'Vươn mình trong hội nhập quốc tế'
Đó là tựa đề bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đăng trên trang nhất Báo Nhân Dân, số thứ Sáu, ngày 4-4-2025. Nội dung bài viết nhấn mạnh vai trò quan trọng của hội nhập quốc tế trong sự phát triển của Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại, đồng thời xác định rõ những nội hàm cùng những thách thức, rào cản và định hướng giải pháp để thực hiện hiệu quả chiến lược quan trọng này trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lịch sử phát triển của nhân loại chứng minh rằng, hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu, có quá trình phát triển lâu dài và có nguồn gốc, bản chất xã hội của lao động và sự phát triển văn minh của quan hệ giữa con người với con người. Trong xã hội, con người muốn tồn tại và phát triển phải có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Nói rộng hơn, ở phạm vi quốc tế, một quốc gia muốn phát triển phải liên kết với các quốc gia khác. Ngày nay, trong một thế giới hiện đại, sự phát triển của kinh tế thị trường đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường, hình thành thị trường khu vực và quốc tế. Đây chính là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.
Xét về bản chất, hội nhập quốc tế chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế. Hội nhập quốc tế cũng như các hình thức hợp tác quốc tế khác đều vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Các quốc gia tham gia quá trình này cơ bản vì lợi ích của đất nước, vì sự phồn vinh của dân tộc mình. Mặt khác, các quốc gia thực hiện hội nhập quốc tế cũng góp phần thúc đẩy thế giới tiến nhanh trên con đường văn minh, thịnh vượng. Chính vì thế, trong bài viết này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó”.
Hơn nữa, thực tế của cách mạng Việt Nam, nhất là trải qua gần 40 năm đổi mới đất nước đã khẳng định, hội nhập và phát triển của đất nước luôn gắn liền với những biến chuyển của thời đại. Xuất phát từ những quan điểm nêu trên, trong bài viết này Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra khái niệm hoàn toàn mới, nhưng phù hợp với tình hình thực tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay: “Hội nhập quốc tế là "đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại", gia tăng sức mạnh của mình thông qua việc gắn kết với thế giới”. Tổng Bí thư cũng khẳng định, trong hội nhập quốc tế thì hội nhập kinh tế phải được xác định là trung tâm, hội nhập lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế với ưu tiên hàng đầu là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đất nước đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện cho phát triển, trong đó cải cách kinh tế là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu: “Tinh thần trọng yếu thường xuyên trong hội nhập quốc tế là phải tranh thủ nguồn lực, điều kiện thuận lợi bên ngoài cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước từ sớm, từ xa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, đảm bảo tốt nhất lợi ích của nhân dân”. Để đất nước hội nhập quốc tế thành công, Tổng Bí thư yêu cầu cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Trong đó, tư duy, nhận thức về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng, hiệu quả là động lực quan trọng để phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Điều quan trọng nhất để nội dung của Nghị quyết số 59-NQ/TW là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước thì mỗi người dân và doanh nghiệp phải là trung tâm, chủ thể, động lực, lực lượng chủ công và là đối tượng thụ hưởng các lợi ích của hội nhập quốc tế. Đặc biệt, hội nhập nhưng phải giữ vững bản sắc dân tộc, hội nhập, hòa nhập chứ không hòa tan.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/171244/vuon-minh-trong-hoi-nhap-quoc-te