Vươn lên cùng tán cây rừng
Mấy năm gần đây, ngày càng thêm nhiều gia đình ở xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn thoát nghèo, có cuộc sống sung túc, thiết thực đóng góp xây dựng nông thôn mới, kiến tạo diện mạo vùng cao khởi sắc. Xuân này, đất đồi rừng ở xã Thạch Kiệt như xanh thêm màu sung túc từ những vạt quế non đang đâm chồi nảy lộc. Không đơn thuần là cây xóa đói giảm nghèo, những rừng quế vươn cao phủ xanh đồi núi còn ẩn chứa câu chuyện về ý chí vượt khó vươn lên của bà con với quyết tâm mạnh mẽ thay đổi cuộc sống trên đất khó...
Những ngày cuối năm, khu Lóng chìm trong cái rét ngọt. Những mái nhà hiện ra như mơ, như thực giữa màn sương giăng mờ ảo. Dọc con đường vào khu sắp hàng dài những bầu quế đã ươm xanh, chờ vào vụ mới. Đúng là đất quế, đồi cao, đồi thấp đều là quế. Nhà xây kiên cố, nhà vườn hiện đại cũng lấp ló dưới tán quế từ vài năm đến hơn chục năm tuổi.
Gần trưa, hai vợ chồng anh Hà Văn Lợi nhanh chân trở về nhà ăn cơm để kịp buổi chiều quay lại đồi phát dọn và chuẩn bị để ra Tết trồng thêm vài nghìn gốc quế giống trên khoảnh đất lưng đồi gần nhà. Cũng như nhiều gia đình ở Lóng, trước đây nhà anh Hà Văn Lợi thường xuyên trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn.
Mong ước lớn nhất của gia đình là đủ ăn, đủ mặc. Tốt nghiệp THPT và đi nghĩa vụ quân sự trở về, anh Lợi và nhiều lao động trong khu quyết tâm đi làm ăn xa với những lo lắng của kẻ tha hương và người ở nhà. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi, kể từ khi gia đình mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp. Ba năm nay, anh không đi tìm việc nơi xứ người nữa mà ở nhà làm kinh tế phụ giúp cha mẹ ngay trên mảnh đất quê hương.
Tiếng là đất rộng, người thưa nhưng chủ yếu là đồi rừng lại thêm nhận thức của người dân còn hạn chế nên đã có thời nghèo đói luôn đeo bám người dân Thạch Kiệt. Rừng đóng cửa, ngành nghề phụ không có, những người trong độ tuổi lao động bắt buộc phải tha hương mưu sinh, ai thuê gì làm nấy. Có những thời điểm những người trẻ ở xã đều đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động, trong khu chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ, ruộng vườn thiếu tay người cày cấy. Thế rồi được cán bộ về động viên, tư vấn, Nhà nước hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm, cây giống, phân bón thông qua các chương trình, dự án trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, cuộc sống của người dân Thạch Kiệt đã chuyển biến mạnh mẽ, diện mạo kinh tế - xã hội của khu thay đổi từng ngày.
Đồng chí Nguyễn Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Mấy năm nay, số lao động đi làm xa ít đi, số diện tích rừng trồng ở các khu ngày một tăng lên. Năm 2023, tổng diện tích trồng rừng của xã là 155ha, trong đó: Cây trẩu 20ha, keo 40ha, bồ đề 45ha do người dân tự trồng và 60ha quế với 37,1ha cây giống được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ trồng rừng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3%, thu nhập bình quân của xã đạt 33 triệu đồng/người/năm”. Với mục tiêu nâng cao giá trị, thương hiệu cây quế, thời gian qua, xã đã tập trung vận động nhân dân tập trung phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu quế hữu cơ nhằm mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm quế Thạch Kiệt vươn xa ra thị trường quốc tế.
