Vườn kinh tế tuần hoàn không chất thải
Ở huyện ven biển Nga Sơn, anh Phan Văn Nhu ở thôn Hồ Nam, xã Nga Thành đã khá nổi tiếng trong giới làm vườn và trang trại. Với bàn tay cần mẫn và tư duy đổi mới, người chủ vườn năng động đã biến 6 sào đất quanh nhà thành mô hình sản xuất tổng hợp theo hướng hữu cơ, cho doanh thu hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Những ngày cuối năm âm lịch khi chúng tôi có mặt, tuy đã thu hái các đợt chính, nhưng nhiều khóm bưởi trong vườn anh Phan Văn Nhu vẫn còn trĩu cành. Đây cũng là cây trồng chính trong vườn với 560 cây gồm bưởi da xanh, bưởi ruột hồng Tân Lạc, một số bưởi Diễn, phủ xanh 2.000m2 đất.
Vườn bưởi ở đây từng được Hội Làm vườn và Trang trại huyện Nga Sơn chọn làm mô hình mẫu để xây dựng sản phẩm VietGAP, từ đó nhân rộng ra nhiều mô hình khác trong huyện. 1.000m2 đất còn lại, được anh chuyên canh các loại rau màu và cây trồng ngắn ngày. Để nâng cao chất lượng bưởi, mỗi năm anh đều nhập hàng tấn cá rô phi và cá mè, dùng các chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ. Ngay cả khâu phòng trừ sâu bệnh cho bưởi cũng được sử dụng các chất vi sinh, chế phẩm sinh học cho phép của ngành trồng trọt.
Theo anh Nhu: “Bưởi và cây trồng ở đây hoàn toàn được bón bằng phân hữu cơ. Chính vì thế mà quả rất ngọt, thanh mát, năm nào cũng được các thương lái đến tận vườn thu gom. Giá bưởi ở đây thường cao gấp rưỡi các vườn trong vùng bởi chất lượng tốt, mà vẫn không đủ để cung ứng cho nhu cầu thị trường”.
Là mô hình kinh tế tổng hợp trong vườn nhà, nhưng chủ vườn sinh năm 1965 không ngừng học hỏi để áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Hiện toàn bộ cây trồng được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và phun mưa. Chỉ cần một động tác bật công tắc điện, toàn bộ 3.000m2 vườn đã được tưới, tương đương 1 lao động tưới thủ công cả buổi như trước kia.
Nhằm nâng cao thu nhập, anh xây dựng chuồng nuôi lợn ngay giữa vườn cây ăn quả. Vấn đề môi trường được quan tâm bằng cách xây dựng hệ thống thu hồi chất thải triệt để, đưa ra các bể biogas xử lý kín. 4 lợn nái sinh sản được duy trì để chủ động con giống nuôi lợn thương phẩm. Tất cả chất thải chăn nuôi được đưa vào hệ thống bể biogas, khi thải bã được ủ thành phân. Những phụ phẩm từ trồng trọt, lá cây rụng cũng được ủ hoai mục thành phân bón. Sản phẩm dư thừa từ khâu sản xuất này, được tận dụng cho khâu sản xuất khác, hầu như không còn chất thải ra ngoài.
Theo hạch toán của chủ vườn, riêng sản phẩm bưởi đã cho thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm. Cũng với hoạt động chăn nuôi, cây cảnh và các cây trồng khác, tổng doanh thu hàng năm từ mô hình đạt hơn 300 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.
Để có được khu vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao như hôm nay, theo anh Nhu, đó là cả quá trình thay đổi tư duy sản xuất. “Trước kia, khu vườn đủ các loại cây ăn quả um tùm, cây ăn lá thì bị che rợp nên không năng suất. Việc canh tác cũng hoàn toàn thủ công, hiệu quả vườn không được phát huy. Năm 2017, sau khi tiếp nhận chủ trương từ chính quyền địa phương, Hội Làm vườn và Trang trại các cấp, tôi quyết tâm phá bỏ, quy hoạch lại vườn, trồng lại cây theo hướng khoa học. Hệ thống tưới tiêu hiện đại từng bước được xây dựng, canh tác theo hướng hữu cơ tuần hoàn cũng được áp dụng. Quá trình đó, luôn luôn phải học tập kiến thức, đi nhiều vườn để học tập kinh nghiệm rồi từng bước áp dụng. Đến năm 2019, mô hình sản xuất này được công nhận là vườn mẫu theo tiêu chí XDNTM” – anh Phan Văn Nhu chia sẻ.
Để thuận lợi cho sản xuất, sau mỗi mùa thu hoạch, anh từng bước đầu tư xây dựng hệ thống đường bê tông nội vườn với tổng chiều dài 100m; hệ thống rãnh kiên cố dài 300m cũng được xây dựng để tiêu nước khoa học hơn trong mùa mưa. Tổng chi phí đầu tư hạ tầng sản xuất trong vườn đến nay gần 100 triệu đồng. Chỉ với 2 lao động gia đình, song đã gây dựng thành mô hình vườn mẫu điển hình ở huyện Nga Sơn, được nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Một khu sản xuất xanh, bảo đảm môi trường còn góp phần tạo thêm cảnh quan môi trường sạch đẹp cho làng quê.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vuon-kinh-te-tuan-hoan-khong-chat-thai-238525.htm