Vườn hoa Lý Thái Tổ: Không gian sáng tạo mang đậm dấu ấn Thăng Long - Hà Nội
Ai đã đến Hà Nội đều mong được dạo bước quanh hồ Hoàn Kiếm - trung tâm của Thủ đô, không gian kiến trúc cảnh quan huyền thoại và thấm đậm dấu ấn từ lịch sử phát triển Thăng Long - Hà Nội. Ở đây có vườn hoa Lý Thái Tổ, không gian công cộng, điểm nhấn thu hút mọi lứa tuổi, nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Những lần đổi tên, cải tạo
Vườn hoa Lý Thái Tổ có vị trí sát hồ Hoàn Kiếm nằm giữa các phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Ngô Quyền với diện tích 12.153,5m2. Xưa kia là phần đất của chùa Phổ Giác (có người giải thích là nơi phổ cập, giác ngộ Phật pháp cho các phật tử). Bản đồ Hà Nội năm 1873 còn thể hiện rõ mặt bằng chùa và cả khu vực cây xanh ở phía Đông Tả vọng hồ - hồ Hoàn Kiếm ngày nay. Người Pháp khi đánh chiếm thành Hà Nội và được triều Nguyễn (1874) giao cho khu nhượng địa đã có kế hoạch tiến hành cải tạo. Từ năm 1886, sau khi Paul Bert sang nhậm chức Tổng trú sứ đã cùng với chính quyền Hà Nội lúc đó thực hiện chương trình đô thị tại khu vực Đông và Nam hồ Hoàn Kiếm thành khu phố Âu kiểu mẫu đầu tiên. Khi đó đã di dời chùa Phổ Giác về khu vực cuối phố Ngô Sĩ Liên ngày nay để xây dựng Quảng trường (vườn hoa) làm trung tâm và xây dựng xung quanh là tòa đốc lý (vị trí trụ sở UBND TP ngày nay), kho bạc (Ngân hàng Công Thương), Dinh Thống sứ (nay là Nhà khách Chính phủ) và Bưu điện.Trong vườn hoa có cây xanh được nhập ngoại đã thuần hóa, cây cảnh và tượng đài (lúc đầu là tượng thần tự do, đến năm 1889 thay bằng tượng Paul Bert, năm 1945 thị trưởng Trần Văn Lai đã hạ bỏ) và tòa nhà bát giác xây dựng năm 1901 (còn gọi là nhà kèn) làm chỗ để đội kèn nhà binh Pháp biểu diễn. Vườn hoa được đổi tên nhiều lần, lúc đầu mang tên Paul Bert, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là vườn hoa Chí Linh. Từ năm 1984 mang tên Indira Gandhi (cố Thủ tướng Ấn Độ). Đến năm 2004, khi cải tạo chỉnh trang, có tượng Lý Thái Tổ được gọi là vườn hoa Lý Thái Tổ.Việc cải tạo lại vườn hoa, xây dựng tượng đài Lý Thái Tổ để có diện mạo như ngày nay là cả quá trình minh chứng cho sự quan tâm, sáng tạo của Nhân dân và chính quyền Thủ đô. Ngay từ việc xây dựng tượng đài Lý Thái Tổ đã được thực hiện bài bản, công phu. Nhiều hội thảo khoa học đã đề cập Hà Nội cần có tượng đài Lý Thái Tổ, riêng về vị trí xây dựng có nhiều ý kiến khác nhau. Phải đến tháng 10/2001, Hội đồng tượng đài TP qua phân tích thấu đáo đã thống nhất vị trí hợp lý nhất là ở khu vực vườn hoa Chí Linh với cải tạo đồng bộ cả khu vực. Qua phân tích các yếu tố tác động, ý nghĩa văn hóa, tính thực tiễn đến tháng 6/2002, UBND TP đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ đầu tư xác định rõ yêu cầu về tượng đài, phù điêu, sân hành lễ, sân dạo, cây cảnh... Tháng 12/2002, TP đã tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài Lý Thái Tổ. Qua vòng 1 tiếp nhận được 29 mẫu của trường Đại học Mỹ thuật và các nhà điêu khắc và chọn 6 mẫu vào vòng 2, để Hội đồng tượng đài xét chọn và lấy ý kiến của Nhân dân. Qua nhiều hội thảo, ý kiến Nhân dân đã thống nhất chọn mẫu của tác giả Vi Thị Hoa. TP đã xây dựng mẫu tượng đài dẹt tại vườn hoa Chí Linh cũ đề lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện tổng thể.Quyết sách sáng tạo, tôn trọng di sảnCùng với nghiên cứu tượng đài, từ năm 2002, TP đã tổ chức nghiên cứu về quy hoạch tổng mặt bằng. Đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu kiến trúc, chủ trì là TS.KTS Cao Việt Dũng. Điểm đặc biệt của Đồ án quy hoạch chi tiết là được nghiên cứu phối hợp với nghiên cứu tượng đài, từ hình tượng và vị trí cũng như đề xuất các chi tiết kiến trúc, vị trí cây xanh, công trình cần bảo tồn. Qua ý kiến chuyên gia và một số hội thảo, các sở, ngành có chức năng phải đến tháng 5/2004, mới thống nhất được vị trí tượng đài (đặt trên nóc hầm). Về kích thước tượng đài cao 10,35m (bục cao 1,35 m), đài 3m, tượng cao 6m và được đúc đồng. Việc đặt tượng trên nóc hầm (nửa nổi nửa chìm) có từ năm 1945 do người Nhật xây dựng để tránh bom của đồng minh và từ năm 1964 là hầm chỉ huy kết nối với trụ sở UBND TP để chống chiến tranh phá hoại) đồng thời giữ nguyên nhà kèn là quyết sách sáng tạo tôn trọng di sản, dấu ấn của mỗi thời kỳ, gắn kết với hiện tại. Trong quy hoạch đã nghiên cứu bài bản từ các góc nhìn để có đề xuất về điều chỉnh và bổ sung cây xanh, vị trí phù điêu, tổ chức không gian sân hành lễ, lối đi cho người khuyết tật, chi tiết lan can, trụ đá…Sau khi được Thành ủy chấp thuận, UBND TP phê duyệt, dự án đã được triển khai quyết liệt, khẩn trương. Ngày 7/10/2004, UBND TP đã tổ chức trọng thể lễ cắt băng khánh thành công trình để chàọ mừng 995 năm Thăng Long – Hà Nội. Kể từ đó, vườn hoa Lý Thái Tổ đã trở thành nơi tổ chức nhiều sự kiện của TP và là điểm đến hấp dẫn hàng ngày cho mọi lứa tuổi của người dân Thủ đô, Nhân dân trong nước và bạn bè nước ngoài. Không gian công cộng này hấp dẫn không chỉ về giá trị văn hóa lịch sử mà còn minh chứng kết quả sáng tạo, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị, phát huy nguồn lực tri thức, vai trò trách nhiệm của người dân và sự chỉ đạo quyết tâm của lãnh đạo TP.