Vướng mắc trong thực hiện quy định về mua bán và sáp nhập tại Việt Nam
Với chủ chương hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, Việt Nam đã nghiên cứu và ban hành khuôn khổ pháp lý rộng mở, thúc đẩy các cơ hội đầu tư thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai các quy định về M&A của các DN còn gặp khá nhiều vướng mắc, nhất là khi Việt Nam triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về M&A. Bài viết phân tích, đề cập sâu hơn về những vướng mắc trong thực hiện các quy định về M&A hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp nhằm giúp DN Việt Nam nâng cao ưu thế trong thực hiện các cam kết quốc tế về M&A.
Trên thế giới, hoạt động M&A DN diễn ra rất sôi động, nhưng ở Việt Nam, hoạt động này mới chỉ xuất hiện từ những năm 1990 và bắt đầu diễn ra mạnh mẽ kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Việc Việt Nam là thành viên của WTO cùng với nhiều rào cản được dỡ bỏ, đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư (NĐT) và các công ty đa quốc gia tăng cường hoạt động M&A tại Việt Nam. Các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ trong khuôn khổ các hiệp định song phương, đa phương trong khu vực và thế giới thời gian gần đây cũng là những nhân tố tích cực góp phần thúc đẩy hoạt động M&A này.
Mặc dù, xu hướng M&A đã hình thành và phát triển ở Việt Nam, tuy nhiên, các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài còn ngần ngại tham gia M&A tại Việt Nam bởi khung pháp lý còn chưa đầy đủ, nhiều vấn đề vướng mắc trong thực hiện các cam kết quốc tế về M&A.
Theo khảo sát của Công ty TNHH KPMG, có trên 70% ý kiến còn ngần ngại về khung pháp lý của Việt Nam khi tham gia M&A tại Việt Nam. Bài viết phân tích, đề cập cụ thể những vấn đề còn vướng mắc trong thực hiện các cam kết quốc tế về M&A, để DN Việt Nam có cái nhìn bao quát về thực tiễn triển khai các cam kết quốc tế về M&A, từ đó có giải pháp, nâng cao ưu thế trong thực hiện các cam kết quốc tế về M&A.
Hành lang pháp lý của Việt Nam về mua bán, sáp nhập
Ở Việt Nam, pháp luật về hoạt động M&A được quy định tại các văn bản luật như: Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).
Cụ thể như: Luật DN được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (khóa XIII) ngày 26/11/2014 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 chỉ dừng lại ở mức độ hướng dẫn về trình tự, thủ tục sáp nhập, hợp nhất. Luật DN xem xét M&A như cách để DN tiến hành tổ chức, cơ cấu lại DN xuất phát từ nhu cầu tự thân của DN.
Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 và Luật Đầu tư số 61/2014/QH14 ngày 17/6/2020 đều quy định M&A như là một trong những hình thức đầu tư trực tiếp và không quy định cụ thể, rõ ràng về thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thương vụ M&A.
Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (Khóa XIV) ngày 12/06/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2019. Trong đó, quy định các hình thức tập trung kinh tế, bao gồm: Sáp nhập DN, hợp nhất DN, mua lại DN, liên doanh giữa các DN, các hình thức tập trung khác theo quy định của pháp luật.
Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (Khóa XIV) ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, thay thế cho Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 sửa đổi. Trong đó, quy định về việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi thực hiện.
Luật các tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14 ngày 20/22/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD và có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 quy định về việc chia tách, hợp nhất các TCTD phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, Việt Nam chưa có một đạo luật riêng về M&A; khung pháp lý quy định còn chưa đầy đủ. Các quy định liên quan đến hoạt động M&A hầu như mới chỉ dừng lại ở việc xác lập về mặt hình thức của hoạt động M&A, tức là mới chỉ giải quyết được các vấn đề về mặt “thay tên, đổi họ” cho DN. Chưa có văn bản hướng dẫn các thủ tục, quy trình M&A rõ ràng, cụ thể, trong khi các văn bản luật lại có quy định khác nhau làm cho việc sáp nhập, hợp nhất DN gặp khó khăn trong xác lập các giao dịch, địa vị mỗi bên mua-bán, hậu quả quản lý sau khi mua...
Nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến M&A mà pháp luật Việt Nam còn chưa quy định cụ thể như kiểm toán, định giá, thuế, tư vấn, môi giới, bảo mật, thông tin, cơ chế giải quyết tranh chấp... trong khi, M&A là một giao dịch thương mại, tài chính, đòi hỏi phải có quy định cụ thể, có một cơ chế thị trường để chào bán, chào mua DN, giá cả, cung cấp thông tin, chuyển giao và xác lập sở hữu, chuyển dịch tư cách pháp nhân, cổ phần, cổ phiếu, các nghĩa vụ tài chính, người lao động, thương hiệu...
Quy định của Luật DN và Luật Đầu tư cũng còn chưa thống nhất và đồng bộ trong việc giải quyết cấp phép cho các NĐT nước ngoài mua cổ phần của các công ty Việt Nam theo các cam kết của WTO. Theo quy định của Luật Đầu tư, một DN có vốn nước ngoài trên 49% thành lập ở Việt Nam được coi là DN nước ngoài và thực hiện các thủ tục đầu tư (trong đó có hoạt động M&A) như một NĐT nước ngoài. Còn Luật DN chỉ quy định trình tự, thủ tục M&A đối với các DN nói chung, không có sự phân biệt giữa các DN có bên nước ngoài tham gia.
Một số vấn đề tồn tại, vướng mắc
Đối với vịêc áp dụng trực tiếp các cam kết WTO: Ngày 29/11/2006, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 71/2006/QH11 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của nước Cộng hòa Xã hội hủ nghĩa Việt Nam. Nghị quyết này quy định một số cam kết được áp dụng trực tiếp, đồng thời, giao Chính phủ và các cơ quan có liên quan báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội việc áp dụng trực tiếp các cam kết khác chưa được quy định tại Nghị quyết.
Tuy nhiên, việc áp dụng trực tiếp các cam kết quốc tế còn nhiều hạn chế. Các DN, kể cả các cơ quan nhà nước vẫn còn dè dặt trong việc áp dụng các cam kết quốc tế khi mà các cam kết quốc tế đó quy định khác với luật trong nước. Nguyên nhân của vấn đề này là do các chủ thể áp dụng pháp luật chưa có sự thông tỏ về các cam kết quốc tế, hoặc do e ngại sẽ vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
Vướng mắc giữa cam kết WTO với Lụât Đầu tư, Lụât DN: Theo biểu cam kết WTO, cho đến nay, NĐT ngoài được mua cổ phần, phần vốn góp của DN Việt Nam không hạn chế, trừ những lĩnh vực đặc thù được quy định bởi WTO và các đạo luật khác (Luật các TCTD, Luật Chứng khoán). Cam kết của WTO đã rõ ràng, tuy nhiên, những cam kết này chưa được nội luật hóa. Vì vậy, các cơ quan chức năng trong quá trình quản lý chỉ áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam mà chưa áp dụng các cam kết đối với WTO.
Vướng mắc trong thực hiện quy định của Luật Cạnh tranh: Luật Cạnh tranh quy định, cấm các hoạt động M&A có thể dẫn tới việc một DN có mức tập trung kinh tế lớn hơn 50% thị trường liên quan. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Luật Cạnh tranh và các văn bản dưới luật không quy định rõ ràng về khái niệm “Thị trường liên quan”. Trong trường hợp một DN kinh doanh nhiều mặt hàng (có nhiều thị trường khác nhau), thì tùy theo các cách tính khác nhau, có thể dẫn đến kết quả là DN đó có thể bị coi là có “tập trung kinh tế” trên 50% hoặc có thể dưới.
