Vướng giải phóng mặt bằng, Nhà máy alumin Đắk Nông nguy cơ phải dừng sản xuất
Dự án Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông) là một trong hai dự án thí điểm khai thác quặng bô xít luyện alumin tiến tới sản xuất nhôm tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Dự án đang gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thậm chí có nguy cơ phải dừng hoạt động nhà máy tuyển quặng.
Mùa khô là cao điểm khai thác quặng bô-xít thế nhưng thời điểm này nhà máy alumin Nhân Cơ (ở huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đăk Nông) có nguy cơ dừng sản xuất vì thiếu mặt bằng khai thác và không đảm bảo hồ chứa bùn thải. Ông Nguyễn Bá Phong, Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV cho biết, vướng mắc giải phóng mặt bằng xảy ra ở hầu hết các hạng mục, từ khu vực khai thác quặng đến các khu vực thi công khoang số 3 của hồ bùn đỏ và đập hồ chứa bùn thải sau tuyển rửa số 2. Khu vực khai thác của giai đoạn 2020-2022, dù đã chi trả tiền cho dân từ 2 năm trước nhưng đến nay vẫn còn gần 17ha của hơn 20 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, khu vực khai thác bô-xít giai đoạn 2023-2024 diện tích khoảng 180ha vẫn chưa lập được phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cấp bách nhất hiện nay là mặt bằng phục vụ thi công hồ chứa bùn số 2, nếu không xong trong tháng 4 tới, nhà máy tuyển quặng có nguy cơ phải dừng hoạt động.
“Có 64 hộ trên diện tích đó thì còn 30 hộ, trong đó có 7 hộ thuộc diện tích đắp đập là chưa nhận tiền đền bù. Đến nay, theo phía trung tâm phát triển quỹ đất của huyện thì đã có thông báo giải phòng mặt bằng lần thứ 3. Muốn khai thác được thì phải có hồ chứa, mà hồ thì theo dự kiến tháng 4 tới là phải đưa vào sử dụng. Nếu không làm được đập hồ thải quặng đuôi là có nguy cơ không biết thải đi đâu, là nhà máy tuyển có quặng cũng không sản xuất được”, ông Nguyễn Bá Phong cho biết.
Địa bàn vướng mắc nhất trong giải phóng mặt bằng phục vụ việc khai thác bô-xit ở Đăk Nông hiện nay là tại xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk Rlấp. Ông Đoàn Huy Cường, Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm trước, công tác này tương đối thuận lợi vì giá tiền đền bù khá cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, cơn “sốt đất” khiến giá bồi thường không theo kịp thị trường, dẫn đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn.
“Đất hồi trước thì giá đền bù cao có thể mua đất lại, dôi dư ra có thể làm nhà, mua xe, sắm sửa được thì dân thấy có lợi. Nhưng bây giờ có những hộ 1ha đất được đền bù 1tỷ mấy, ra ngoài không mua được miếng đất như thế nữa, thế là người dân không đồng tình”, ông Đoàn Huy Cường nói.
Trước những vấn đề đặt ra tại vùng dự án alumin, tháng 10/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định 1644 thành lập Tổ công tác để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Công ty Nhôm Đăk Nông - TKV. Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông tại kỳ họp chuyên đề cuối năm 2022 đã phê duyệt chủ trương đầu tư 6 khu tái định cư tại huyện Đăk Rlấp. Các sở ngành liên quan cùng với chính quyền và các ngành chức năng địa phương liên tục tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng phục vụ việc khai thác bô-xit, đồng thời, tham mưu vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ đối với người dân. UBND tỉnh Đăk Nông chỉ đạo UBND huyện Đăk Rlấp rà soát, xem xét sắp xếp, bố trí tái định cư cho các hộ đủ điều kiện, bố trí nhà tạm cư, nhà thuê để người dân bàn giao mặt bằng. Với những hộ đã được bồi thường đầy đủ, vận động mà vẫn không bàn giao mặt bằng, huyện củng cố hồ sơ, lên phương án thực hiện cưỡng chế giải tỏa.
Về phương án đối với số diện tích phục vụ khai thác bô-xit năm 2023 – 2024, ông Nguyễn Quang Tứ, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, cho biết: “240 hộ này thì huyện dự kiến thực hiện khoảng 2 đợt, cùng lắm thì sang đợt thứ 3 là những hộ khó khăn nhất. Đợt 1 huyện tính toán với công ty là chỉ cần bồi thường trước 37 hộ, chưa động đến 40 hộ cần tái định cư, thì như vậy có được 32ha để phục vụ sản xuất. Về thời gian thì theo kế hoạch là ngày 31/3/2023 sẽ phê duyệt được phương án chi trả cho dân để có mặt bằng”.
Trực tiếp đi kiểm tra hiện trường và chủ trì buổi làm việc tại Công ty Nhôm Đăk Nông - TKV, ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, chỉ đạo các sở ngành địa phương phải hành động quyết liệt, thực hiện nhiệm vụ cấp bách giải quyết các vướng mắc tại dự án khai thác bô-xít luyện alumin Nhân Cơ.
“Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, giám đốc các sở, ngành phải phối hợp, chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, trước UBND tỉnh nếu công việc không chạy. Và phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hệ thống chính trị và công ty nhôm để giải quyết các tồn tại, vướng mắc theo lộ trình”, ông Lê Trọng Yên thông tin.
Dự án alumin Nhân Cơ (tại huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đăk Nông) có công suất 650.000 tấn alumin 1 năm. Hoàn thành từ năm 2017, không chỉ đóng góp vào ngân sách tỉnh Đăk Nông gần 400 tỷ đồng mỗi năm, dự án còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ. Từ dự án này, một vùng công nghiệp nhôm dần thành hình, với nhà máy điện phân nhôm đang xây dựng, 2 khu công nghiệp đang triển khai… Có tiềm năng lợi thế lớn về tài nguyên khoáng sản bô-xít, từ thành công của dự án alumin Nhân Cơ, Đăk Nông đã xác định mục tiêu tiếp tục ưu tiên phát triển lĩnh vực này là một trụ cột kinh tế, xây dựng tỉnh sớm trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia. Tuy vậy, trước những khó khăn vướng mắc hiện hữu tại dự án Nhân Cơ, đòi hỏi các cấp chính quyền tỉnh Đắk Nông cần nhanh chóng tháo gỡ, xử lý một cách thấu đáo để tránh làm lực cản cho ngành công nghiệp trọng điểm của địa phương./.