Vươn khơi làm giàu, khẳng định chủ quyền biển đảo từ vốn chính sách
Những đồng vốn chính sách đã theo những chuyến tàu ra khơi, không chỉ mang cơ hội khai thác tiềm năng lớn hơn từ biển cả, mà giúp mở ra một chân trời mới với ngư dân nơi hòn đảo tiền tiêu Cồn Cỏ. Từ niềm tự hào vươn khơi bám biển, họ, cũng đang cùng đồng vốn chính sách của mình, tiếp nối truyền thống giữ gìn biển đảo, khẳng định chủ quyền tổ quốc của cha ông.
Gieo vốn xanh trên đảo ngọc Cồn Cỏ
Nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, Cồn Cỏ không chỉ là đảo tiền tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung, có giá trị về địa chất cùng hệ sinh thái và cảnh quan đa dạng, có tiềm năng du lịch hết sức phong phú. Theo báo cáo của lãnh đạo địa phương, huyện đảo Cồn Cỏ cách đất liền từ 13-17 hải lý; diện tích tự nhiên hiện nay là 230 ha, trong đó trên 60% diện tích là rừng tự nhiên. Đảo Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng trong quốc phòng, an ninh; là cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ, có điểm để xác định đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ hàng không, hàng hải quốc tế. Vì vậy đảo có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

NHCSXH “đánh đấu” chủ quyền gieo vốn chính sách trên đảo Cồn Cỏ.
Vào cuối năm 2002, đã có hơn 40 thanh niên xung phong tình nguyện ra lập nghiệp xây dựng Cồn Cỏ thành “Đảo Thanh niên”, đánh dấu bước khởi đầu của quá trình dân sự hóa đảo Cồn Cỏ. Ngày 1/10/2004, Chính phủ ban hành Nghị định 174/2004/NĐ-CP thành lập huyện đảo Cồn Cỏ. Từ đây, đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Quảng Trị và là huyện đảo thứ 12 trên cả nước được thành lập. Huyện đảo đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch “Vững về kinh tế - Đẹp về văn hóa - Mạnh về quốc phòng - an ninh”.
Để tạo điều kiện cho các hộ dân sinh sống trên huyện đảo tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ngày 6/8/2015, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã phối hợp với chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Trị tổ chức khai trương điểm giao dịch xã và phối hợp với Đoàn thanh niên huyện là đơn vị nhận ủy thác đã giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với 9 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Đảo với số tiền 430 triệu đồng. Từ năm 2015 đến nay, đã có 30 lượt khách hàng thuộc huyện Đảo vay vốn tín dụng chính sách xã hội với số tiền 2.170 triệu đồng, cụ thể: 16 khách hàng vay vốn chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 1.400 triệu đồng; 11 lượt khách hàng là Hộ nghèo vay vốn với số tiền 590 triệu đồng; 2 lượt khách hàng là Hộ cận nghèo vay vốn với số tiền 100 triệu đồng; 1 lượt khách hàng là Hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền 80 triệu đồng. Đến nay, còn 11 khách hàng còn dư nợ với số tiền 1.144 triệu đồng.
“Trong thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại địa phương đã góp phần quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng bộ đã đề ra, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới và đặc biệt đã góp phần giúp Cồn Cỏ hôm nay “thay da, đổi thịt” với những kết quả đáng khích lệ, kinh tế chuyển biến rõ nét, nhất là lĩnh vực dịch vụ du lịch”, anh Hoàng Đình Mẫn – Trưởng phòng Kế hoạch của NHCSXH tỉnh Quảng Trị chia sẻ.
Tự hào vươn khơi, khẳng định chủ quyền biển đảo tổ quốc
Sinh năm 1991, anh Lê Văn Tuấn, quê ở Vịnh Mốc, Vĩnh Linh, Quảng Trị đã cùng vợ con ra Đảo Cồn Cỏ sinh sống 8 năm. Trước khi ra Cồn Cỏ, vợ chồng Tuấn làm nghề tự do, thi thoảng theo anh em bạn bè đi biển tiếp nối nghề truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, do đặc điểm địa phương, nên trước đến giờ, việc đánh bắt của người dân trong thôn vẫn chủ yếu là đánh bắt gần bờ. Khi ra Cồn Cỏ, đối với Tuấn là một chân trời mở rộng. Thay vì đánh bắt gần bờ, anh được đánh bắt giữa lòng đại dương mênh mông.


Những chuyến tàu vươn khơi làm giàu, khẳng định chủ quyền biển đảo.
Song, do vốn ít, anh đã không thể có những chuyến đi hiệu quả, vì thế, đã quyết định vay vốn từ NHCSXH 100 triệu đồng để mua ngư cụ, sửa chữa tàu thuyền và mua lưới mới. Nhờ có tiền, anh đã sửa sang tàu thuyền chắc chắn. Trước đây, mỗi ngày đi biển, anh cũng chỉ kiếm được tầm 1 triệu, ngày thuận lợi thì có thể nhiều hơn, nhưng đánh bắt nhỏ lẻ vẫn chỉ giúp gia đình đắp đổi chi tiêu, không thể làm giàu. Tuy nhiên, từ khi được vay vốn, cơ hội “đổi đời” của gia đình Tuấn đã bắt đầu.
