Vướng mắc về đất đai, việc đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư vẫn gặp khó

Đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những bất cập trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT); phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng, do gặp nhiều khó khăn, trong đó vướng mắc lớn nhất chủ yếu liên quan đến mặt bằng đất đai nên đây vẫn là bài toán khó đối với các địa phương trọng điểm về chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Chăn nuôi bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường nằm xen kẽ trong khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. (Trong ảnh là mô hình chăn nuôi bò sữa của chị Lương Thị Đoan, thôn Khách Nhi Xuôi). Ảnh: Nguyễn Lượng

Chăn nuôi bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường nằm xen kẽ trong khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. (Trong ảnh là mô hình chăn nuôi bò sữa của chị Lương Thị Đoan, thôn Khách Nhi Xuôi). Ảnh: Nguyễn Lượng

Phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, chăn nuôi đã khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Vĩnh Tường. Giai đoạn 2015 - 2020, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 39,46% lên 42,38%. Nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất như các giống bò ngoại, lợn ngoại; các giống gia cầm hướng trứng, hướng thịt…

Chăn nuôi bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo xã như chăn nuôi gà đẻ trứng ở Tân Tiến, Yên Bình; chăn nuôi chim cút tại Tân Tiến, Yên Lập, Đại Đồng; chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, An Tường, Bình Dương; chăn nuôi lợn ở Ngũ Kiên, Tuân Chính, Đại Đồng, Phú Đa, Yên Bình và đã có nhiều mô hình chăn nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư; chưa thực sự phát triển theo chiều rộng và chiều sâu.

Sản phẩm sản xuất ra chủ yếu qua thương lái, không có đầu ra ổn định nên giá trị sản xuất chăn nuôi không cao; thiếu liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Một số xã có quy mô chăn nuôi lớn như nuôi bò sữa tại các xã Vĩnh Thịnh, An Tường, Vĩnh Ninh, Bình Dương; chăn nuôi lợn tại các xã: Ngũ Kiên, Đại Đồng, Yên Bình, Chấn Hưng..., vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở nên bức xúc, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Để khắc phục vấn đề này, UBND huyện Vĩnh Tường đã thực hiện quy hoạch và xây dựng các khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư.

Cụ thể, giai đoạn 2008 - 2009, huyện đã tiến hành xây dựng khu chăn nuôi tập trung tại 4 xã Khu Cầu Dừa, thôn Nam (xã Lũng Hòa), khu Cửa Quán (xã Bình Dương), khu Đồng Chậu (xã Bồ Sao), khu Hậu Lộc (xã Vĩnh Ninh) với cơ chế hỗ trợ theo Quyết định số 52 ngày 19/9/2007 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ xây dựng khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007 - 2010, song không thực hiện được.

Tiếp đó, giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các dự án xây dựng hạ tầng các khu chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò sữa tập trung ngoài khu dân cư theo Nghị quyết số 201/2015 của HĐND tỉnh và mặc dù UBND huyện đã tích cực chỉ đạo, tuyên truyền vận động các hộ chăn nuôi ra các khu tập trung, song cũng không thực hiện được. Phần lớn các hộ chăn nuôi phát triển chăn nuôi ra ngoài khu dân cư một cách tự phát, thiếu đồng bộ, nằm ngoài các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung.

Lý giải về nguyên nhân về việc quy hoạch đã có nhưng việc triển khai thực tế còn gặp khó khăn, ông Nguyễn Thanh Bằng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường cho biết: Vướng mắc lớn nhất là về đất đai.

Cụ thể, việc chuyển nhượng đất đai của các hộ với nhau trong khu quy hoạch không thực hiện được do thiếu tính đồng thuận. Hộ có nhu cầu ra chăn nuôi ở khu quy hoạch thì lại không có đất và ngược lại, một số người dân có đất trong khu quy hoạch có tâm lý giữ đất không chuyển đổi cho người có nhu cầu chăn nuôi.

Để từng bước khắc phục, tiến tới giải quyết căn bản những khó khăn tồn tại hiện nay, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn hiệu quả, bền vững; đồng thời, giữ gìn được cảnh quan môi trường sống trong khu dân cư, phù hợp với thực tế ở địa phương góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT - XH, việc đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư trở thành vấn đề bức thiết không chỉ riêng đối với huyện Vĩnh Tường mà với tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các xã có ngành chăn nuôi phát triển.

Ngành Nông nghiệp và huyện Vĩnh Tường đã và đang nghiên cứu xây dựng Đề án "Đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư giai đoạn 2022 - 2025"; đồng thời, tỉnh cũng đang nghiên cứu xây dựng Nghị quyết về quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Khi các Đề án, Nghị quyết hoàn thiện, được ban hành với những cơ chế, chính sách cụ thể sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, “điểm nghẽn”, đặc biệt về vấn đề đất đai để hiện thực hóa mục tiêu đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư, hình thành các khu chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng đồng bộ công nghệ sản xuất tiên tiến. Qua đó, đưa chăn nuôi phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78009/vuong-mac-ve-dat-dai-viec-dua-chan-nuoi-ra-ngoai-khu-dan-cu-van-gap-kho.html