Vướng mắc trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số

Nhiều kinh nghiệm cùng những khó khăn, vướng mắc, hạn chế đã được nêu ra tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hội thảo do Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chiều nay (19/4) với sự tham gia của các đại biểu ở những địa phương miền núi 21 tỉnh, thành phố.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025 chưa được Trung ương thông báo nên nhiều tỉnh gặp khó khăn trong xây dựng kế hoạch sử dụng vốn.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Một số sở, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình nhưng chưa thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện và tổng hợp kết quả thực hiện chung của dự án, tiểu dự án…

UBND các huyện thực hiện Chương trình này còn lúng túng trong nghiên cứu, áp dụng triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, chưa có giải pháp để đổi mới cách làm. Trong năm 2022, hầu hết các huyện chưa bố trí vốn đối ứng từ ngân sách huyện để thực hiện Chương trình này.

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Ông Trần Văn Mẫn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” chưa được hướng dẫn cụ thể về hình thức cho vay, định mức vay, thời gian vay và lãi suất vay đối với việc hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều nguồn kinh phí nhưng không thực hiện được.

“Chúng tôi đề nghị, hình thức cho vay này có thể thực hiện theo cách ủy thác cho Ngân hàng Chính sách cho vay. Giống như chính quyền các địa phương hiện nay đang làm, bố trí nguồn kinh phí, ủy thác ngân hàng Chính sách cho vay. Đối tượng vay tương đối rộng, tạo điều kiện cho sự phát triển”.

Liên quan việc thực hiện Dự án 1 “Hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai nêu thực tế: Năm 2022, các địa phương nằm trong Chương trình đã phê duyệt danh sách đối tượng thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở. Khi đó, các hộ dân này được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để xây nhà ở. Đến đầu năm 2023, nhiều hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ không còn nằm trong danh sách hộ nghèo nữa nên hiện vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ nhà ở.

Ông Trường Trung Tuyến cho biết, địa phương rất lúng túng trong giải quyết chi tiền hỗ trợ cho bà con: “Bây giờ, họ đã vay ngân hàng rồi, vật tư còn nợ, bây giờ còn vướng chỗ này thì rất khó. Chúng tôi đã có văn bản gửi Ủy ban Dân tộc để có trả lời cho địa phương”.

Đại biểu tham dự hội thảo phát biểu ý kiến.

Đại biểu tham dự hội thảo phát biểu ý kiến.

Tại hội thảo, đại diện các địa phương chia sẻ kinh nghiệm và nêu những tồn tại, vướng mắc qua thực tế triển khai các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để triển khai Chương trình này có hiệu quả, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị các đơn vị, địa phương nghiên cứu văn bản kỹ càng trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện.

Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội thảo.

Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội thảo.

“Chúng ta phải có trách nhiệm hướng dẫn cho cấp huyện, cấp xã. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền cấp tỉnh thì cấp tỉnh giải quyết, không cần phải chờ Trung ương. Các địa phương tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm. Đề nghị Ban Dân tộc các tỉnh là cơ quan chủ trì ở địa phương phải nắm sát, hàng tháng phải có báo cáo theo tiến độ, công việc đã triển khai như thế nào, kết quả đến đâu và vướng mắc gì…”./.

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/vuong-mac-trong-trien-khai-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-vung-dan-toc-thieu-so-post1015033.vov