Thạch Kiệt được xem là “thủ phủ” quế của huyện Tân Sơn với diện tích trồng hơn 500ha. Hơn 20 năm về trước những gốc quế đầu tiên bén rễ bắt đầu từ những hộ đồng bào Dao ở khu Lóng. Với quyết tâm, kiên trì “điểm này không được thì chọn điểm khác trồng”, cứ thế theo thời gian, những đồi quế dần hình thành, cho đến khi khép tán thì cuộc sống gia đình người trồng quế cũng dần ổn định. Bà con ngày càng vững niềm tin rằng đường lên rừng quế dẫu có xa hơn, khó hơn, thời gian trồng có thể lâu hơn nhưng con đường đổi đời từ cây quế sẽ ngắn lại.
Ông Phùng Sinh Quyên ở khu Lóng là hộ tiên phong trong việc trồng quế tại xã chia sẻ: “Điều cốt lõi nhất khi theo đuổi trồng quế là không được nôn nóng, chịu khó vất vả trong những năm đầu, cần cù trong suốt quá trình chăm cây. Xác định đầu tư đồi rừng thì ít nhất cũng phải năm đến sáu năm mới mang về hiệu quả kinh tế. Bởi vậy, trong những năm đầu, vừa kiên trì, bền bỉ vừa phải biết tính toán để có thu nhập trong khi chờ rừng quế cho nguồn thu”. Cùng với những rừng quế lên xanh, người dân Thạch Kiệt còn trồng thêm các loại cây ăn quả có múi đạt hiệu quả kinh tế khá như cam, quýt, bưởi Diễn và phủ màu lên đồng đất bằng cả những loại rau màu xứ lạnh vào vụ Đông.
Trong những ngôi nhà dưới rừng quế, mỗi đứa trẻ đồng bào Dao, Mường từ lúc sinh ra đã được ông bà, cha mẹ chia cho vài chục cây quế làm của hồi môn. Để rồi từ đó, chúng lớn lên cùng quế, sớm hôm mang cuốc, cầm dao lên rừng trồng và mở rộng diện tích quế của gia đình. Mùa sinh trưởng của quế, mỗi năm hai lần: Mùa chính là các tháng 2, 3, 4 và mùa phụ vào các tháng 8, 9. Khi ấy, trước lúc xuất hiện các chồi lá non cũng là khi lượng nước và tinh dầu trong vỏ quế đều tăng lên, vỏ mầm dễ bóc khỏi thân là lúc bắt đầu thu hoạch quế.
Nheo đôi mắt cười hướng về những cánh rừng ngập màu xanh, nơi những ngôi nhà xây kiên cố dần mọc lên, đồng chí Phùng Văn Tài - Bí thư Chi bộ khu Lóng chia sẻ: “Càng ở nơi gian khó càng phải quyết tâm. Sự đổi thay hôm nay ở Lóng minh chứng cho sự quyết tâm đó. Người Dao, người Mường ở Thạch Kiệt như cây rừng của đại ngàn vậy, dù ở chốn khó vẫn kiên cường bám đất, mạnh mẽ vươn lên”.
Chuyện vui ở Thạch Kiệt cứ nối nhau mở ra, không chỉ có sự mạnh dạn trong hướng đi phát triển kinh tế, mà thay đổi trong nhận thức của đồng bào cũng là điều đáng mừng trong nhiều năm gần đây. Nhiều hủ tục nặng nề đã dần được xóa bỏ nhường chỗ cho nhịp sống mới đầy văn minh, tiến bộ đã tiếp thêm niềm tin, động lực để bà con hòa mình cùng cộng đồng các dân tộc xây dựng đời sống văn hóa mới.
Chúng tôi rời Thạch Kiệt khi ánh chiều dần buông, mây và sương lại gọi nhau về trên những đỉnh núi. Ngoảnh đầu nhìn lại, bản làng đồng bào Dao, Mường ẩn hiện như bức thủy mặc nơi đại ngàn hùng vĩ. Trong màn sương mờ ảo, chúng tôi vẫn hình dung rõ ràng nhất những cánh rừng vượt gió sương vươn lên trời cao, cũng như ý chí vượt khó vươn lên của người dân nơi đây.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/vuon-len-cung-tan-cay-rung/206966.htm