Vướng mắc trong vịêc định giá DN: Giá là vấn đề tối cao trong một thương vụ M&A, có tính quyết định lượng giá trị được chuyển giao của người bán để đổi lấy quyền sở hữu DN. Trong thương vụ M&A, các bên đều rất chú trọng thỏa thuận về giá mua bán DN, vì đây là yếu tố quan trọng để quyết định liệu thương vụ có hoàn tất được hay không? Do đó, các bên mua bán DN phải sử dụng các phương pháp định giá tuân theo các nguyên tắc định giá nhất định và phù hợp với giá trị thị trường, đặc biệt là khi định giá đối với tài sản không thể hiện trên bảng cân đối kế toán của DN, nhưng lại đem lại lợi ích kinh tế lớn cho DN, những tài sản vô hình như thương hiệu, hệ thống khách hàng…
Trong M&A, công tác xác định giá trị DN đóng vai trò hết sức quan trọng giúp các NĐT đưa ra quyết định của mình. Không chỉ góp phần đưa ra giá trị cốt lõi, việc định giá còn phần nào giúp NĐT xác định được các rủi ro họ sẽ phải đối mặt. Với vai trò quan trọng như vậy, việc định giá là khâu không thể thiếu trong các thương vụ M&A.
Có nhiều phương pháp được sử dụng để định giá tài sản và định giá DN. Tùy mục đích thực hiện M&A mà NĐT sẽ lựa chọn các phương pháp thích hợp. Khi thực hiện các thương vụ M&A, các NĐT thường kỳ vọng thu được lợi ích trong tương lai từ tài sản mà mình đầu tư, trong một số trường hợp khác mục đích của việc mua bán lại là thanh lý các tài sản đã không có khả năng duy trì. Vì vậy, để ước tính giá trị chuyển nhượng trong một thương vụ, thường sử dụng 3 phương pháp định giá chính: phương pháp giá trị tài sản thuần, phương pháp chiết khấu dòng tiền và phương pháp so sánh thị trường.
Việc định giá DN được hướng dẫn chung trong một số văn bản pháp luật về thẩm định giá như Luật Giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 20/06/2012 và tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 về thẩm định giá DN được ban hành trong Thông tư số 122/2017/TT-BTC được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 15/11/2017. Tuy nhiên, hiện nay, không có văn bản quy phạm pháp luật riêng nào quy định về việc định giá DN trong các thương vụ M&A DN. Các thương vụ M&A diễn ra chủ yếu là do các bên tham gia thỏa thuận về giá.
Một vấn đề ảnh hưởng đến công tác định giá DN trong quá trình M&A DN chính là công tác định giá các tài sản vô hình, đặc biệt là các lợi thế thương mại vẫn chưa được quan tâm một cách thỏa đáng. Mặc dù Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Tiêu chuẩn số 13 về thẩm định giá tài sản vô hình (quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014). Quy định chung của tất cả các chuẩn mực kế toán cho thấy, lợi thế thương mại cần được ghi tăng hoặc ghi giảm căn cứ vào chu kỳ sống của nó.
Tuy nhiên, loại tài sản vô hình như là lợi thế thương mại có chu kỳ sống vô định nên không thể ghi giảm như là cách ghi khấu hao. Thay vào đó, các công ty sẽ tiến hành định giá lại lợi thế thương mại hàng năm và ghi nhận giá trị của lợi thế thương mại vào bảng cân đối kế toán căn cứ vào kết quả định giá. Hai phương pháp được khuyến khích sử dụng là phương pháp chiết khấu dòng tiền và phương pháp so sánh theo giá trị thị trường.
