Vườn trại tiêu biểu của thanh niên Mường
Ở xã Cao Thịnh (Ngọc Lặc), trong khi nhiều hộ dân còn chưa phát huy hết quỹ đất vườn nhà thì chị Phạm Thị Loan gây dựng được khu vườn mẫu tiêu biểu cho doanh thu 400 – 500 triệu đồng mỗi năm.
Hơn 8 năm trước, nữ thanh niên người Mường đã vận động gia đình mình phá bỏ cây tạp để cải tạo thành vườn sản xuất. Khi đa phần người dân địa phương vẫn quen với những khu vườn rậm rạp, cây gì cũng muốn nên không năng suất, không tạo ra được sản phẩm hàng hóa, chị Loan đã chủ động thay đổi tư duy. Trên diện tích đất vườn hơn 4.300m2 của gia đình, các loại cây trồng truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp như luồng, ngô, mít dần được mạnh dạn xóa bỏ. Thay vào đó là những khu trồng bưởi đỏ Tân Lạc mua giống từ tỉnh Hòa Bình, bưởi Diễn được trồng theo hàng lối, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật.
Theo chị Loan: “Sau khi có điều kiện đi tham quan nhiều nơi, thấy điều kiện đất đai vườn tược ở địa phương khá rộng lớn nhưng người dân chưa biết phát huy làm giàu. Từ trăn trở đó, tôi bàn với gia đình, quyết tâm cải tạo vườn để phát triển kinh tế, không phải khăn gói lặn lội đi tận trong Nam ngoài Bắc làm công nhân, mưu sinh như nhiều thanh niên địa phương”.
Tuy ở vùng miền núi, nhưng chủ vườn sớm ý thức được phương thức sản xuất hữu cơ để cung ứng sản phẩm sạch. Từ những năm 2016-2017 trở đi, vườn bưởi cho thu hoạch đại trà. Dưới tán hàng trăm cây bưởi mát rượi được chị nuôi gà thả vườn, các loại ngan, ngỗng. 350m2 đất trũng thấp dưới cuối khu vườn được chủ vườn đào ao thả cá, vừa có thêm thu nhập, vừa dự trữ nước tưới quanh năm cho vườn cây. Từ năm 2018, gia đình chị đã dùng khoảng đất gần 200m2 để ươm các loại cây cảnh, phát triển thêm hướng trồng trọt mới.
Đến năm 2019, từ sự lấy ngắn nuôi dài, gia đình chị Loan tiếp tục đầu tư hệ thống tưới nước thông minh, dẫn nguồn nước đến từng gốc cây bằng bơm bán tự động. Nói không với thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, tại mô hình, các chế phẩm sinh học được thay thế để trừ sâu bọ. Bưởi nơi đây còn được chăm sóc bằng phân chuồng ủ chế phẩm vi sinh nên quanh năm xanh tốt, cho quả thơm ngọt đặc trưng.
Đến nay, khu trồng các loại cây cảnh trước nhà quanh năm hoa khoe sắc, tô điểm cho ngôi nhà khang trang. Quanh khu vườn được đầu tư hệ thống tường bao thông thoáng, đường nội vườn sạch sẽ... Với những bàn tay cần mẫn cải tạo, sau nhiều năm, mô hình V-A-C này trở thành một khu vườn sinh thái, hài hòa với cảnh quan xung quanh. Trong quá trình XDNTM, xã Cao Thịnh cũng hỗ trợ xây dựng vườn cây và hoạt động chăn nuôi ở đây thành mô hình vườn mẫu tiêu biểu của địa phương.
Thăm khu vườn vào những ngày trước Tết Nguyên đán vừa qua, những cây bưởi tuy đã được thu hoạch tỉa một phần quả nhưng vẫn còn lúc lỉu trĩu cành. Theo chị Loan, do cây trồng và vật nuôi được chăm sóc theo hướng hữu cơ nên sản phẩm đều được thương lái và khách hàng quen thuộc đặt mua. Với vị trí gần thị trấn Thống Nhất của huyện Yên Định, các sản phẩm từ vườn mẫu tiêu biểu này cũng dễ được bao tiêu hơn nhiều xã khác trong huyện.
Theo hạch toán của chủ vườn, đến nay, tổng kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng, kỹ thuật cho khu vườn đạt khoảng 800 triệu đồng. Tuy nhiên, giá trị sản xuất năm 2022 đã đạt 500 triệu đồng, trong đó hơn 200 triệu đồng từ bưởi, gần 100 triệu cây cảnh, hơn 150 triệu đồng bán gà, khoảng 50 triệu đồng thu từ ao cá. Năm 2023 vừa qua, lợi nhuận từ khu vườn đạt gần 340 triệu đồng. Với tinh thần ham học hỏi của tuổi trẻ, chị Loan đã gây dựng khu sản xuất điển hình để vươn lên khá giàu ngay trong vườn nhà. Nhờ đó, 3 lao động trong gia đình có việc làm ổn định quanh năm. Từ sự thành công của mình, gia đình chị Loan đã đồng hành, giúp đỡ 5 gia đình khác ở địa phương phát triển mô hình sản xuất giống mình, tạo sự liên kết bền vững trong cung ứng sản phẩm, hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật chăn nuôi và canh tác.