Vườn măng cụt cổ thụ xen canh

Một nông dân đã thực hiện trồng xen các loài cây giá trị cao, trong đó có những cây măng cụt cổ thụ. Vườn trái cây đã mang lại thu nhập tốt cho nông hộ, đồng thời, đây cũng là người nông dân sẵn sàng đồng hành cùng địa phương xây dựng nông thôn văn minh.

Ông Phạm Công Đạt trồng xen bưởi da xanh và sầu riêng trong vườn măng cụt

Ông Phạm Công Đạt trồng xen bưởi da xanh và sầu riêng trong vườn măng cụt

Ông Phạm Công Đạt, Thôn Tân Bình 2, xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc vốn là cư dân theo gia đình vào mở đất mới. Cũng như hầu hết người Lộc Thanh, ông Đạt cũng trồng chè, trồng cà phê. Tuy nhiên, qua thời gian, ông Đạt chuyển dần sang trồng xen những loại cây ăn trái đặc sản của địa phương. Vườn măng cụt nhà ông là một trong những vườn măng cụt cổ thụ cho trái sai, chất lượng trái ngon của đất Tân Bình 2.

Giới thiệu với khách vườn măng cụt trên 30 năm tuổi, ông Đạt rất tự hào về cây măng cụt Bảo Lộc. Ông cho biết, ban đầu vườn cũng trồng cà phê. Sau đó nhận thấy một số nhà vườn trồng măng cụt rất ngon, ông dọn cà phê, xuống giống măng cụt thử nghiệm. Giống măng cụt lâu cho trái, tới 4-5 năm mới có những trái bói đầu tiên. Bù lại, cây sống lâu, chu kì cho quả dài. Trong vườn măng của ông, có những cây 30 tuổi năng suất hàng tạ trái/vụ. Măng cụt Bảo Lộc chín muộn hơn măng cụt miền Tây, ruột ngọt thanh, rất ít hư, sượng múi. Bởi vậy, tới mùa, thương lái vào tận vườn đặt mua với giá trung bình 45-50 ngàn đồng/kg. Ông Đạt nhận xét: “Cây măng cụt Bảo Lộc trái ngon, chăm sóc đơn giản, chi phí thấp. Chỉ khi cây còn nhỏ là khó chăm chứ đã vượt quá 3 năm là cây sống khỏe, ít phải phân bón hay sử dụng thuốc. Điều duy nhất cần lưu ý là giống măng cụt thường một năm sai trái, năm sau lại ít trái nên nông dân cứ năm thu năm thất”.

Chính vì cây măng cụt năm được, năm mất nên ngoài măng cụt, ông xuống giống thêm sầu riêng và bưởi da xanh. Sầu riêng là giống Thái Monthon, cơm vàng ruột lép, vị ngọt đậm. Bưởi lấy giống Long Khánh, vỏ xanh ruột hồng, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Bảo Lộc. Hiện trên diện tích 1,5 ha, ông trồng 40 cây măng cụt cổ thụ, 100 cây sầu riêng 6 tuổi và 200 cây bưởi da xanh. Tất cả đều đang cho trái, mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình.

Ông Phạm Công Đạt là người trồng cây ăn trái với tư duy khá lạ. Thường trên một diện tích đất vườn không quá lớn như nhà ông, nông dân sẽ trồng thuần một loại cây cho giá trị cao. Trồng thuần cho thu nhập tốt, việc chăm sóc và thu hoạch cũng như thương lái thu mua thuận lợi. Nhưng ông Đạt không chọn trồng thuần mà trồng xen 3 loại cây với nhau. Ông Đạt nhận xét: “Trồng thuần cũng tốt nhưng với cá nhân tôi, trồng xen giảm rủi ro trong nông nghiệp rất nhiều. Cứ cây này được mùa sẽ bù cho cây mất mùa, giá trái cao bù cho giá trái thấp, lúc nào cũng có nguồn thu”. Cũng từ mục đích đảm bảo nguồn thu nên ông Đạt không “ép” bưởi, “ép” sầu riêng ra quả mà để cây tự ra hoa kết trái. Vì cây ra trái tự nhiên nên bưởi của vườn ông Đạt có trái chín quanh năm. Ông Đạt cũng nhận xét, bưởi ra trái quanh năm, giá không cao như trái vào vụ cố định nhưng bù lại, cây khỏe, đồng thời tránh được rủi ro trùng vụ với bưởi miền Tây. Tương tự như vậy, ông cũng để sầu riêng ra trái tự nhiên, không tác động vào quá trình ra hoa, kết quả. Khá thuận lợi vì theo đúng thổ nhưỡng, cây sầu riêng Bảo Lộc kết trái trễ hơn các vùng khác, tránh được tình trạng dồn hàng, xuống giá.

Điều đặc biệt nữa trong khu vườn cây ăn trái sum suê của ông Phạm Công Đạt là ông để cỏ mọc tự nhiên, không làm cỏ. Ông Đạt nhận xét, để cỏ thì vườn không sạch, đẹp như làm sạch cỏ nhưng bù lại, trên mặt đất luôn có lớp giữ ẩm, giúp đất tránh khỏi ánh nắng trực tiếp. Theo ông Đạt, khi nắng chiếu trực tiếp xuống đất sẽ làm đất bị “chai”, ảnh hưởng tới hoạt động của vi sinh vật trong đất. Để cỏ giúp đất mát, khi cỏ cao dùng máy cắt ngắn, ủ thành phân hữu cơ cung cấp độ phì cho đất. Chính cách canh tác để cỏ xanh này đã giúp khu vườn luôn xanh, mát, ẩm độ cao ngay giữa những giai đoạn nắng nóng nhất của mùa khô cao nguyên.

Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Phạm Công Đạt còn là nông dân nhiệt tình với công tác Hội, nhiệt tình với địa phương, anh Ngô Thế Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh đánh giá. Mọi hoạt động xây dựng nông thôn mới của thôn, của xã, ông Đạt đều tham gia nhiệt tình, đóng góp sức người, sức của. Nhất là đợt dịch tả heo châu Phi trên địa bàn Bảo Lộc vào năm 2019, hàng ngàn con heo đã chết phải tiêu hủy. Ông Đạt sẵn sàng cho xã Lộc Thanh “mượn” một khu đất, đào hố chôn hàng chục tấn heo chết dịch. Tấm lòng của ông đã giúp xã Lộc Thanh bớt nhiều khó khăn khi tìm địa điểm xử lí xác heo, một vấn đề rất khó với địa phương để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202208/vuon-mang-cut-co-thu-xen-canh-3132448/