Các chuẩn mực kế toán liên quan đến việc ghi nhận giá trị của lợi thế thương mại trong các vụ M&A là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện cách ghi chép giá trị của thương hiệu vào các báo cáo tài chính. Tuy nhiên, cách ghi nhận này là vẫn chưa hiệu quả bởi vì chỉ ghi nhận phần giá trị được mua lại và chi tiết được ghi dưới dạng ghi chú trong tài khoản. Điều này dẫn đến sự bóp méo là giá trị của lợi thế thương mại.
Ngoài ra, cũng có một số vấn đề liên quan đến chất lượng định giá lợi thế thương mại. Một số công ty sử dụng cách tiếp cận đặc trưng trong việc định giá lợi thế thương mại nhưng cũng có không ít công ty sử dụng những kỹ thuật kém phức tạp hơn và thường là đưa ra những kết quả rất không đáng tin cậy. Tranh cãi xung quanh việc làm thế nào để đưa giá trị dài hạn thực sự của một DN gần hơn với giá trị ghi trên số sách rồi đây sẽ còn tiếp tục.
Vướng mắc khi thực hịên M&A trong lĩnh vực ngân hàng: Với chính sách tiền tệ nới lỏng, từ năm 2005-2009 là giai đoạn phát triển bùng nổ các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam. Nhiều NHTM được thành lập với quy mô nhỏ, đã gặp không ít khó khăn trong hoạt động huy động vốn, cho vay, dẫn đến tình trạng buộc phải nâng cao lãi suất huy động, tăng vốn huy động từ thị trường cho vay dưới chuẩn… dẫn đến hậu quả tất yếu là tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng cao, thanh khoản của hệ thống bất ổn…
Làn sóng du nhập các ngân hàng ngoại trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo môi trường cạnh tranh khốc liệt đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thêm vào đó, nhu cầu về dịch vụ ngân hàng hiện đại ngày càng gia tăng đã làm hệ thống ngân hàng nội địa bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt, đối với những ngân hàng có vốn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu ớt; trình độ quản lý non kém; hoạt động kinh doanh manh mún; công nghệ nghèo nàn lạc hậu; chất lượng sản phẩm dịch vụ còn khoảng cách quá xa so với dịch vụ ngân hàng hiện đại trên thế giới… Hệ quả tất yếu là nhiều ngân hàng phải đối mặt với những rủi ro lớn, đứng bên bờ vực phá sản. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ gây ra đổ vỡ hệ thống...
Sau hơn hai thập kỷ thực hiện M&A, hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại về sở hữu chéo, nợ xấu ở mức cao cũng như năng lực tài chính của một số NHTM vẫn ở mức kém. Làm thế nào để M&A thực sự là giải pháp giúp các NHTM đạt được mục tiêu đề ra trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, nền kinh tế còn nhiều khó khăn? Câu trả lời vẫn còn để ngỏ.
Trước thách thức đó, từ năm 2011, Chính phủ đã thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254) và Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018. Theo đó, các NHTM tiếp tục được cơ cấu lại gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chế thị trường… giảm số lượng TCTD yếu kém để có số lượng các TCTD phù hợp, hoạt động lành mạnh. Một trong nhiều giải pháp đồng bộ đó là đẩy mạnh hoạt động M&A ngân hàng. Đây là một trong những lựa chọn hàng đầu nhằm cơ cấu lại ngành Ngân hàng Việt Nam.
Việc chia, tách, hợp nhất và sáp nhập các TCTD phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thực hiện theo Luật các TCTD. Hiện nay, Thông tư số 04/2010/TT-NHNN còn bỏ ngỏ nội dung sáp nhập, hợp nhất, mua lại bắt buộc TCTD. Vì vậy, còn thiếu cơ chế để NHNN thực hiện vai trò của mình trong việc buộc các TCTD sáp nhập, hợp nhất và bán cổ phần bắt buộc.
Ngoài ra, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP cần phải được tiến hành sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các TCTD cho phù hợp với cam kết WTO và phù hợp với quy định của Luật các TCTD năm 2010. Nhìn lại các thương vụ, mua bán, sáp nhập các NHTM tại Việt Nam trong thời gian qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường.
Theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của NHNN, các NHTM không được vay tiền để mua cổ phần của ngân hàng khác như giai đoạn trước. Thêm vào đó, việc NHNN đưa ra những biện pháp mạnh nhằm xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo cũng là một nguyên nhân dẫn đến hoạt động M&A chưa sôi động trong thời gian qua.
Trước yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh theo Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030; cũng như áp lực cạnh buộc phải tuân thủ chuẩn mực vốn của Basel II, từ nay đến năm 2020, các NHTM buộc phải tính đến bài toán M&A và như vậy, thị trường M&A ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới dự báo sẽ trở nên sôi động hơn.
Vướng mắc trong lĩnh vực lao động: Một trong những yếu tố liên quan đến sự thành công của M&A là vấn đề về nhân sự. Theo pháp luật về lao động của Việt Nam, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động nói chung và trong trường hợp M&A nói riêng là rất khó thực hiện.
Đề xuất, khuyến nghị
Nhìn chung, các quy định liên quan đến hoạt động M&A hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc xác lập về mặt hình thức của hoạt động M&A, trong khi đó, các vấn đề về mặt nội dung cũng cần phải được quy định đầy đủ hơn, bởi vì hoạt động M&A có nhiều nội dung liên quan đến định giá DN, giải quyết các vấn đề tài chính, cổ phần, cổ phiếu, thuế, phí… của DN trong và sau quá trình M&A.
Để thúc đẩy thị trường M&A ngày càng phát triển thì vấn đề hoàn thiện khung pháp lý M&A cần chuyên biệt, không dựa quá nhiều trên các khung pháp lý về cổ phần hóa, phát hành và niêm yết chứng khoán. Khung pháp lý này sẽ tạo điều kiện để xác lập giao dịch, địa vị của bên mua, bên bán, hậu quả pháp lý sau khi kết thúc giao dịch. Cụ thể:
Về các cam kết WTO với Lụât Đầu tư, Lụât doanh nghiệp
- Sử dụng thống nhất các khái niệm về mua bán, sáp nhập và tổ chức lại doanh nghiệp (DN) trong các văn bản pháp luật. Việc này có thể được xử lý ở từng văn bản khi tiến hành sửa đổi bổ sung văn bản đó, hoặc dùng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật như đã từng sử dụng trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Hoặc có thể ban hành một đạo luật riêng về M&A nhằm đảm bảo việc thực hiện thống nhất đối với các loại hình DN.
- Hướng dẫn về “công ty cùng loại” theo Luật DN. Theo quy định của Luật DN, sáp nhập và hợp nhất chỉ áp dụng đối với các công ty cùng loại. Tuy nhiên, Luật này và các văn bản hướng dẫn không xác định tiêu chí để được coi là “công ty cùng loại”.
Về các vướng mắc trong Luật Cạnh tranh
- Ban hành văn bản hướng dẫn Luật Cạnh tranh, trong đó quy định rõ thế nào là “Thị trường liên quan” để có thể xác định một hoạt động M&A có thuộc trường hợp tập trung kinh tế hay không. Văn bản hướng dẫn này có thể được thể hiện dưới hình thức Nghị định của Chính phủ hoặc Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương.
- Xác định rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài.
- Xây dựng một danh sách thống nhất và duy nhất về các ngành/lĩnh vực có hạn chế về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài hoặc các điều kiện đầu tư khác.
- Đề xuất nguyên tắc xử lý các trường hợp nhà đầu tư của các nước không thuộc WTO, theo hướng không hạn chế nếu pháp luật không có quy định hạn chế, nhưng không thuận lợi hơn chế độ đối xử dành cho nhà đầu tư của các nước thành viên WTO.
- Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, các lĩnh vực đầu tư có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài cần được xử lý ở một văn bản riêng hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư sửa đổi.
