Vườn trái ngọt trên đất Lộc An
Giữa vùng cà phê, vùng chè, một vườn cây trái xanh mướt đang cho quả ngọt bội thu. Thay cho cây cà phê, cây chè giá cả bấp bênh; một nông hộ đã dẫn đầu trong việc trồng cây ăn trái mang lại thu nhập cao.
Thăm vườn trái cây của gia đình anh chị Mai Hồng Sơn - Nguyễn Thị Thu, Xóm 5, Thôn 5, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, khách tham quan thấy mát mắt với những trái cam, bưởi, quýt, sầu riêng, bơ đang chuẩn bị cho thu hoạch. Trên 3 ha đất sườn đồi, những loại cây trái đang vươn cành tỏa bóng, hứa hẹn những vụ trái ngọt no ấm. Chị Nguyễn Thị Thu vừa tỉa bớt lá, vừa chia sẻ: “Trước đây diện tích này gia đình tôi trồng cà phê. Nhưng đất sườn đồi, cà phê cho năng suất không cao, giá cả lại bấp bênh vụ cao vụ thấp. Vì vậy, gia đình tôi tìm hướng chuyển đổi cây trồng và quyết định trồng các loại cây trái, vừa cây có múi, vừa sầu riêng, bơ là đặc sản địa phương”.
Nghĩ là làm, năm 2015 anh Mai Hồng Sơn lặn lội đi học tập kinh nghiệm, tìm hiểu giống cây ăn trái khắp nơi trong vùng Bảo Lâm, Bảo Lộc, miền Tây Nam bộ. Cuối cùng anh chọn cây cam sành, cây quýt đường trồng xen với 200 cây sầu riêng trên diện tích đất của gia đình. Hợp thổ nhưỡng, chăm sóc tốt, cam và sầu riêng phát triển tốt, cho trái sai và độ ngọt khá cao. Chị Thu chia sẻ: “Cam sành, quýt đường của gia đình đã cho trái khá ổn định. Năm 2019 thu hoạch 20 tấn cam, quýt các loại, cam giá 14 ngàn đồng/kg, quýt 18 ngàn đồng/kg. Sầu riêng thu được gần 5 tấn trái, giá ổn định 40 ngàn đồng/kg. Nói chung thu nhập từ trái cây cao hơn rất nhiều so với trồng cà phê”.
Nhận thấy hiệu quả của trái cây, anh chị Sơn - Thu quyết định trồng thêm cây có múi như bưởi, cam Vinh, cam đường canh và trồng xen vài trăm cây bơ ghép. Mới trồng hai năm nhưng bưởi, cam Vinh, cam đường canh, bơ đã ra trái bói. Nhẩm tính, chị Thu đánh giá vụ cam, quýt năm 2020, năng suất phải tăng hơn rất nhiều vụ 2019, đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Thu cũng cho biết, trồng cây ăn trái đòi hỏi rất nhiều yếu tố đối với những người nông dân. Trồng cây ăn trái cần kỹ thuật, cần chi phí đầu tư lớn và đặc biệt cần nguồn giống chuẩn. Chị Thu chia sẻ, anh chị tìm vườn giống chuẩn, có cam kết về chất lượng. Trồng trái cây cũng yêu cầu rất lớn về mức đầu tư, một năm có thể bỏ tới 10 lần phân bón. Vào mùa cây kết trái, phải chú trọng bón phân cân đối, không thể thiếu kali vì kali giúp trái tăng độ ngọt. Đặc biệt, vì trồng cây trên đất sườn đồi, độ dốc cao nên chế độ tưới cần cẩn thận. Anh chị đã lắp đặt hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, ống chạy ngầm và nước tưới vào từng gốc cây. Khi bón phân chỉ cần hòa tan vào nước và cho máy chạy là được. Chị Nguyễn Thị Thu đánh giá: “Trồng cây trên đất dốc cần chú ý tới hệ thống tưới. Nếu tưới phun sẽ khiến đất xói mòn, mất lớp đất mặt, cây dễ bị sượng, nhất là cây có múi. Gia đình đầu tư hệ thống tưới tận gốc, vừa tiết kiệm nước, không lãng phí phân bón, nước lại ra đều và không làm xói mòn lớp đất mặt”. Anh chị cũng chú ý để lại trong vườn một lớp cỏ thấp, vừa có tác dụng giữ ẩm cho đất,vừa có tác dụng chống xói mòn, không để vườn xói lở.
Anh Phạm Ngọc Dương, khuyến nông viên xã Lộc An đánh giá, mô hình trồng trái cây xen canh của gia đình anh chị Mai Hồng Sơn - Nguyễn Thị Thu là mô hình cho hiệu quả kinh tế rất khả quan, là một trong những hộ đầu tiên của xã trồng cây ăn trái có múi xen lẫn sầu riêng, bơ. Anh chị Sơn - Thu đã học hỏi kinh nghiệm canh tác cây ăn trái từ các nhà vườn trong vùng và xuống cả miền Tây Nam bộ để tìm hiểu. Từ kinh nghiệm của gia đình anh Sơn, chị Thu, xã Lộc An luôn khuyến cáo nông dân khi chuyển đổi giống cây trồng phải tìm chọn nguồn giống chuẩn, học hỏi kỹ thuật trồng cây ăn trái để đảm bảo chất lượng nông sản, giúp người nông dân không bị thiệt hại.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202011/vuon-trai-ngot-tren-dat-loc-an-3029993/