Bộ Công Thương góp ý về Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo
Bộ Công Thương vừa có ý kiến góp ý về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thể chế hóa các chủ trương về phát triển khoa học, công nghệ
Trả lời đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ tại văn bản số 5111/BKHCN-PC ngày 19/12/2024 về việc góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, sau khi nghiên cứu dự thảo và các tài liệu kèm theo, Bộ Công Thương có ý kiến như sau: Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã hướng tới thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
Đồng thời, đưa vào những nội dung mới phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên thế giới cũng như yêu cầu thực tiễn tại Việt Nam. Bộ Công Thương cơ bản nhất trí với phần lớn các quy định trong dự thảo.
Để đảm bảo tính khả thi sau khi Luật được ban hành, Bộ Công Thương đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, bổ sung những nội dung cụ thể như sau: Đề nghị nhanh chóng nghiên cứu và bổ sung các quy định nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nêu cụ thể những nội dung đề nghị sửa đổi bổ sung tại dự thảo Luật, Bộ Công Thương cho hay, về giải thích từ ngữ tại Điều 3, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xem lại các thuật ngữ trong Luật để đảm bảo rõ nghĩa và có khả năng phân định một cách tường minh trong thực tiễn triển khai các quy định có liên quan: nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm.
Đồng thời, đề nghị chỉnh sửa Khoản 4, Điều 3 từ “4. Nghiên cứu cơ bản là công việc thực nghiệm hoặc lý thuyết được thực hiện chủ yếu để có được tri thức mới về bản chất của các hiện tượng và các sự kiện có thể quan sát được, mà không định trước phải có ngay ứng dụng hay lợi ích cụ thể” thành “4. Nghiên cứu cơ bản là công việc thực nghiệm hoặc lý thuyết được thực hiện chủ yếu để có được tri thức mới về bản chất của các hiện tượng và các sự kiện, mà không định trước phải có ngay ứng dụng hay lợi ích cụ thể”.
Đề nghị xem xét xem lại 2 thuật ngữ “sản xuất thực nghiệm” và “đổi mới sáng tạo”. Theo dự thảo hiện tại, có sự trùng lặp về bản chất giữa hai loại hoạt động này; thuật ngữ “nghiên cứu và phát triển” cần được bổ sung và làm rõ nghĩa làm cơ sở cho các khái niệm có liên quan như “tổ chức khoa học và công nghệ và tổ chức thực hiện chức năng nghiên cứu và phát triển".
Đề nghị xem lại quy định tại khoản 13, trong đó, việc sử dụng 2 đối tượng (gồm trường đại học và viện nghiên cứu) không đại diện cho toàn bộ các chủ thể nghiên cứu theo quy định của Luật này.
Ngoài ra, đề nghị có bổ sung định nghĩa cho thuật ngữ “tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo” để đảm bảo rõ nghĩa cho thuật ngữ “hệ thống đổi mới sáng tạo"; đề nghị rà soát nội dung của dự thảo để bổ sung trong Điều 3 các định nghĩa cho các thuật ngữ có liên quan, ví dụ như: khoa học mở và khái niệm “Nhà khoa học đầu ngành” để có cơ sở vận dụng khái niệm “Nhà khoa học đầu ngành" trong Luật này.
Tại Điều 4: Đề nghị rà soát lại để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tại Điều 6: Đề nghị quy định rõ “sản phẩm bị cấm” được quy định tại khoản 1 thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan nào hoặc được tham chiếu tới những quy định nào để làm căn cứ áp dụng.
Tại Điều 7, đề nghị bổ sung quy định về việc Chính phủ quy định chi tiết liên quan tới nội dung này, trong đó cần làm rõ về thẩm quyền, tiêu chí đánh giá, phương thức xác định các vấn đề như: Nguyên nhân khách quan, quy trình quy định về nghiên cứu khoa học; đề nghị bổ sung việc giải thích thuật ngữ “nghiên cứu khoa học”. Trong khi, tại Điều 3 chỉ đề cập tới các thuật ngữ như: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng...