Về vịêc định giá doanh nghịêp
Việt Nam cần có văn bản hướng dẫn thống nhất việc định giá DN phục vụ cho quá trình M&A, tránh tình trạng tự thỏa thuận về giá trị DN như thời điểm hiện nay. Quy định về định giá DN phải đảm bảo xác định được đúng giá trị DN trên cơ sở tài sản nợ và tài sản có, giá trị thương hiệu của DN. Làm được như vậy sẽ đảm bảo được tính minh bạch của thị trường M&A, tránh sự lạm quyền của các nhà quản lý, điều hành DN tham gia M&A.
Về pháp lụât ngân hàng
Nhằm đảm bảo quyền kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước trong việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém, pháp luật liên quan đến M&A ngân hàng cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định thêm trường hợp M&A bắt buộc, có sự giám sát của Ngân hàng nhà nước, thể hiện được quyền lực của Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành vừa là một bên tham gia vào quá trình M&A bắt buộc đối với các TCTD yếu kém.
Đồng thời, cần có quy định bổ sung về việc xác định vốn điều lệ của TCTD sau M&A, đặc biệt là xác định vốn điều lệ thực có của TCTD sau M&A DN theo hướng cấn trừ phần lỗ lũy kế của TCTD vào vốn điều lệ khi tiến hành M&A nhằm đảm bảo TCTD sau M&A có vốn điều lệ thực có bằng vốn pháp định.
Về pháp lụât lao động
Đề nghị bổ sung hướng dẫn chi tiết hơn về các trường hợp được coi là thay đổi cơ cấu, công nghệ dẫn đến cho người lao động nghỉ việc, đặc biệt là các trường hợp thay đổi cơ cấu tổ chức DN, sáp nhập, hợp nhất DN và tiêu chí định tính, định lượng để xác định trong từng trường hợp.
Đồng thời, để nghị bổ sung các yêu cầu về thủ tục mà người sử dụng lao động phải đáp ứng khi cho người lao động thôi việc trong các trường hợp này, như yêu cầu về thời gian báo trước, lấy ý kiến ban chấp hành công đoàn cơ sở, thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh cao giữa các DN sẽ là động lực để các DN vươn lên, phát triển cả chiều ngang lẫn chiều rộng, và đương nhiên khi đó sẽ có DN tồn tại, phát triển, sẽ có DN phá sản, bị thôn tính, tất yếu sẽ hình thành nhu cầu cần mua, cần bán, sáp nhập, liên doanh, liên kết giữa các DN để lớn mạnh hơn, phát triển hơn và hỗ trợ cho nhau tốt hơn.
Tuy nhiên, như đã đề cập, mua bán DN không đơn giản như mua bán một sản phẩm hàng hóa thông thường. Một thương vụ sáp nhập thành công hay không phụ thuộc vào vào rất nhiều yếu tố. Hiện nay, các văn bản pháp lý thực sự để điều chỉnh hoạt động mua bán, sáp nhập ở Việt Nam còn rất ít, hầu hết còn rất chung chung, mơ hồ và bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành hoạt động M&A tại Việt Nam.
Do vậy, muốn có một thị trường M&A phát triển, Nhà nước cần tạo điều kiện giúp các DN có thể thực hiện thành công giao dịch này. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về M&A của Việt Nam là một vấn đề cấp thiết nhằm đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam, khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13;
2. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13;
3. Quốc hội (2018), Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14;
4. Quốc hội (2019), Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14;
5. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư số 67/2014/QH13;
6. Quốc hội (2010), Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12;
7. Trần Thị Bảo Ánh (2014), Luận án Tiến sĩ, “Pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam”;
8. Phạm Minh Sơn (2016), Luận án Tiến sĩ “Pháp luật về mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay”;
9. Luật sư Trương Hữu Ngư (2018), Pháp lý M&A căn bản, NXB Công Thương.