VƯỚNG MẮC TRONG KHẮC PHỤC YÊU CẦU VỀ PCCC THEO QUY CHUẨN 06:2022

Sáng 04/07, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh do Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát làm trưởng đoàn, làm việc với UBND thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh về 'việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022'.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Thành phố Móng Cái là đô thị loại II của tỉnh Quảng Ninh, có 17 đơn vị hành chính (8 phường, 9 xã). Cùng với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhiều công trình được đầu tư, xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch và an ninh - quốc phòng tiềm ẩn nguy cơ gây phát sinh cháy, nổ. Dự báo trong thời gian tới, thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ và các sự cố, đặc biệt là đối với các cơ sở trong khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu dân cư, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo của UBND thành phố, từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2022, trên địa bàn xảy ra 9 vụ cháy theo tiêu chí thống kê (cháy dân sự 7 vụ, cháy rừng 2 vụ), trong đó chỉ có 1 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Số vụ cháy nhỏ gây thiệt hại không đáng kể: 23 vụ. Các vụ cháy không gây thiệt hại về người chết, người bị thương. Thiệt hại về tài sản hơn 16 tỷ đồng, hơn 36 ha rừng.

Đại tá Lê Nhật Thành

Đại tá Lê Nhật Thành

Thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội, UBND thành phố Móng Cái đã ban hành 4 văn bản để tổ chức triển khai, đánh giá kết quả thực hiện. Giai đoạn 2020-2022, tổng số văn bản đã ban hành về công tác PCCC và CNCH là 72 văn bản. Công tác tuyên truyền về PCCC luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo. Kết quả đã tổ chức 210 buổi tuyên truyền về PCCC và CNCH đối với hơn 20.700 người. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể xã hội, các lực lượng chức năng và nhân dân trong việc triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH.

Thành phố đã kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC và CNCH thành phố (gồm 50 thành viên) và Ban chỉ đạo tại 17/17 phường, xã; củng cố, kiện toàn 100 đội dân phòng với 1.010 đội viên tại tất các các xã, phường; 318 đội PCCC cơ sở với 1.134 đội viên và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng này. Bên cạnh đó, duy trì hoạt động hiệu quả mô hình “Khu dân cư an toàn PCCCC”, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Năm 2023 đã xây dựng mới 34 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”.

Theo thống kê, toàn thành phố Móng Cái hiện có 105 trụ nước chữa cháy tại các khu đô thị, song 22 trụ (chiếm gần 1/5) hoạt động kém hiệu quả. Trên địa bàn thành phố chưa có bến phục vụ cho xe chữa cháy lấy nước. Toàn thành phố có 11 công trình vi phạm chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Thành phố đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đối với việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001 có hiệu lực; chỉ đạo khắc phục các yêu cầu về PCCC đối với công trình chịu tác động của Nghị quyết số 32/2021 của HĐND tỉnh.

Cũng theo UBND thành phố, lực lượng dân phòng hoạt động đạt hiệu quả chưa cao do đa số đội viên là người cao tuổi, thiếu chế độ đãi ngộ. Về hoàn thiện chính sách, pháp luật, thành phố đề nghị bổ sung thẩm quyền phê duyệt phương án cứu nạn, cứu hộ cho Trưởng Công an cấp huyện; sửa đổi, thống nhất các Nghị định, Thông tư về công tác PCCC và CNCH. Đối với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội, đề nghị tăng cường năng lực và hiệu quả công tác PCCC và CNCH của các cơ quan quản lý nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ; nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của các chủ thể trong thực hiện trách nhiệm PCCC và CNCH.

Bà Phạm Thúy Chinh

Bà Phạm Thúy Chinh

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao sự quan tâm đầu tư của thành phố Móng Cái cho công tác PCCC và CNCH trong giai đoạn 2020-2022, kết quả công tác PCCC và CNCH nói chung và việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội nói riêng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, lực lượng PCCC và CNCH của thành phố còn mỏng, chỉ với 13 cánh bộ chiến sỹ trong khi có tới 5 đồng chí là lái xe và chiến sỹ nghĩa vụ. Việc khắc phục các tồn tại về PCCC tại các cơ sở theo Nghị quyết số 32/2021 của HĐND tỉnh còn chậm, mới chỉ dừng ở việc đang giao cho các đơn vị liên quan thực hiện khắc phục theo quy định.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị địa phương làm rõ hơn những vướng mắc, bất cập từ quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay đối với việc khắc phục các công trình đã đưa vào hoạt động mà chưa tuân thủ quy định về PCCC; có những đề xuất, kiến nghị cụ thể về pháp luật và tổ chức thực hiện theo yêu cầu Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội và Nghị quyết 32/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức

Trung tướng Nguyễn Minh Đức

Thay mặt Đoàn giám sát, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh, tinh thần buổi làm việc là Đoàn giám sát muốn lắng nghe địa phương báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội có gì vướng mắc, khó khăn cần được điều chỉnh, kiến nghị, đề xuất.

Trưởng Đoàn công tác cũng nhấn mạnh, giám sát không phải để “bới lông tìm vết” hay moi móc. Mục tiêu cuộc giám sát là để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở vẫn phải đảm bảo an toàn PCCC.

Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị địa phương báo cáo, thống kê rõ bao nhiêu cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị đang gặp khó khăn, vướng mắc không thể triển khai khắc phục được theo các quy định về PCCC như: Nghị định 136, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022 của Bộ Xây dựng về An toàn cháy cho nhà và công trình. Đề nghị địa phương phân tích rõ hơn việc triển khai công tác PCCC theo phương châm 4 tại chỗ cũng như các mô hình an toàn PCCC góp phần xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy trên địa bàn./.

Khắc Phục

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77697