Vươn ra toàn cầu bằng ca khúc tiếng Anh: Lối đi chật vật
Thế hệ nghệ sĩ gen Z giỏi ngoại ngữ, nắm bắt nhanh xu hướng âm nhạc quốc tế nên không ngạc nhiên khi họ tung ra nhiều ca khúc viết hoàn toàn bằng tiếng Anh để chinh phục tai nghe ngoại quốc. Đáng tiếc, hầu hết nhạc phẩm này vẫn chưa gây được tiếng vang trong nước chứ chưa nói đến thị trường quốc tế.
Sơn Tùng M-TP là một trong những ca sĩ không giấu giếm tham vọng đưa âm nhạc của mình vươn ra biển lớn. Sau những bước đi lót đường như mời siêu sao ngoại quốc Snoop Dogg, Madison Beer, Mai Davika hợp tác trong các MV "Hãy trao cho anh", "Chạy ngay đi", liên tục từ năm 2022 đến 2023, Sơn Tùng lần lượt tung ra hai ca khúc tiếng Anh mang tên "There's no one at all" và "Making my way". Giai đoạn này, anh dừng hẳn mảng ca khúc tiếng Việt để tập trung theo đuổi thị trường quốc tế.
Buồn thay, cú bẻ lái mạo hiểm này không thành công. Thậm chí nó càng khiến sự nghiệp của chàng ca sĩ gốc Thái Bình tuột dốc thảm hại. MV "There's no one at all" lên sóng chưa được bao lâu đã phải gỡ bỏ khỏi nền tảng YouTube, riêng Sơn Tùng bị phạt hành chính vì nội dung MV độc hại. Dù giữ lại bản audio nhưng lượt nghe ca khúc này khá khiêm tốn.
"Making my way" không đến nỗi xui rủi như ca khúc đầu nhưng cũng không tạo được cơn sốt như những ca khúc tiếng Việt của Sơn Tùng trước đây. Nếu "Hãy trao cho anh", "Âm thầm bên em", "Nơi này có anh", "Muộn rồi mà sao còn"… đều đạt hàng trăm triệu lượt xem/nghe và hiệu ứng truyền miệng sôi động thì hai ca khúc tiếng Anh lẹt đẹt vài chục triệu lượt. Nhiều khán giả cho rằng trình độ phát âm tiếng Anh của Sơn Tùng còn non nớt, đơ cứng. Cách dùng từ vựng để viết ca từ vẫn chưa chuẩn. Dù chất nhạc thời thượng, bắt tai nhưng khi áp lời vào cách hát của Tùng, người nghe chữ được chữ mất. Có khán giả nói vui: Tùng hát tiếng Việt phải có phụ đề thì người ta mới biết anh hát gì huống hồ là bài hát tiếng Anh.
Khán giả Lê Tiến Anh thẳng thắn góp ý: "Tôi mong cậu ấy làm lại các nhạc phẩm tiếng Việt. Nói thật hai bài tiếng Anh của Sơn Tùng không ra gì cả, không nhờ fan lâu năm thì không ai biết đến đâu". Có lẽ vì những góp ý như thế mà sau một thời gian dài vắng bóng trên thị trường âm nhạc, nửa đầu năm nay, Sơn Tùng M-TP quay trở lại đầy sôi nổi khi liên tiếp ra mắt hai MV tiếng Việt "Chúng ta của tương lai" và mới nhất là "Đừng làm trái tim anh đau". Bằng những trào lưu thời thượng và hình ảnh gần gũi, anh dần lấy lại vị thế hàng đầu trong showbiz khi ca khúc liên tiếp xác lập loạt thành tích đáng nể trên các bảng xếp hạng.
Một cái tên mới nổi là Wren Evans. Thuở mới vào nghề, chàng ca sĩ kiêm nhạc sĩ, nhà sản xuất này "chào sân" bằng hai bài hát được viết hoàn toàn bằng ngoại ngữ là "Fever" và "Fashion 3". Chất nhạc jazz, funk, trap, disco… phối trộn mới lạ, mang đậm hơi thở Âu- Mỹ khẳng định bước thử nghiệm táo bạo của cậu "tân binh". Nhưng dù được đầu tư công phu về mặt âm nhạc lẫn hình ảnh, hai MV vẫn không được nhiều khán giả chú ý. Chỉ khi Wren bắt đầu sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ thì tên tuổi anh mới chính thức trở thành hiện tượng. "Thích em hơi nhiều", "Cơn đau", "Gặp may", "Tò te tí"… nhanh chóng nổi lên thành bài hát ăn khách.
Cũng theo đuổi dòng nhạc Âu - Mỹ, Mỹ Anh từng khiến người nghe nhận xét có khí chất không khác một ngôi sao quốc tế khi tự mình sáng tác và thể hiện các bài hát đầu tay 100% Anh ngữ mang tên "Got you" và "Pillars". Dù sản phẩm nhận về nhiều bình luận tích cực nhưng một khán giả vẫn thừa nhận: "Mình đã nghe đi nghe lại mấy lần và thấy rất thích. Giọng Mỹ Anh như thiên thần vậy. Tuy nhiên vì Mỹ Anh chọn ra mắt với một bài tiếng Anh thì sẽ khó để lượt view tăng cao ngay được. Người ta sẽ tò mò về một cô bé tự sáng tác, tự hòa âm, tự quay MV, tự làm mọi thứ. Về cơ bản, Mỹ Anh nên sáng tác và hát tiếng Việt nhiều hơn nữa bên cạnh viết tiếng Anh". Nghe theo lời khuyên của fan, đầu năm 2024, cô tung ra album "Em" gồm 9 bài hát (đa số là tiếng Việt). Tên tuổi cô cũng theo album bắt đầu được công chúng ủng hộ nhiều hơn.