Cần làm rõ phạm vi của các nghiên cứu phải thông qua Hội đồng đạo đức
Tại Điều 8, khoản 1, Bộ Công Thương cho rằng, cần làm rõ phạm vi của các nghiên cứu phải thông qua Hội đồng đạo đức do tính ứng dụng của các công nghệ (ví dụ công nghệ sinh học) là rất rộng rãi. Ngoài ra, nghiên cứu có nhiều giai đoạn, tương ứng với những kết quả đầu ra theo quy định của Luật, nếu theo quy định hiện nay, có thể dẫn tới kìm hãm sự phát triển của các nghiên cứu liên quan tới con người trong khi vấn đề cần kiểm soát là khả năng tác động tiêu cực tới con người ở kết quả khi được đưa vào áp dụng, triển khai thực tế.
Cùng với đó, cân nhắc chỉnh sửa Khoản 2, Điều 8 từ “2. Việc nghiên cứu, phát triển các hệ thống tự động có khả năng thay thế con người trong một số công việc phải đảm bảo lấy con người làm trung tâm và đặt dưới sự kiểm soát của con người" thành “2. Việc nghiên cứu, phát triển các hệ thống tự động, trí tuệ nhân tạo có khả năng thay thế con người trong một số công việc phải đảm bảo lấy con người làm trung tâm và đặt dưới sự kiểm soát của con người".
Tại khoản 2, thuật ngữ “lấy con người làm trung tâm” rất khó trở thành tiêu chí đánh giá, không mang tính quy phạm pháp luật. Tại khoản 3, đề nghị có quy định chung về liêm chính trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và việc tuân thủ đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động này thay vì quy định các tổ chức tại ban hành các quy định.
Tại Điều 9, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung giải thích đối với thuật ngữ “khoa học mở”, “nghiên cứu mở”, “mô hình khoa học mở”. Khoản 2, với các kết quả từ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước thì các quy định liên quan tới chia sẻ dữ liệu, định dạng chuẩn, cơ sở hạ tầng và khả năng truy cập, tái sử dụng cần được Luật quy định cụ thể để đảm bảo việc thực thi trên thực tế thay vì quy định “khuyến khích” như dự thảo.
Tại Điều 10, Bộ Công Thương nêu, các quy định từ Điều này có thể chưa thống nhất và phù hợp với các Luật khác. Vì vậy, tại Điều 4, cần bổ sung quy định áp dụng pháp luật đối với cùng một vấn đề quy định tại Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo không bị điều chỉnh bởi các Luật khác được ban hành trước hoặc sau thời điểm Luật này có hiệu lực.
Đề nghị bổ sung quy định Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Đây là vấn đề mới, phức tạp cần có các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự thủ tục, trách nhiệm của các bên có liên quan để đảm bảo tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả của quy định này.
Mặt khác, tại Điều 11, Bộ Công Thương đề nghị rà soát lại khoản 1 để tránh trùng lặp ý, nội dung; tại khoản 3, đề nghị giao Chính phủ quy định chung về nội dung này để áp dụng có tính thống nhất đối với Hợp đồng khoa học và công nghệ ở các cấp, chủ thể quản lý khác nhau.
Tại Điều 15: Đề nghị bổ sung quy định về việc Chính phủ quy định chi tiết nội dung này do một số nội dung mới cần có quy định cụ thể để hướng dẫn áp dụng đảm bảo khả thi sau khi Luật ban hành. Ví dụ như: quy định về việc cử cá nhân tham gia điều hành doanh nghiệp, được “ưu tiên giao” nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhiệm vụ đổi mới sáng tạo ...
Đề nghị làm rõ nội dung “nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp” bao gồm những thông tin và dữ liệu gì; thuật ngữ này không đảm bảo rõ nghĩa để áp dụng. Rà soát lại quy định tại khoản 1 và khoản 6 để đảm bảo tránh trùng lặp.