Vươn lên thoát nghèo nhờ sự quan tâm của hội liên hiệp phụ nữ
Chị Trần Thị Y, ngụ ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (Cù Lao Dung) trước đây thuộc hộ nghèo, ít đất sản xuất, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ nguồn vốn vay của Hội LHPN thị trấn Cù Lao Dung giới thiệu, chị Y đã mở rộng mô hình làm giá, cho thu nhập ổn định, biết tích cóp nên gia đình chị đã thoát nghèo bền vững.
Sinh ra và lớn lên ở Trà Vinh, chị Y kết hôn xong theo chồng về cù lao sinh sống đã trên 20 năm. Khi mới ra ở riêng, vợ chồng chị Y được gia đình cho hơn 2 công đất vườn. Từ hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp ổn định, lại ít đất sản xuất, gia đình chỉ biết trồng rẫy, chăn nuôi, trong khi đó, các loại mặt hàng nông sản của gia đình sản xuất giá cả bấp bênh, dịch bệnh trên đàn gia súc thường xuyên, nên cuộc sống gia đình chị Y quanh năm túng thiếu.
Năm 2014, một lần cùng gia đình về lại quê, tình cờ thấy người bạn làm giá từ đậu xanh ăn rất ngon nên chị học hỏi cách làm. Nhà cũng gần chợ Bến Bạ, thấy nhu cầu sử dụng giá của người dân khá lớn nên chị Y nảy sinh làm giá sạch với số lượng lớn để bỏ mối, kiếm thêm thu nhập để nuôi con ăn học. Khi mới bắt tay làm, gia đình không có vốn nên chỉ làm ít, rồi đem ra chợ Bến Bạ bỏ mối cho những người bán rau cải trong chợ. Thấy giá của chị Y làm ra ngon, cây giá trắng mập, không sử dụng hóa chất, người ăn rất thích, nên giá làm không đủ để bỏ mối. Hội LHPN thị trấn Cù Lao Dung thấy chị Y là một hội viên chịu khó làm ăn, nhưng hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cù Lao Dung xem xét và hỗ trợ chị vay 10 triệu đồng để làm vốn sản xuất. Từ nguồn vốn đó, vợ chồng chị Y đầu tư mua khạp, nguyên liệu làm giá để mở rộng quy mô sản xuất.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Y chia sẻ: “Bản thân đã có kinh nghiệm làm giá trước đó, nên khi có vốn mở rộng sản xuất cũng rất yên tâm, không sợ hư hỏng dẫn đến thua lỗ mất vốn. Cách làm giá cũng tương đối đơn giản, muốn đạt kết quả người làm giá nên chọn mua đậu xanh hạt làm giống, khi đem đi làm giá sẽ cho tỷ lệ nẩy mầm cao. Tiếp đó, cho hạt đậu xanh vào nước ngâm khoảng 3 giờ liền rồi vớt ra, xả nước một lần rồi để đậu ráo nước. Sau đó, người làm giá chọn khạp, lu cho hạt đậu xanh đã để ráo nước vào và bịt kín miệng để ủ bằng vải. Dụng cụ để ủ phải có đục một lỗ nhỏ ở dưới đáy để thoát nước, mỗi ngày cho giá “uống nước” từ 4 đến 5 lần, thời gian ủ giá từ 4 đến 5 ngày là bắt đầu thu hoạch mang đi bỏ mối”.
Hiện nay, chị Y có trên 100 lu, khạp trồng giá và thu hoạch liên tục mỗi ngày. Khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, mỗi ngày gia đình chị Y thu hoạch, bỏ mối tại chợ Bến Bạ khoảng 80kg giá, mỗi 1kg giá trên 7.000 đồng, trừ hết chi phí cũng có lời khá. Nhưng nay, do dịch bệnh Covid-19, mỗi ngày chị Y bỏ mối còn 40kg giá, đương nhiên thu nhập sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, mô hình trồng giá này đã giúp gia đình chị Y có thu nhập ổn định và trả được vốn vay của ngân hàng.
Chị Phạm Mỹ Loan - Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cù Lao Dung (Cù Lao Dung) cho biết: “Qua khảo sát, hội nhận thấy mô hình làm giá của chị Y đã đem lại nguồn thu nhập rất ổn định cho gia đình. Qua nhiều năm làm giá, thu nhập thêm từ trồng rẫy, chị Y đã cất được nhà tường khang trang, sạch đẹp, nuôi con trưởng thành. Chị Y là tấm gương vượt khó thoát nghèo tiêu biểu đáng để các chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn thị trấn học tập”.