Bộ đôi Minh và Tùng của giới indie (hoạt động âm nhạc độc lập) cũng có nhiều ca khúc Anh ngữ ấn tượng như "Fake happy", "I should've known", "After party" (Minh), "Luna", "A sad song", "Gummy Bear" (Tùng). Ca khúc của họ không chạy theo xu hướng âm nhạc thịnh hành mà đầu tư nhiều vào ca từ để gửi gắm thông điệp sâu sắc, cảm quan và cách nhìn lạ lẫm về một chủ đề nào đó. Nhưng đến nay, Minh vẫn là một cái tên nhạt nhòa trong làng nhạc còn nhắc đến Tùng, người ta chỉ nhớ ngay "Con dế mèn hát vào mùa hè", "Con chim trên cành hát về tình yêu"…
Theo lý thuyết, đáng lẽ với tệp khán giả ngoại quốc đông đảo, những ca khúc tiếng Anh phải có lượt view vượt xa nhiều lần ca khúc tiếng Việt. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Dù Minh, Mỹ Anh, Wren Evans… phát âm Anh ngữ chuẩn như người bản địa nhưng hiệu ứng về tác phẩm của họ vẫn không khá khẩm hơn Sơn Tùng là mấy. Có nhiều nguyên nhân khiến ca khúc tiếng Anh do người Việt sáng tác và thể hiện vẫn chưa chạm được vào khán giả trong nước lẫn tiếp cận thị trường quốc tế.
Nhạc sĩ Jimi Trần thừa nhận hiện tại đang là thời điểm thuận lợi để những ca khúc tiếng Anh của người Việt ra đời và chinh phục khán giả bởi trình độ Anh ngữ lẫn thị hiếu của khán giả đã nâng cao và cởi mở hơn trước. Tuy vậy, khi phát hành tác phẩm, chính anh và ekip cũng lo lắng vì tệp khán giả này vẫn còn khiêm tốn so với lượng khán giả đại chúng. Khán giả Việt vẫn chuộng ca khúc thuần Việt vì dễ nghe, dễ thuộc. Số ít khán giả giỏi ngoại ngữ thì phần nhiều chỉ thích sản phẩm của các siêu sao quốc tế mà chưa sẵn sàng lắng nghe nhạc phẩm của người Việt sáng tác. Với thị trường thế giới, dù tiệm cận tư duy âm nhạc đương đại nhưng giữa hàng tỉ ca khúc tiếng Anh đủ sắc màu thì cố nhiên ca khúc của nghệ sĩ Việt (lại là những gương mặt mới toanh) hoàn toàn lép vế, nhạt nhòa với các siêu sao toàn cầu.
Nhiều nghệ sĩ tâm tư rằng không hẳn viết nhạc bằng tiếng Anh là chơi trội hay ôm mộng đánh chuông xứ người. Không ít người coi đó là thử thách mới để chơi hết mình với âm nhạc. Ca sĩ Wren Evans từng thổ lộ: "Tiếng Anh là ngôn ngữ mà tôi tự tin nhất để thể hiện cảm xúc và cá tính của bản thân, thể hiện điều muốn nói". Số khác hay dùng tiếng Anh vì phổ nhạc cho lời Anh ngữ tự do, thoải mái, không bị bó buộc bởi vần bằng, vần trắc như tiếng Việt. Nếu may mắn, ca khúc được bạn bè ngoại quốc chú ý thì càng hạnh phúc vì dù sao Anh ngữ cũng là ngôn ngữ thông dụng.
Nhìn sang nền âm nhạc phát triển như Kpop, khán giả Hàn Quốc cũng không mấy mặn mà khi "gà nhà" phát hành sản phẩm hoàn toàn bằng tiếng Anh dù không ít sản phẩm gây tiếng vang trên trường quốc tế như "Dynamite" của BTS hay "Ice Cream" của BlackPink. Theo người hâm mộ, Kpop tạo nên thương hiệu và chinh phục làng nhạc thế giới là nhờ thế mạnh vũ đạo, hình ảnh và lời bài hát đặc sắc bằng tiếng Hàn.
Học tập kinh nghiệm từ xứ sở kim chi, trước mắt, nghệ sĩ Việt hãy cứ sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ cho thật hay, thật chất lượng, đậm bản sắc Việt. Bởi không hiếm bài hát thuần Việt được cộng đồng quốc tế yêu thích và chuyển ngữ như "See tình" của Hoàng Thùy Linh, "Hai phút hơn" của Pháo hay "Dạ vũ" của Tăng Duy Tân… Nếu muốn thăm dò thị trường hoặc để thỏa mãn cái tôi cá nhân, ca sĩ có thể phát hành phiên bản song ngữ Anh- Việt cho một bài hát hoặc phát hành album có khoảng một, hai bài tiếng Anh đi kèm như album "Em" của Mỹ Anh. Bởi hành trình ra biển lớn là chặng đường rất dài, rất dài…