Vướng mắc khi thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất cho hợp tác xã, hộ kinh doanh
Chiều 26-10, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thúc đẩy thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20-5-2022 của Chính phủ.
Theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.
Đối tượng được hỗ trợ gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các ngành hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục - đào tạo, nông - lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, cho vay thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ…
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang Trần Văn Phước cho biết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang chỉ đạo và triển khai quyết liệt đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn để đẩy mạnh thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, tuy nhiên số lượng khách hàng tiếp cận còn ít và dư nợ cho vay thấp.
Đến cuối tháng 9-2022, các ngân hàng trên địa bàn rà soát toàn bộ khách hàng đang vay vốn tại ngân hàng, qua đó xác định có trên 1.625 khách hàng với dư nợ 6.762 tỷ đồng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; trong đó, có 6 khách hàng ký thỏa thuận về hỗ trợ lãi suất, 14 khách hàng đang hoàn thiện hồ sơ để được hỗ trợ lãi suất, 600 khách hàng phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất, 144 khách hàng chưa phản hồi.
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP còn khó khăn.
Ông Phạm Huỳnh Quốc Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc cho biết: “Về hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay đòi hỏi khách hàng vay vốn phải có hóa đơn tài chính khi thu mua nông, lâm, thủy sản, nguyên vật liệu… Tiêu chí này doanh nghiệp nước mắm khó đáp ứng vì các doanh nghiệp nước mắm mua nguyên liệu chỉ có bảng kê giao nhận hàng hóa, hóa đơn bán lẻ. Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ vướng mắc này”.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang, còn một số nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt thấp như tại khoản 4 Điều 3 của nghị đinh này, ngân hàng chỉ thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, quy định này chưa hướng dẫn cụ thể đảm bảo áp dụng pháp luật một cách thống nhất và gây khó khăn cho việc triển khai trong thực tiễn.
Ngoài ra, khách hàng hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thuộc ngành nghề theo quy định tại khoản 2, Điều 2, Nghị định 31/2022/NĐ-CP nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khách hàng là doanh nghiệp đa ngành nghề phải bóc tách tương ứng các chi phí và cung cấp các chứng từ chứng minh cho các chi phí đó cho ngân hàng nhằm đảm bảo tuân thủ quy định…
Để thực hiện tốt Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ thời gian tới, đồng chí Trần Văn Phước cho biết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể về việc xác định tiêu chí doanh nghiệp có khả năng phục hồi hoặc sẽ bỏ tiêu chí này.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang Trần Văn Phước còn cho biết, sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất đến 31-12-2024 đối với một số ngành, lĩnh vực chịu áp lực từ kinh tế thế giới trong thời gian tới.
Song song đó, tăng cường phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền về kết quả thực hiện chính sách để tạo sự đồng thuận, chia sẻ từ khách hàng.
Đồng chí Trần Văn Phước cũng lưu ý các doanh nghiệp lĩnh vực chế biến thủy sản phải thực hiện cơ chế chuyển khoản với doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào; đồng thời, tuân thủ quy định pháp luật về hóa đơn chứng từ nhằm tạo sự thuận lợi trong việc được hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
Dịp này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh Kiên Giang thực hiện ký kết thỏa thuận, hợp đồng hỗ trợ lãi suất với Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang.
Tin và ảnh: ĐẶNG LINH