì cây không có trái. Ảnh: HOÀI NAM

Nhiều năm qua, xã Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa) nổi tiếng với cây đỏ (còn có tên gọi khác là cây chua). Mùa hè trái đỏ chín, trái sai vắt cục ôm từ quanh gốc lên bó hết thân và còn đeo ra cành nhánh. Nhiều người ở xa đổ xô về vườn đỏ ngắm trái. Thế nhưng năm nay nắng hạn làm đỏ mất mùa.

Vườn đỏ thất thu

Xã Sơn Xuân hiện có 12 vườn đỏ (cây cao khoảng 5-7m), có cây gần 40 năm tuổi. Cây đỏ ra hoa từ trên ngọn trước rồi xuống dưới gốc, nên khi trái đỏ chín thì hái trên ngọn ăn ngọt hơn ở dưới gốc. Cây đỏ ra hoa tháng Chạp, bước qua tháng 2, tháng 3, các chùm trái nhỏ đơm lên màu xám, rồi lớn dần. Càng lớn càng đỏ, đến tháng 7, tháng 8 (âm lịch) mới chín đỏ rực. Cây đỏ trái sai vắt cục ôm từ quanh gốc lên bó hết thân và còn đeo ra cành nhánh, thế nhưng năm nay cây đỏ không ra trái.

Ông Võ Điền Phương, chủ vườn đỏ Bốn Phương cho hay: Tôi sống ở đây hơn 40 năm, vườn đỏ nhà tôi trồng 11 năm ra trái liên tục. Nhưng năm nay do nắng hạn gay gắt, 7 tháng không mưa nên cây đỏ không ra trái. Không chỉ vườn đỏ nhà tôi mà hầu hết các vườn đỏ lân cận từ cây nhỏ đến cây lớn đều “điếc”.

Năm qua, tại vườn đỏ Bốn Phương, mãn mùa ông Phương hái trái bán, có cây 200kg, cây ít nhất cũng 50kg, vườn đỏ 10 cây của ông bình quân thu 1 tấn trái. Riêng năm nay mót không được 10 trái. “Năm rồi trái đỏ sai, nhiều hộ dân ở đây hái làm rượu đỏ bán dịp Tết Nguyên đán nhưng không đủ rượu để bán. Đầu năm, tâm lý uống rượu đỏ cho nó hên, đem lại may mắn nên nhiều người mua”, ông Phương nói.

Theo bà Bùi Thị Năm, chủ vườn đỏ Bà Năm, đỏ là loại cây rừng, phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên nên có người đầu tư bón phân, phun thuốc, tưới nước nhưng cũng không ra trái. “Nắng hạn, mỗi ngày tôi tưới 2m3 nước cho một cây, thế nhưng cây đỏ không chịu ra trái. Có người bày tác động thuốc vào nhưng làm vậy sợ sau này cây mất sức”, bà Năm cho biết.

Theo nhiều người ở xã Sơn Xuân, cây đỏ có cây đực và cây cái. Để biết được cây đực và cây cái thì phải trồng tầm 6, 7 năm đến khi cây ra hoa mới phân biệt được. Theo đó, cây cái có hoa cho trái, còn cây đực thì không ra hoa.

Giữ mùa du lịch… đỏ

Bà Trần Thị Hiền ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Năm ngoái, tôi thấy nhiều người lên vườn đỏ chụp hình cho con phây (facebook) “ăn”. Năm nay tôi lên đây không thấy trái đỏ nên gia đình ăn món gà kho mắm thơm đặc sản vùng này rồi về.

Đỏ mất mùa, khách đến tham quan vườn đỏ không trái được chủ vườn giới thiệu mua cây đỏ giống về trồng. Ông Trần Văn Hòa ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cho biết: Tôi tranh thủ lên vườn đỏ ngắm trái, nhưng vườn đỏ không có trái. Dạo quanh một vòng, chủ vườn giới thiệu cây đỏ giống bán với giá 100.000 đồng/3 cây, tôi mua đem về trồng thử xem đất dưới quê “chịu” loại cây này không.

Ông Hà Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Xuân cho biết: Cây đỏ là “đặc sản quê hương” vì chỉ có vùng này mới có. Trong 2 năm (2017, 2018), khách du lịch đến tham quan vườn đỏ rất đông, có lúc kẹt đường. Còn năm 2019, đỏ mất mùa, chỉ còn vài vườn có một số cây đỏ ra trái nhưng ít. Do đó, nhiều hộ tập trung chăm sóc, bón phân, tưới nước, phun thuốc nhưng cây đỏ vẫn không đậu trái.

Cũng theo ông Tâm, để giữ mùa du lịch… đỏ, thời gian tới, địa phương vận động các gia đình thu tiền vào vườn tham quan, thu tiền giữ xe, bán các món ăn đặc sản quê hương như: gà thả vườn kho mắm thơm, canh chua lá dít… với giá cả vừa phải.

Không tổ chức “cò” đỏ, lôi kéo khách tham quan làm mất an ninh trật tự và mất đoàn kết giữa các hộ du lịch đỏ, đồng thời gây phản cảm với khách du lịch. “Địa phương kiến nghị với cấp trên có hướng dẫn, giúp đỡ, định hướng các hộ dân phát triển du lịch vườn đỏ, bởi các hộ tổ chức du lịch vườn đỏ chủ yếu mang tính tự phát”, ông Tâm nói.

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/226816/vuon-do-mat-mua-vi-nang-han.html