Vườn quê vải đỏ gọi hè

Tháng 6, chang chang nắng, lũ ve sầu ra rả khúc nhạc cũ xưa tự kiếp nảo kiếp nào. Bóng người cũng hư ảo mờ xa như chân trời mùa hạ. Nắng cồn cào bỏng rát, nắng mang hình hài nỗi nhớ, gọi về ký ức xa, ngỡ đã nhạt nhòa theo năm tháng...

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Những cây vải mấy mươi năm đầy đẫy quả, ngả bóng ven sông bắt đầu vào mã cuối. Đi trong hương vải dìu dịu nghe gió hát: "Vườn quê vải đỏ gọi hè/ bầy chim tu hú cặp kè sóng đôi"...

Nhìn mùa quả lại nhớ mùa hoa.

Mùa xuân năm ấy, thăm vườn nhà có cô sinh viên tài chính năm cuối, bên chàng lính trẻ năm đầu trường lục quân. Đầu xuân, mưa phùn giăng kín như sương như khói, hoa vải nở trắng trời. Từng cụm hoa li ti xòe trên đầu cành, nhìn xa giống mâm xôi đỗ, đẹp như mơ. Hoa vải thơm nồng, từng đàn bướm ong rủ nhau dập dìu tìm mật. Chàng trai và cô gái nói với nhau nhiều điều bên gốc vải già, họ hẹn về mùa vải chín năm sau...

Nhưng rồi tất cả qua mau như cơn mưa mùa hè nhiệt nồng mà mau tạnh. Người bây giờ đã thật xa xôi, chỉ hoài niệm cùng mùa hoa năm xưa là mãi mãi...

Đầu tháng 5 âm lịch, vải chín rộ. Màu đỏ tươi của từng chùm nổi bật trên vòm lá xanh ngăn ngắt, giữa khoảng trời mênh mang thăm thẳm. Từng soi vải kề nhau san sát như rừng. Qua cổng làng thấy bóng vải có mặt khắp mọi nơi, trong những thửa vườn rộng hàng mẫu. Vải vươn cành lòa xòa tỏa bóng qua bờ tường gạch rêu phong cũ kỹ, trùm lên mái ngói thâm nâu.

Lúc nhỏ, tôi vẫn thường được nghe các cụ trong làng kể truyền thuyết về cây vải tổ ở Thúy Lâm, Thanh Hà nức tiếng xa gần. Bây giờ, cây đã gần hai trăm tuổi. Mùa vải nào cũng có hàng ngàn người về thăm và thắp hương cho cụ Hoàng Văn Cơm - là người có công đưa cây vải tổ về trồng.

Ngày xưa, loại hoa quả quý hiếm này dùng để cung tiến vua cùng các công hầu, khanh tướng. Mỗi năm chỉ có một lần. Vải thiều gốc không hề có vị se chua chát. Sau làn vỏ hơi sần màu đỏ sẫm là lớp cùi vải dầy trắng trong mọng nước, hạt vải đen bé bằng đầu đũa, đôi khi còn nhỏ hơn. Đưa quả vải lên miệng, vị ngọt lan đầu lưỡi, hương vải tỏa thơm vùng khứu giác, nhắm mắt lại để thưởng thức...

Vải thiều bây giờ ngoài dùng để ăn tươi, còn được chế biến làm nhiều loại khác nhau như rượu brandy, vải thiều khô, cùi vải tươi đóng hộp, nước ép... Dùng vải ngâm rượu uống cũng là sở thích của không ít người. Vải thiều còn xuất khẩu sang một số nước trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ...

Đi qua tuổi ấu thơ mẹ cha chắt chiu chăm bón từng gốc vải ngọt lành, nuôi tôi khôn lớn thành người. Còn nhớ mãi một lần tôi say vải. Năm ấy tôi học cấp ba. Nghỉ hè đúng vào mùa vải chín, mùa lúa chín.

Sáng sớm mẹ tôi đã gọi: “Hôm nay con dậy sớm gặt nốt ruộng phần trăm nhà mình nhé!”. Tôi vâng, dậy ra đồng ngay. Chả ăn gì. Xà cạp quấn chân cao đến đầu gối, đòn xóc trên vai. Lưỡi liềm mới tôi sắc ngọt. Lúa ngả thành hàng. Xén, bó, gánh về sân nhà. Vứt phựt gánh lúa xuống. Vặn cạp quần cho cua vào cái nồi nhôm méo, trong đầu nghĩ: “Trưa nay được nồi canh ngọt rồi”.

Mẹ đi dạy học chưa về. Khát quá, ra bể nước mưa tu mấy gáo dừa cho đã. Nhìn cành vải trĩu quả xòa ngang bể nước, bụng đói, tôi vặt một chùm to ngấu nghiến ăn. Ngọt quá. Vặt thêm chùm nữa. Ăn xong thấy đầu chếnh choáng. Rồi chóng mặt buồn nôn. Tôi chỉ kịp ú ớ gọi, rồi ngã nằm quay đơ bên gốc vải. Em tôi chạy lại nhìn rồi ra cổng kêu to. Bác ở vườn bên chạy sang bảo: “Nó bị say vải rồi!”. Bác vặt quả chanh vắt nước vào mồm tôi. Tôi nôn ra hết chỗ vải vừa ăn. Hôm ấy tôi vừa say nắng vừa say vải. Bao nhiêu lần mẹ tôi bảo: không nên ăn vải lúc đói, mà tôi vẫn quên.

Nắng tháng sáu, trải vàng rực lên khu vườn dậy mùi vải chín. Hương vải nương theo nắng, theo gió tỏa khắp không gian. Phía dưới tán vải mọi người hay dựng một cái chòi xinh xinh để ngủ trông vải chín. Đêm đêm lũ dơi và tu hú háo hức gọi nhau về ăn vụng. Trên cành cây được treo rất nhiều ống bơ sữa bò bất chợt đồng loạt rung lên. Lũ dơi và tu hú hoảng hồn nháo nhác bay đi.

Mùa thu hoạch vải diễn ra trong thời gian rất ngắn. Vải đã chín là rộ nên phải trẩy thật nhanh. Chỉ cần qua một đêm mưa, vải gặp nước nứt vỏ, cùi nhạt bán không được giá.

Cây vải là miếng cơm manh áo, là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình nên việc được mùa hay mất mùa, được giá hay mất giá luôn là nỗi trăn trở của nhiều nhà.

...

Chiều nay, đi dọc dòng sông đầy gió. Đây đó thoảng thơm mùi vải chín. Những con tàu chở khách du lịch thăm miệt vải ven sông. Thăm cây vải tổ, tiếng hò hát giao lưu rộn ràng mênh mang cả một vùng sông nước... Đã mấy chục năm tôi không sống ở làng. Người bạn thuở thiếu thời cũng lập nghiệp nơi xa. Nhớ cây vải nhà cha trồng bốn mươi năm có lẻ, đổ bóng dài phía trước. Gốc một nơi, bóng thẳm một nơi. Nhiều khi, cây cũng giống như người. Cả đời chỉ nghiêng về một phía...

Tản văn của Lê Phương Liên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/vuon-que-vai-do-goi-he/27688.htm