Vươn tới đỉnh cao công nghệ đóng tàu biển
Bằng nhiệt huyết và bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy Z173, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã viết nên một hành trình vượt khó để vươn tới đỉnh cao công nghệ về đóng mới và sửa chữa tàu hiện đại, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nói chung, ngành đóng tàu quân đội nói riêng.
Nhà máy Z173 được thành lập ngày 30-10-1965, với nhiệm vụ vận chuyển thiết bị, vật tư đến các cơ sở sản xuất ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng để gia công, đặt hàng sản xuất các phương tiện tàu, thuyền vận chuyển vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong các năm từ 1965 đến 1968, đơn vị đã lập chiến công về thành tích vượt khó, góp phần sản xuất hàng trăm phương tiện các loại, bảo đảm tốt cho yêu cầu nhiệm vụ. Tháng 4-1968, nhà máy được giao đóng mới các loại ca nô, sà lan và rà phá bom từ trường phục vụ chiến trường. Cán bộ, công nhân viên, người lao động nhà máy với tinh thần quyết tâm cao, luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Điển hình như trong Chiến dịch C38 (ngày 3-8-1968), nhà máy đã cải tiến những chiếc ca nô thành những con tàu cao tốc để thực hiện nhiệm vụ rà phá thủy lôi, phá bom từ trường nổ chậm, góp phần mở đường nối mạch máu giao thông vận tải đường thủy chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực từ hậu phương ra tiền tuyến được thông suốt...
Những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước, Nhà máy Z173 phải đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn về sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy mạnh dạn lãnh đạo, chỉ đạo đi từ cách thức sản xuất, kinh doanh truyền thống là tàu thuyền đường sông sang thực hiện nhiệm vụ sửa chữa tàu biển có trọng tải lớn. Cú hích đầu tiên trong sự đổi mới này, đó là quyết định nhận hợp đồng sửa chữa con tàu Đại Khánh 400 tấn trong khi sức đưa của triền đà theo thiết kế chỉ dành cho tàu 200 tấn. Nhưng với sự sáng tạo và quyết tâm của tập thể công ty, con tàu Đại Khánh đã được đưa lên triền đà để sửa chữa bảo đảm đúng các yêu cầu, tiêu chí về chất lượng, vượt tiến độ về thời gian, giá thành giảm...
Thành công từ sửa chữa tàu biển, với tư duy nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Đảng ủy, Ban giám đốc công ty đã mạnh dạn đề ra chủ trương tiếp cận, nắm bắt và làm chủ công nghệ đóng tàu hiện đại, mở rộng hướng kinh doanh từ sửa chữa sang đóng mới các loại tàu biển. Nhà máy đã đề xuất với cấp trên cho triển khai dự án đóng mới tàu chiến “made in Vietnam”-loại tàu hiện đại, có nhiều đặc tính ưu việt. Để thực hiện dự án, nhà máy đã xác định chiến lược cụ thể với các giải pháp đồng bộ, như đề xuất đầu tư xây dựng phân xưởng vũ khí, khí tài; đầu tư các trang thiết bị hiện đại, các phần mềm công nghệ đóng tàu tiên tiến; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công nhân kỹ thuật và tổ chức đoàn cán bộ đi tham quan, học tập tại các nhà máy đóng tàu chiến hiện đại của nhiều nước trên thế giới. Với sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể Nhà máy Z173, loại tàu chiến hiện đại, có nhiều đặc tính ưu việt lần đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam và được Hội đồng nghiệm thu của Bộ Quốc phòng đánh giá: “Tàu được đóng đúng theo thiết kế; chất lượng tốt cả về kỹ thuật và mỹ thuật; đạt được đầy đủ các tính năng kỹ thuật, chiến thuật theo phê duyệt...”.
Cùng với đó, nhà máy mạnh dạn đổi mới, đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm kinh tế và sản phẩm quốc phòng. Đẩy mạnh thực hiện phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giai đoạn 2010-2019, nhà máy đã thực hiện được gần 500 đề tài, giải pháp, sáng kiến áp dụng vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều đề tài được tặng giải thưởng cấp Nhà nước.
Phát huy truyền thống vẻ vang, Đảng bộ nhà máy tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng cục CNQP lần thứ X, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Huy động các nguồn lực, đề xuất đầu tư nhằm củng cố, nâng cao năng lực đóng mới, sửa chữa các tàu quân sự có hàm lượng công nghệ cao, tính năng kỹ, chiến thuật hiện đại, phù hợp với nhu cầu của quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới; đẩy mạnh đóng mới và sửa chữa các tàu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý, sản xuất kinh doanh; giữ gìn, thu hút đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật có năng lực, trình độ tay nghề cao...
Trung tá, TS PHẠM VĂN TUẤN, Giám đốc Nhà máy Z173, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/vuon-toi-dinh-cao-cong-nghe-dong-tau-bien-642254