Ninh Thuận là một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ. Nơi đây được mệnh danh “thủ phủ” nho lớn nhất cả nước khi diện tích hơn 1.365 hecta, đa dạng các giống như nho đỏ, nho xanh,... sản lượng thu hoạch trung bình mỗi năm khoảng 33.800 tấn.
Các vườn nho tập trung nhiều ở vùng Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Phước, Ninh Hải. Đặc biệt, những năm gần đây người dân trồng thử nghiệm giống “nho ba màu” cho năng suất cao, được mở rộng diện tích ra toàn tỉnh với chừng 20 hecta.
Một góc vườn “nho ba màu” của người dân tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Đây là giống nho NH 01-152 có tên khoa học Mariaue finger, do Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, lai tạo thành công và chuyển giao cho người dân trồng nhân rộng nhằm thay thế cho một số giống nho cũ đang bị thoái hóa.
Trong vườn rộng 4.000 m2 của mình ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, ông Nguyễn Phát Lộc (52 tuổi) trồng những giàn nho ba màu xanh ngắt. 5 năm trước, gia đình trồng thử nghiệm giống nho mới. Quá trình trồng, ông phát hiện loài cây này phù hợp nơi khô nóng. Cây phát triển xanh tốt, đậu nhiều trái, có vị ngọt, cho năng suất cao lại bán được giá hơn giống cũ đã mở rộng diện tích.
Chùm nho ba màu trên giàn với màu xanh, đỏ, vàng, quả dài giống móng tay nên người dân gọi là "nho móng tay".
Giống nho này cho năng suất cao, một chùm trọng lượng 0,5-2kg. Với đặc điểm trái to, vị ngọt đậm, giòn thơm, để được lâu ở điều kiện thời tiết mát mẻ, có thể di chuyển xa nên nho được ưa chuộng. Mỗi sáng, chủ vườn đi kiểm tra, thu hoạch những chùm nho chín đều, to trái để đưa đi tiêu thụ, giá 120.000-140.000 đồng/kg.
Mỗi năm, vườn nho cho thu hoạch 2 vụ. Cây ra hoa kết trái vào vụ đông xuân và hè thu. Để vườn nho sum suê đủ màu sắc xanh, đỏ, vàng, và chất lượng, người trồng phải tuân thủ quy trình để tránh mùa mưa vào tháng 10, 11.
"Trồng loại nho này phải thường xuyên theo dõi cắt tỉa lá, cành, loại bỏ quả nhỏ trên chùm để quả nho được đều", ông Lộc nói, cho biết quanh vườn phải vây lưới cao hơn 1,5 m nhằm tránh gió, hạn chế nho bị rụng trái.Sau thời gian trồng, ông Lộc cho hay cây nho có thể trồng trên nhiều nền chân đất khác nhau. Khi quả mới nhú cần phải phun thuốc, bón phân hợp lý thì cây đậu quả cao, khả năng chống sâu bệnh tốt.
Giữa tháng 3, thời tiết nơi đây nắng gắt và gió. Bà Đoàn Thị Kim Phượng (50 tuổi, vợ ông Lộc) phải mặc áo khoác, che kín mặt để chống nóng khi thu hoạch nho để giao cho khách.
Bà chia sẻ, để đầu tư một sào đất trồng nho có chi phí 30-40 triệu đồng, tương đương các giống nho truyền thống, song hiệu quả kinh tế khá cao. Năm nay, một sào nho gia đình cho sản lượng chừng tấn, thu vài trăm triệu đồng cho cả vườn rộng 4.000 m2.
Cây nho thường được trồng từ 5-8 năm. Suốt quá trình trồng, các nhà vườn chăm sóc, theo dõi, phải cung cấp đủ nguồn nước.
Nho ở đây đa phần khách đặt mua từ trước, hoặc đến tận vườn hái. Nho ngoài thu hoạch tươi, còn có thể chế biến các sản phẩm như, rượu nho, mật nho, nho sấy, siro nho… Đồng thời, chủ vườn còn mở cửa đón khách vào tham quan theo hướng du lịch sinh thái. Với những giá trị mang lại này, vườn nho trĩu quả trở thành thương hiệu nổi tiếng của Ninh Thuận, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, cũng như giúp người dân có thu nhập ổn định
Một du khách đến tham quan vườn nho xanh và ghi lại những bức hình kỷ niệm. Hiện, các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các vùng trồng nho chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, đa dạng các sản phẩm chế biến từ quả nho tươi, liên kết trồng nho theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác theo chuỗi giá trị sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Xuân Ngọc