Vướng đâu phải gỡ ngay đó!

Sau 3 tháng triển khai, doanh số cho vay của gói hỗ trợ với lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP vẫn rất khiêm tốn. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành phải rà soát ngay các vướng mắc để tháo gỡ kịp thời.

Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 đã khó, nhưng việc tổ chức thực hiện xem chừng còn khó hơn! Cho đến nay, các ngân hàng mới giải ngân được xấp xỉ 4.100 tỷ đồng cho gần 550 khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sự chậm trễ này do nhiều nguyên nhân như: khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay do nhiều hộ sản xuất - kinh doanh không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ; và những nguyên nhân từ phía các ngân hàng thương mại.

Dù nguyên nhân là gì chăng nữa, việc chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng hạn mức 40 nghìn tỷ đồng là rất đáng tiếc khi mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực được thụ hưởng gói hỗ trợ này đang vô cùng khát vốn. “Dòng tiền như dòng máu”, nếu được “tiếp máu” kịp thời, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid-19. Như vậy mới có cơ hội đạt được các mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân đang có những dấu hiệu khởi sắc khi số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 13,6% so với cùng kỳ), và có 40,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 55,6% so với cùng kỳ), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp hoạt động lại lên 116,9 nghìn doanh nghiệp (tăng 25,4% so với cùng kỳ). Các doanh nghiệp này cần được hỗ trợ, tiếp sức theo nhiều hình thức khác nhau để tồn tại và phát triển; và trong số đó tất nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Đặc biệt, trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao như hiện nay, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% vô cùng hợp lý để đưa dòng tiền đến với doanh nghiệp mà tránh làm tăng áp lực lạm phát. Bởi lẽ nguồn chi trả tiền lãi trả cho mức hỗ trợ 2% lãi suất là từ ngân sách nhà nước, Ngân hàng Nhà nước không phải chi 40 nghìn tỷ đồng bù lãi.

Trước thực tế này, các bộ, ngành cần nhanh chóng rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn xem có vênh gì không, có khắt khe hơn các quy định chung không; từ đó, kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp - như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp chiều 17.8 về gói hỗ trợ. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng cần nắm bắt nhanh, sâu các vướng mắc của ngân hàng thương mại, các bộ, ngành liên quan và đối tượng thụ hưởng để có các biện pháp xử lý kịp thời.

Khi triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, các bộ, ngành đều muốn tránh xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, tránh "dê đi lạc vào chuồng nhà giàu"! Vậy nhưng nếu lo lắng quá đà và khắt khe quá mức trong việc xét duyệt đối tượng cho vay thì chính sách không thể đi vào cuộc sống.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-de-hom-nay/vuong-dau-phai-go-ngay-do-i298243/