“Em gặp may chị ạ. Ngay chuyến ra khơi đầu tiên với những ngư cụ mới, em đã gặp may, ngày kiếm được hơn 5 triệu. Vốn NHCSXH không những giúp em thoát nghèo, mà từ đây, nó sẽ là bàn đạp giúp em vươn khơi bám biển, làm giàu từ chính biển cả quê hương. Có tàu thuyền lớn, em sẽ có nhiều cơ hội đi đánh bắt xa hơn, vươn khơi bám biển để khẳng định sức chinh phục thiên nhiên của con người, khẳng định chủ quyền biển đảo tổ quốc. Em dự định sẽ tích lũy thêm, trả nợ vốn vay đúng hạn để sau này có thể tiếp tục vay vốn, sắm tàu thuyền to hơn nữa, ngư cụ đánh bắt hiện đại, chắc chắn hơn nữa”, ánh mắt lấp lánh, Tuấn chia sẻ kỳ vọng.
Cũng vay vốn, nhưng anh Lê Văn Vĩnh ngoài mua sắm ngư cụ, còn kinh doanh trên đảo. Khác với Cồn Cỏ từ ngày xưa còn xa xôi, hoang sơ, Cồn Cỏ bây giờ đã là một điểm du lịch nổi tiếng, hàng năm đón hàng nghìn lượt du khách cả trong nước và quốc tế. Nắm bắt cơ hội, gia đình Vĩnh đã mở nhà hàng kinh doanh. Số tiền vay vốn từ NHCSXH đã giúp gia đình anh có thêm vốn, làm giàu cho chính mình, và góp phần làm giàu đẹp thêm cho Cồn Cỏ. “Tiềm năng du lịch của Cồn Cỏ rất lớn. Việc phát hiện ra rạn san hô tuyệt đẹp ở Cồn Cỏ đang mở ra cho Cồn Cỏ cơ hội phát triển du lịch rất tốt. Gia đình tôi đã xác định cả đời sẽ gắn bó với hòn đảo tuyệt đẹp này, thì tôi sẽ phải có trách nhiệm chung tay xây dựng đảo. Từ những đồng vốn đầu tiên này, tôi sẽ tiếp tục phát triển kinh doanh, phục vụ du khách. Dự định của tôi là sau này sẽ tiếp tục vay vốn để mở rộng hơn nữa”, anh Vĩnh chia sẻ.
Là người đã có thâm niên gắn bó với NHCSXH hàng chục năm, anh Hoàng Đình Mẫn đã nhiều lần trực tiếp trao những đồng vốn cho người nghèo vay để có cơ hội phát triển cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Hàng trăm hộ gia đình nghèo đã từ những đồng vốn của NHCSXH, qua cầu nối là những cán bộ tín dụng, đã vươn lên thoát nghèo, có cơ hội chữa bệnh, con cái có cơ hội học hành. Mỗi đồng vốn cho vay đi, đều mang đến cho anh những cảm xúc vừa vui, vừa phấn khởi. Tuy nhiên, những cảm xúc khi cho các hộ dân trên đảo Cồn Cỏ vay vốn lại trở nên cực kỳ đặc biệt. Nó mang lại nhiều hơn niềm vui – đó là cảm giác hạnh phúc và kỳ vọng. Hạnh phúc vì những đồng vốn đó không những giúp người dân có cơ hội sản xuất kinh doanh, thoát nghèo, mà nó sẽ là những viên gạch, hạt cát xây dựng nền móng tường thành vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
“Chúng tôi cho vay các hộ dân trên đảo Cồn Cỏ từ năm 2015, song 9 năm qua, các hộ vay vốn sản xuất kinh doanh đều sử dụng đồng vốn rất hiệu quả, trả nợ đúng hạn và không hề có nợ xấu. Dù là hộ gia đình đánh bắt thủy hải sản hay hộ gia đình chăn nuôi, kinh doanh, thì những đồng vốn họ vay đều đã phát huy rất tốt, giúp đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống”, anh Mẫn cho biết.
Được biết, hiện nay, du lịch và dịch vụ du lịch được xác định là ngành chủ lực trong phát triển kinh tế huyện đảo Cồn Cỏ, chiếm tỷ trọng trên 70% cơ cấu kinh tế của huyện. Huyện đang nỗ lực, phấn đấu thực hiện mục tiêu đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; quyết tâm bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ rừng trên đảo, hệ sinh thái biển. Đi cùng với những nỗ lực của địa phương, những đồng vốn của NHCSXH sẽ là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế từ biển đảo quê hương.